10/11/2011 01:00 GMT+7

Rụt rè với tư vấn học đường

 LƯU TRANG
 LƯU TRANG

AT - Học trò mới lớp 9 đã tỏ ra sành sõi với bạn trai. Em đến gặp chuyên viên tư vấn để kể về thói “lăng nhăng” của người yêu với tâm trạng đầy bức xúc. Trong khi đó, chuyên viên tư vấn tâm lý - hướng nghiệp mà nhà trường mời về lại… chưa có mối tình vắt vai nào. Lấy gì để tư vấn ngoài những kiến thức sách vở?

hhtIP2RK.jpgPhóng to
Cô Bùi Thị Kiều (tư vấn viên) Trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM tư vấn tâm lý cho học sinh

Đó là một trong vô số những câu chuyện dở khóc dở cười của những người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông.

Hoạt động tư vấn (tham vấn) học đường được đưa vào trường phổ thông từ nhiều năm nay với vai trò quan trọng trong việc “gỡ rối tơ lòng” cho những HS tuổi mới lớn, lứa tuổi đầy nổi loạn, khó hiểu với nhiều biến đổi tâm lý phức tạp. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên tư vấn lâm vào cảnh… ngồi không vì sự rụt rè của HS đối với hoạt động “gỡ rối tơ lòng” ngay trong nhà trường.

Chưa nói ra tâm sự

H.T., HS Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói: “Thường tụi mình chỉ gặp chuyên viên tư vấn để hỏi về việc định hướng nghề nghiệp, cách giải tỏa stress, cách học bài sao cho nhớ lâu chứ không muốn kể chuyện gia đình, tình cảm vì sợ các bạn khác và thầy cô giáo sẽ biết bí mật của mình. Nếu có vấn đề gì rắc rối về tâm lý, mình vẫn chọn cách rủ bạn thân đi chơi để “tám” với nhau thôi”. Còn Thanh Ngọc, HS Trường THPT Marie Curie (quận 3), kể: “Cô chuyên viên tư vấn của trường mình tính tình rất trẻ trung, dễ gần nên bọn mình thường kéo qua phòng tư vấn chơi. Dù phòng tư vấn này được bố trí riêng, khá riêng tư nhưng thực chất bọn mình cũng chỉ trò chuyện lung tung, kể chuyện này chuyện nọ với cô. Còn nếu muốn tâm sự gì sâu kín hơn thì sẽ về nhà và gọi điện cho cô để nghe tư vấn chứ không nói ra ở trường”.

Trong khi đó, một nam HS lớp 8 Trường THCS Trương Công Định (Bình Thạnh) cho biết: “Trường mình có phòng tư vấn nhưng mình chưa bao giờ vào vì có nói ra những tâm sự của mình cũng chẳng giải quyết được gì”. Nhiều HS cũng cho biết những vấn đề bức xúc hay thắc mắc liên quan đến trường lớp, thầy cô, bạn bè như bạn này chơi xấu bạn kia, chuyện tiền trường, chuyện bị giáo viên “đì”... thì các bạn ngại trao đổi ở phòng tư vấn vì sợ bị... lộ.

Cô N.H., một chuyên viên tâm lý, kể: “Có lần một HS tên M. tâm sự em sắp tổ chức dằn mặt một HS lớp dưới do em này được các bạn nam trong trường coi là “hot girl” và có thái độ chảnh chọe. Em này nói sẽ không đấm đá mà chỉ cào mặt để răn đe và làm cho nhỏ kia... hết đẹp. Nghe em nói mà tôi sởn gai ốc, nhưng nếu báo với giáo viên hoặc gia đình em thì tôi sẽ mất một HS, M. cũng mất lòng tin ở tôi vì làm lộ bí mật. Còn nếu im lặng khuyên bảo chưa chắc M. đã nghe và cô bé kia chắc chắn sẽ bị dằn mặt. Cuối cùng tôi đành dùng cách tổ chức nhờ các em gái khác trong lớp M. cùng tôi khuyên can M.. Cũng may sau đó không có chuyện xấu xảy ra”. Là một chuyên viên chuyên nói chuyện giới tính tại các trường THCS và THPT, cô H. phải công nhận: “Nhiều ca rất khó chữa khi các em lớp 7, 8 đã có vài ba mối tình. Học sinh lớp 10 kể rằng trong lớp chỉ còn 4 bạn gái là còn... trinh, hay chuyện các em mang bầu và tự đi phá thai, để rồi sau đó đau đớn dằn vặt. Rất nhiều câu chuyện sốc mà nếu chuyên viên tư vấn không đủ bản lĩnh thì không thể giúp các em nhận định đâu là đúng, đâu là sai”.

Bích Loan, HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho rằng: “Mình muốn chuyên viên tâm lý như một người bạn mà mình có thể chia sẻ mọi thứ, có thể trực tiếp, qua thư hoặc email, có thể qua điện thoại chứ không nhất thiết là trong phòng tư vấn. Và hơn hết là chuyên viên phải biết lắng nghe và giữ bí mật”.

Để học sinh trải lòng

HS hiện nay gặp vô vàn vấn đề tâm lý tuổi mới lớn và cần sự định hướng cụ thể từ cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là các chuyên viên tư vấn. Vai trò của chuyên viên tư vấn càng nặng nề và khó khăn khi HS hiện nay phát triển nhanh, dậy thì sớm và có nhiều biến đổi tâm lý phức tạp khi phải tiếp xúc với quá nhiều luồng văn hóa khác nhau.

Chính vì vậy từ năm học 2005-2006, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khuyến khích các trường học mở phòng tư vấn tâm lý để giúp HS mới lớn thoát khỏi những khó khăn về tâm lý, tình cảm. Đến nay, 90% trường học tại TP.HCM đã có phòng tư vấn, chuyên viên tư vấn hoặc cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn. Tuy nhiên do hạn chế thiếu chuyên viên tư vấn và để giảm gánh nặng kinh phí, nhiều trường đã phân công giáo viên bộ môn, giám thị hay nhân viên thư viện kiêm nhiệm vai trò tư vấn tâm lý chỉ qua một chương trình đào tạo ngắn hạn.

Điều này dẫn đến việc tư vấn cho HS chỉ mới dừng lại ở trò chuyện bình thường, chưa kể việc tư vấn sai lệch sẽ trở thành con dao hai lưỡi làm ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của học trò. Hoạt động tư vấn cũng khó đạt hiệu quả khi phòng tư vấn chỉ mở một tuần 2-3 buổi, hay chuyên viên tư vấn phải ngồi chung với phòng thư viện, phòng Đoàn, Đội, thiếu sự riêng tư cần thiết của công tác tư vấn. Tại hội thảo xây dựng mô hình tư vấn học đường 2011 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuối tháng 9, nhiều ý kiến cho rằng cần đầu tư hơn nữa cho phòng tư vấn học đường và mỗi trường có ít nhất một chuyên viên tư vấn làm việc độc lập, không kiêm nhiệm.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thị Thanh Trà, hiện đang công tác tại phòng tư vấn tâm lý Trường quốc tế Việt Mỹ, nhận xét: “HS hiện nay có rất nhiều vấn đề tâm lý. Các em yêu đương cũng có, bạo lực học đường cũng có, nhiều em chán học, muốn bỏ học, muốn bỏ nhà đi, mơ hồ về tương lai..., có rất nhiều vấn đề phức tạp của tuổi mới lớn. Điều quan trọng là một khi các em tìm đến phòng tư vấn, mình cần tạo cho các em niềm tin để có thể trải lòng. Nếu các em e ngại, có thể tư vấn qua thư, qua điện thoại. Hằng đêm tôi nhận được khá nhiều điện thoại của các em chia sẻ câu chuyện của mình”.

Cô Lê Thị Minh Hoa, chuyên viên tư vấn học đường và tâm lý trị liệu tổng đài 1088, tâm sự: “Hiện nay HS phát triển rất sớm, các em lớn rất nhanh và cũng rất hiểu biết qua việc đọc sách báo, xem tivi, lên mạng. Các em có kiến thức nên nếu tư vấn không khéo, các em không những không nghe mà còn bắt bẻ lại mình. Tuy nhiên, những kiến thức mà các em có không hoàn toàn đúng hoặc chưa chắc đã đúng, mình phải định hướng cho các em hiểu đúng, tìm kiến thức đúng. Những rung động giới tính, tình bạn, tình yêu... các em không biết tâm sự với ai nên nếu chuyên viên quan hệ tốt với các em, các em sẽ coi chuyên viên là chỗ dựa tinh thần. Vì vậy, nhà trường và xã hội cần ưu tiên và tạo điều kiện tốt nhất cho chuyên viên tư vấn tâm lý tiếp cận với học trò mới lớn”.

YXJI6MGE.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20(số 106 bộ mới) ra ngày 01/11/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên