![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia thăm gian hàng Fahasa tại một hội chợ sách quốc tế ở nước này - Ảnh tư liệu |
Một số nhà xuất bản, công ty phát hành cũng nỗ lực đưa sách ta tiếp thị trên mạng, tại hội chợ sách quốc tế... Dù vậy, lượng sách xuất khẩu chỉ bằng 1/10 - 1/7 lượng sách nhập vào. Vì sao?
Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đến nay vẫn cảm thấy... xấu hổ sau khi trở về từ hội chợ sách quốc tế tổ chức tại Frankfurt (Đức) năm ngoái.
Hình ảnh nghèo nàn, sơ sài của gian hàng sách VN bên cạnh bộ mặt hùng hậu của gian hàng sách các nước láng giềng...
Đi từ Đông sang Tây nước Đức, tìm đỏ mắt mới thấy vài cuốn sách VN nằm khiêm tốn trong một cửa hàng sách nhỏ của một người gốc Việt.
Chào hàng chỉ... 6m2
“Đúng là xấu hổ thật!”, đó cũng là cảm giác của ông Lê Ngọc Trọng - trưởng chi nhánh NXB Thế Giới tại TP.HCM. Ông mô tả mỗi khi nhận lời mời tham gia hội chợ sách quốc tế Frankfurt, những đại diện của ngành xuất bản VN được dành sẵn hai gian hàng vỏn vẹn 6m2.
NXB Thế Giới đến với hội chợ chỉ dám mang theo 40-50 đầu sách loại “mềm”, tức là sách khổ nhỏ và mỏng tới mức không đứng vững được trên kệ. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì cước phí vận chuyển quá cao nên NXB hạn chế mang những cuốn sách bìa cứng, khổ lớn.
Cùng tham gia trưng bày với NXB Thế Giới chỉ có Công ty Xuất nhập khẩu sách báo (Xunhasaba), số đầu sách cũng chỉ lèo tèo.
Áp đảo gian hàng VN là “hàng xóm” Trung Quốc (TQ), sách TQ chiếm trọn một khu vực trưng bày rộng gấp nhiều lần so với khu trưng bày của VN và được sắp xếp bắt mắt hơn hẳn.
Tính riêng về số người đại diện đến tham gia hội chợ, TQ cử đi hàng trăm đại diện, Đài Loan góp mặt hàng chục đại diện, VN chỉ khoảng 6 - 7 người.
Tại hội chợ sách quốc tế do Malaysia tổ chức năm ngoái, so với các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á, sách VN vẫn nghèo nàn hơn.
Bạn đọc nước ngoài muốn tìm sách tiếng Việt dịch sang tiếng Anh không có nhiều cơ hội chọn lựa, chỉ có vài cuốn của NXB Thế Giới, một số sách hội họa, phong cảnh, du lịch, và một số sách tiếng Việt có kèm theo bản tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh.
Ông Phạm Minh Thuận, giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa), cho hay mỗi lần ra nước ngoài ông đều nhận thấy sự vắng bóng của sách Việt tại các cửa hàng, các siêu thị sách lớn. Muốn tìm sách Việt chỉ có thể đến những cửa hàng nhỏ của bà con Việt kiều.
Cần bàn tay khuyến khích của Nhà nước
Trước năm 1995, sách VN có mặt ở nước ngoài chủ yếu là các tác phẩm xuất bản trước năm 1975, được in gia công ở Đài Loan từ bản chụp do chính các nhà sách Việt kiều ở Úc, Mỹ đặt hàng.
Sau năm 1995, các nhà sách Việt kiều tại Mỹ bắt đầu mua sách trực tiếp từ VN, do sách VN in đẹp không thua kém các nước, giá lại rẻ, có thể mua với số lượng ít hay nhiều đều được chấp nhận.
So với việc đặt in gia công ở Đài Loan với số lượng in ít nhất 500 bản/lần, mua sách từ con đường trực tiếp rẻ hơn nhiều, lại không lo kẹt vốn do sách tồn kho.
Hiện việc mua bán sách đã trở thành dây chuyền, những nhà sách Việt kiều không cần phải về VN mua trực tiếp mà có thể đặt mua, liên hệ qua thư từ, email.
Diện tích những nhà sách cho người Việt ở nước ngoài thường chỉ rộng vài chục mét vuông nên không gian trưng bày sách bị hạn chế, các nhà sách vì thế còn chú trọng giới thiệu sách VN qua email và các mối quan hệ quen biết, hoặc đơn giản là truyền miệng.
Qua tìm hiểu từ một số NXB, có thể thấy thị trường chủ yếu của sách VN là những quốc gia nơi cộng đồng người Việt sinh sống khá đông như Mỹ, Pháp, Úc, Nga, Đức và một số quốc gia như Canada, Na Uy, Nhật Bản...
Ngoài ra, sách VN cũng được xuất ngoại từ những đợt tham gia triển lãm hội chợ sách tại nước ngoài. Khi đem sách đi giới thiệu, trưng bày tại hội chợ, ngoài mục tiêu quảng bá, giới thiệu sách, các đơn vị thường tranh thủ tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu nếu thấy thuận tiện.
Cho đến nay, tham gia hội chợ sách quốc tế hằng năm vẫn là cách quảng bá, giới thiệu sách chủ yếu của NXB Thế Giới và Công ty Xunhasaba. Thế nhưng, “mỗi năm chúng tôi tham gia chỉ 1-2 cuộc là giỏi rồi”, ông Trọng nói.
Ông Phạm Minh Thuận gợi ý: “Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích giới thiệu sách VN ở nước ngoài. Nếu không tài trợ được chi phí, Nhà nước có thể giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ví dụ mỗi NXB lớn phải in được vài cuốn chuyển ngữ mỗi năm. Các NXB sẽ coi đó là cách quảng bá thương hiệu, chi phí tự bỏ ra, tất yếu sẽ phải chăm chút sao cho tác phẩm bán được”.
Giám đốc Công ty Fahasa Phạm Minh Thuận cho biết công ty có kim ngạch xuất khẩu sách lớn nhất nước, tuy nhiên lượng sách xuất khẩu của công ty không đáng là bao so với lượng sách nhập khẩu, xuất chỉ bằng 1/10 - 1/7 nhập. Vì sao? Trưởng chi nhánh NXB Thế Giới Lê Ngọc Trọng cho rằng một trong những khó khăn chủ yếu của việc xuất khẩu sách Việt là cước phí vận chuyển khá đắt, bản thân giá thành cuốn sách không thể “cõng” nổi loại phí này. Vì lý do trên, các NXB và các công ty không dám mạnh tay kinh doanh bởi chủ động làm sách rồi đưa ra nước ngoài bán có nghĩa là lỗ. Một cản trở khác chính là sự hạn chế về chuyển ngữ. Ít dịch giả dám nhận sách văn học tiếng Việt rồi dịch sang tiếng nước ngoài do trình độ ngoại ngữ chưa đủ tốt. Do vậy những bản dịch sách văn học thường không đạt chất lượng như mong muốn. Về khâu phát hành, sau khi mất thế độc quyền về xuất - nhập sách báo, Công ty Xunhasaba giờ đây chỉ tìm mua sách từ các NXB sau khi nhận được đơn đặt hàng từ phía đối tác nước ngoài. Ông Lê Dung, người được ủy quyền phụ trách chi nhánh Xunhasaba phía Nam đã ngót nghét bảy năm, cho biết từ ngày ông tiếp quản chi nhánh đến nay, lượng sách xuất - nhập vẫn chỉ “bình bình”, không tăng lên là mấy (!). Trong khi đó, nhiều NXB vẫn “trông cậy” vào kênh phát hành của Xunhasaba. Bức tranh thị trường sách Việt ở nước ngoài vì thế càng ảm đạm hơn. Theo kinh nghiệm của Fahasa, để có thể phát hành sách ở nước ngoài một cách rộng rãi cần đầu tư nhiều khâu, quan trọng là phải thực hiện tốt khâu chuyển ngữ, ưu tiên những đề tài sách được ưa chuộng (phong cảnh, đất nước, con người, văn hóa, chiến tranh VN….); tăng tính mỹ thuật cho cuốn sách, lập mã chuẩn hóa quốc tế để tạo thuận lợi cho việc giao dịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận