![]() |
Dịch giả Phạm Viêm Phương |
Từ cuốn đầu tiên dịch năm 1986, đến nay Phạm Viêm Phương đã có trên dưới 30 đầu sách dịch. Nếu xếp cạnh nhau chắc cũng được … một thước chữ nghĩa, đủ loại từ văn học, triết học đến kinh tế, chính trị, xã hội, sử địa và sách thiếu nhi.
* Có thể coi việc dịch sách là thu nhập chính của anh?
- Vâng. Mặc dù là một viên chức nhà nước nhưng tôi sống được là nhờ dịch sách và cũng không muốn làm gì khác hơn. Thời gian của tôi được phân chia như sau: Nửa tháng dành cho việc dịch từ Việt sang Anh tạp chí Phát triển kinh tế của Đại học Kinh Tế TP.HCM. Nửa tháng còn lại dịch từ Anh sang Việt cho tất cả mọi loại "đầu nậu" sách, công cũng như tư. Nói chung là kiếm sống tốt. Tuy nhiên, không thể so sánh với các bác công chứng dịch khai sinh và bằng cấp kiếm ăn dễ hơn nhiều.
* Gần đây, tôi thấy có một vài cuộc tranh luận chung quanh vấn đề dịch thuật. Xin lỗi cho hỏi là độ tin cậy của các sách dịch ở VN hiện nay là bao nhiêu phần trăm?
- Tôi không có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này, vì tôi không có trách nhiệm đi kiểm tra. Nhưng cũng có thể nói thế này, gần đây, do bị chi phối bởi Công ước Berne, người ta thường vừa dịch vừa "xào" trong một khái niệm chưa hề có trên thế giới này là "biên dịch". Mục đích của việc này là tránh né vấn đề bản quyền. Người ta không cần biết điều này đã dẫn tới một hệ quả cực kỳ bi đát là những "tác phẩm" ấy không hề có giá trị tham khảo.
Tôi ví dụ với một tác phẩm của Hemingway chẳng hạn, nếu không thể dịch như nguyên tác mà chỉ là "biên dịch" hoặc phóng tác thì không thể có giá trị nghiên cứu, tham khảo và Hemingway sẽ biến thành một ông nhà văn giải trí.
Trong lĩnh vực khoa học, điều này cũng nguy hiểm không kém. Liệu có ai dám trích dẫn những điều trong các tác phẩm "xào" ấy không? Và bản thân nó có giá trị để trích dẫn không?
Cái tình trạng mà các nhà xuất bản tự biện hộ cho mình là "cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam" có ưu điểm là thị trường sách có rất nhiều cái để đọc, nhưng liệu có ai chịu trách nhiệm, hoặc bảo đảm về sự đúng sai và giá trị của những cuốn sách ấy?
* Như vậy, theo anh thì cái gọi là nền dịch thuật của chúng ta hiện nay sẽ dẫn tới những nguy cơ nào?
- Câu trả lời của tôi là không dẫn đến gì cả, vì chúng ta đã nằm trong nguy cơ rồi. Nhìn vào tình hình xuất bản thực tế hiện nay, tôi không nói tới lĩnh vực văn học, mà chỉ riêng trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật, thì hầu như tất cả các sách được xuất bản đều là biên dịch hoặc dịch thuật.
Những nhà nghiên cứu VN đâu hết rồi? Hiện nay chúng ta có bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu người được đào tạo chính quy để làm nghiên cứu? Trong đó có bao nhiêu người viết sách? Nếu họ có viết thì mỗi năm được bao nhiêu cuốn và chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong thị trường sách?
Một điều bi hài nhất là những người vốn xuất thân từ dịch thuật lại phải lấn qua lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ Nguyễn Tôn Nhan chuyên dịch sách Tàu trở thành chuyên gia về văn hóa Trung Quốc, Nhật Chiêu dịch văn học Nhật trở thành chuyên gia văn hóa Nhật, tôi - Phạm Viêm Phương dịch văn học Mỹ được phong là chuyên gia truyện ngắn Mỹ. Tôi kiên quyết từ chối vai trò làm học giả ấy, bởi vì tôi chỉ là người dịch thuật không hơn không kém.
* Vướng Công ước Berne rồi, công việc của anh sẽ ra sao?
- Các nhà xuất bản vẫn đặt hàng tôi làm. Theo tôi, Công ước Berne không hề gì. Dĩ nhiên là việc mua bản quyền sẽ đội giá thành lên, nhưng nó không đội bằng phát hành phí. Giá sách cao hiện nay chính là ở khâu này. Có lẽ vì thế mà các nhà phát hành đã tự nguyện cắt phần hoa hồng của mình bằng cách bán sách giảm giá. Đây là một chuyên đề khác, lắm chuyện vui. Vấn đề theo tôi là nếu các nhà xuất bản chọn mua được các tác phẩm có giá trị để dịch thì sẽ không sợ khó bán và lỗ.
* Hẳn là anh vẫn còn những băn khoăn khác?
- Vâng. Trở lại chuyện dịch sách văn học. Tôi thấy ở VN không có nhà xuất bản nào có tham vọng chiến lược lập một tủ sách tham khảo. Đây là mơ ước của tôi, một tủ sách dịch có giá trị như tác phẩm chính vì có độ xác thực của nó, như về một nền văn học nào đó, hoặc một tác giả nào đó một cách đầy đủ.
Tôi ví dụ ở Mỹ, người ta có thể tìm hiểu văn hóa Ấn Độ đến nơi đến chốn mà không cần phải biết tiếng Sankrit, sách tiếng Anh có đầy đủ gần như tất cả.
Nếu chúng ta không có điều kiện lấp một khoảng trống văn học của một quốc gia, hoặc một thời kỳ, thì theo tôi nên lấp từng khoảng trống nhỏ bằng cách dịch toàn bộ một tác giả hơn là chúng ta cứ làm lắt nhắt như hiện nay.
Thấy một ông vừa đoạt giải Nobel, dịch một cuốn. Thấy một ông vừa đoạt giải Goncourt làm một cuốn. Cách làm ấy không thể cung cấp cho người đọc một kiến thức có hệ thống về một quốc gia, một thời kỳ, hay một tác giả.
Phần khác, trong khía cạnh bản quyền, nếu có những dự án về một tác giả thì tôi tin là vấn đề thương lượng sẽ dễ dàng thuận lợi và được tác giả, hoặc gia đình cũng như các sứ quán của tác giả đó ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận