20/10/2003 07:31 GMT+7

Rượu rất độc với hệ thần kinh trung ương, não

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Vì sao người ta tìm đến rượu? Uống rượu nhiều gây hại gì cho sức khỏe? Có phải rượu bổ thì uống bao nhiêu cũng được? Bác sĩ Lâm Xuân Điền - giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM - cho biết:

5DLALSFd.jpgPhóng to
Bác sĩ Lâm Xuân Điền
TT - Vì sao người ta tìm đến rượu? Uống rượu nhiều gây hại gì cho sức khỏe? Có phải rượu bổ thì uống bao nhiêu cũng được? Bác sĩ Lâm Xuân Điền - giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM - cho biết:

- Có một số đông người tìm đến rượu là vì muốn giải quyết một vấn đề gì đó về mặt tâm lý như những áp lực, xung đột nội tâm; những buồn chán, thất bại trong cuộc sống, công việc, tình cảm...

Thay vì phải đến bác sĩ, nhà tâm lý học thì có người lại tìm cách giải quyết bằng việc uống rượu. Cũng giống như một số người tìm đến thuốc lá hoặc xì ke, ma túy vậy.

* Thưa bác sĩ, nếu cứ tìm đến rượu thường xuyên để quên đi những thất bại trong công việc, quên đi sự đổ vỡ trong tình cảm... thì điều gì sẽ xảy ra?

- Nếu uống rượu thường xuyên dần dần sẽ trở thành thói quen rồi lâu ngày sẽ bị lệ thuộc rượu. Rượu gây lệ thuộc cả về mặt cơ thể và tâm lý. Do vậy, nếu ngưng uống rượu đột ngột cũng sẽ gây ra những “hội chứng cai” - y như những hội chứng cai của tất cả các loại chất gây nghiện - làm cho người nghiện rượu vật vã, co giật, toát mồ hôi... và nếu nặng có thể đưa đến tử vong.

* Một số người có thói quen cứ đến bữa cơm phải có một ly rượu nhỏ, một lon bia... thì ăn cơm mới ngon miệng. Uống như vậy có phải là nghiện, có bị lệ thuộc rượu không?

- Đó cũng là một hình thức nghiện nhưng ở mức độ nhẹ. Tốt nhất là không nên uống liên tục, thường xuyên vì rượu không phải là chất tốt với cơ thể mà phải xác định rượu là chất độc. Dù là rượu bổ, rượu thuốc hay rượu chát... cũng chỉ nên uống một thời gian, trong lúc bị bệnh, uống để trị liệu.

Nếu uống thường xuyên có thể tạo thành thói quen nghiện rượu rất khó bỏ. Nên lưu ý có một số người quan niệm uống càng nhiều rượu thuốc, rượu bổ sẽ càng tốt nhiều hơn cho cơ thể. Song thực tế uống nhiều, liều lượng cao, thường xuyên - dù là rượu bổ - cũng có thể gây ra sự lệ thuộc rượu.

* Rượu gây tác hại gì cho cơ thể? Nếu đã nghiện, có bỏ được không?

- Lâu nay người ta thường nghĩ rượu chỉ gây “cháy gan, cháy phổi”, có nghĩa là chỉ làm hư gan, xơ gan, hư phổi. Nhưng thực chất rượu không chỉ gây độc cho gan, phổi mà nó còn rất độc đối với hệ thần kinh trung ương, não, làm hủy hoại tế bào não.

Vì vậy uống rượu càng nhiều, liều càng cao thì sự hủy hoại bộ não càng nặng. Rượu hủy hoại tế bào não nên mới có hiện tượng say rượu; hiện tượng không còn ý thức được hành vi trong khi say rượu.

Điều đó dẫn đến tình trạng người nghiện rượu dễ bị suy thoái về mặt suy nghĩ, làm cho bản thân người nghiện rượu trở thành người chẳng ra gì. Chưa kể là khi ở mức độ nghiện rượu nặng, kéo dài sẽ gây ra bệnh loạn thần do rượu.

Cũng như nghiện thuốc lá, ma túy... nếu có quyết tâm, ý chí thì người nghiện rượu cũng có thể bỏ được. Tuy nhiên, muốn ngưng uống rượu cũng phải qua một thời gian để điều trị, cai nghiện ở bác sĩ. Tốt nhất là không nên uống rượu thường xuyên, uống ở liều lượng cao để không trở thành người nghiện rượu.

* Dấu hiệu bị loạn thần do rượu như thế nào, thưa bác sĩ?

- Người loạn thần do rượu sẽ có những hành vi không thích nghi, có những hành vi gây nguy hiểm, gây thương tích, đánh đập... người thân, người xung quanh, hoặc đập phá đồ đạc... Họ có thể có hoang tưởng, ảo giác.

* Ở góc độ gia đình và xã hội, rượu sẽ gây ra vấn đề gì?

- Khi rượu đã hủy hoại tế bào não thì cũng có thể làm biến đổi tư cách một con người. Những người nghiện rượu thường gây bạo hành trong gia đình: bạo hành với vợ, con cái, người thân quen.

Gia đình có người nghiện rượu thường là một gia đình bất ổn. Hậu quả là gây hại về mặt thể chất (bị đánh đập...) cho những người thân xung quanh và gây ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần, tâm lý.

Người thân của người nghiện rượu gây bạo hành luôn bị căng thẳng tâm lý, luôn lo âu, sợ sệt, không biết lúc nào mình sẽ bị bạo hành. Nguy hiểm hơn, hành vi bạo hành của người cha nghiện rượu lặp đi lặp lại sẽ trở thành một hành vi mà họ dạy lại con cái. Gây một tâm lý bạo hành “dây chuyền” trong gia đình, anh bạo hành đối với em, em bạo hành với em nhỏ hơn nữa...

Ở góc độ xã hội, người uống rượu quá nhiều và thường xuyên trước khi bị rượu hủy hoại thần kinh còn bị nó hủy hoại nhân cách. Nhất là khi người nghiện lại có vị trí cao trong xã hội, có mối quan hệ rộng trong làm ăn, là người có vai trò quan trọng nào đó ảnh hưởng tới nhiều người... Cuối cùng, có ngày rượu sẽ biến họ thành con người không còn giá trị.

Ở góc độ khác, dù khi say rượu người ta không còn ý thức được hành vi của mình, nhưng khi đã gây ra nguy hiểm cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Cho nên pháp luật cần phải có biện pháp răn đe, giáo dục những người này.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên