29/12/2016 16:00 GMT+7

​Sả - nguồn hương liệu thiên nhiên

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Sả là một loại cỏ thuộc họ lúa, có tên khoa học là Cymbopogon citratus, toàn thân cây có mùi thơm nhẹ như mùi chanh, do thành phần chính của nó là tinh dầu citral.

Sả khô có chứa khoảng 0,4% tinh dầu dễ bay hơi trong đó hàm lượng citral chiếm hơn 70%, phần còn lại của một số tinh dầu khác. Người ta thường gọi là Sả chanh, “Fever grass”.

Trong ẩm thực

Sả được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn, đặc biệt là trong bếp ăn của người châu Á (Thái Lan sử dụng nhiều nhất) để tăng hương vị của món ăn và khẩu vị của người thưởng thức. Sả hay được dùng ở dạng tươi, khô hoặc bột. Người ta hay sử dụng toàn cây tươi hoặc chỉ lấy phần gốc phình to phía gần gốc rễ để cho vào món canh chua, nước lèo, nước lẩu, bò kho, bún bò hoặc món cà ri, phần lá phía trên ngọn còn được bào chế thành dạng trà thơm hoặc các thức uống chất lượng cao.

Những loại trà được bào chế từ loại sả chanh rất được phổ biến tại Ấn Độ và nhiều nước châu Á. Dạng sả bột hay được dùng trộn chung với bột cà ri thành một khối nhão có tên gọi là Sejeh.

Tác dụng trong y học

- Sả có rất nhiều công dụng tốt trong trị liệu và phòng bệnh, như hạ sốt, chống trầm cảm, giúp tiêu hóa… 

- Người ta sử dụng hương thơm của sả trong các phương pháp trị liệu khác như xông hơi, tắm hơi để thư giãn cơ thể và tạo cảm giác sảng khoái sau một ngày làm việc. Nhiều dạng kem hoặc lotion bôi ngoài da để ngừa mụn trứng cá và các bệnh da liễu trong đó thành phần chính cũng từ tinh dầu sả.

- Sả có tác dụng làm gia tăng sự bài tiết nước tiểu, làm thuốc bổ giúp ăn ngon, và làm giảm co thắt, tinh dầu sả chống sình bụng, đầy hơi, ăn uống không tiêu; chỉ cần 3-6 giọt tinh dầu nghiền chung với một ít siro thành một hỗn hợp dạng sữa rồi uống sẽ tống được hơi ra ngoài.

- Sả làm tăng hoạt động và làm mạnh dạ dày cũng như bộ máy tiêu hóa (trong trường hợp rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đau dạ dày hoặc tiêu chảy).

- Sả giúp hạ sốt, giải cảm, chữa ho, nước sắc của sả giúp làm hạ nhiệt sau khi uống, hoặc dùng ở dạng xông cũng có tác dụng làm ra mồ hôi nhiều, thông mũi, hạ sốt, giảm đau nhức toàn thân và giảm nhức đầu.

- Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng khi hành kinh: vài giọt tinh dầu sả trộn với một ít bột tiêu đen thành một hỗn hợp lỏng rồi uống, cũng có thể ép sả tươi lấy dịch hoặc sắc lấy nước rồi uống cũng sẽ thấy bớt đau.

- Chữa đau khớp và các trường hợp đau khác như đau lưng, đau nhức dây thần kinh, đau đầu: lấy tinh dầu sả trộn với gấp đôi lượng dầu dừa rồi bôi vào các chỗ đau hoặc sưng sẽ thấy rất hiệu quả. Trong trường hợp đau cấp tính thì có thể uống thêm nước sắc của sả tươi.

- Chữa ghẻ: lấy bột lá sả trộn với sữa thành một khối nhão rồi đắp ngay lên những chỗ bị ghẻ, làm vài lần trong ngày.

- Tác dụng diệt khuẩn và kháng nấm, đước áp dụng cho các sản phẩm kem bôi da hoặc thuốc mỡ để bôi ngoài da.

- Theo các tài liệu ghi nhận từ một số bác sĩ cũng như các nhà y học, cho thấy có sự hiện diện với nồng độ khá cao của một chất có khả năng kháng ung thư được tìm thấy trong hoa của nhiều loại sả, nhất là sả chanh, từ đó hướng nghiên cứu điều trị ung thư bằng cây sả là một tiềm năng lớn.

- Phòng cúm: sả còn được dùng để diệt khuẩn, sát trùng không khí, đặc biệt là một vài giọt tinh dầu sả được nhỏ trong khẩu trang hoặc khăn tay, thỉnh thoảng hít vào khi di chuyển ở các nơi công cộng hoặc trên các phương tiện đi lại như xe buýt, xe ô tô, tàu thủy, máy bay là một cách để phòng bệnh cúm hữu hiệu.

Tóm lại, trong tất cả các trường hợp, có thể sử dụng ngay 10-15g, khoảng 1 tép sả tươi, sắc lấy nước uống là đủ, tinh dầu thì chỉ cần 2-3 giọt pha trong một ít nước ấm rồi uống. Trong trường hợp bị té ngã hoặc bị đánh trọng thương, lấy 4-5 tép sả, đun sôi trong nước rồi pha thêm một ít rượu trắng vào và uống.

Tinh dầu sả dùng ở liều thấp có tác dụng hưng phấn giúp thư thái tinh thần dễ đi vào giấc ngủ, tuy nhiên không nên chữa mất ngủ bằng tinh dầu ở liều cao hoặc dùng lâu dài vì có thể sẽ dẫn đến hiện tượng lơ mơ, hôn mê sâu và bị ảo giác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên