![]() |
Các lập trình viên trẻ VN thử nghiệm phần mềm trong lĩnh vực viễn thông tại Công ty phần mềm TMA (TP.HCM) - Ảnh: Quốc Thanh |
Vận nước đến, liệu rồi chúng ta có trở thành một nước lớn hay không? Câu trả lời là “có thể”. Bởi vì các điều kiện cần thì đã có, con người, tài nguyên, thời thế... Vấn đề là chúng ta có “nối vòng tay lớn” cả dân tộc hay không?
Đọc những dòng nhật ký tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi hiểu thêm rằng khát khao được cống hiến cho Tổ quốc của người trẻ Việt chúng ta luôn là một sự thật, chỉ chờ bùng lên bất cứ lúc nào.
Con người VN thông minh, đất nước VN rừng vàng, biển bạc… nhưng vì sao ta vẫn nghèo? Đây có lẽ là nghịch lý lớn nhất mà chúng ta phải đối diện và vượt qua.
Một trong những lý do thường được đưa ra là do những tài năng, ngọn lửa chưa có môi trường, điều kiện thể hiện. Trong khi đó, thông tin từ các báo đài cho thấy nhiều người trẻ Việt đã và đang gặt hái những thành công rất lớn khi ở xứ người; may mắn thì ở các tập đoàn nước ngoài hoạt động tại VN!
Một người bạn ở Mỹ lâu ngày về nước có nhận xét với tôi rằng đi một chuyến xuyên Việt mới thấy hết những tiềm lực về mọi mặt của đất nước mình, nhưng qua các thành phố lớn, người bạn này chợt có cảm giác đau xót khi thấy hầu hết những nơi đẹp nhất, sầm uất nhất đều được treo các bảng quảng cáo cho thương hiệu nước ngoài. Người bạn ấy đau xót hỏi tôi: bao giờ những thương hiệu Việt được treo trang trọng ở nước người?…
Câu hỏi như một thúc bách, như một đòi hỏi - tôi nghĩ không chỉ dành cho tôi, cho người bạn ấy mà còn cho cả thế hệ trẻ chúng ta hôm nay.
Thánh Gióng hôm nay bận bán... cơm phở?!
Tôi đã ngoài 50 tuổi, đã ở Hàn Quốc một thời gian và xúc động khi thường xuyên chứng kiến tinh thần lao động, học tập và tiết kiệm vì đất nước của họ, nhất là lớp trí thức. Cuối tháng 6-2005 vừa qua, tôi có công việc sang Hungary và gặp một tiến sĩ VN bán cơm phở ở chợ “Bốn Con Hổ”. Anh còn cho thuê kho và cho thuê cả nhà vệ sinh, nghĩa là ai muốn đi... thì phải đóng tiền.
Một nhà toán học có bằng đỏ tại một trường danh tiếng ở Liên Xô trước đây lại bán đồ phụ nữ trong một chợ lồng ở ngoại ô Budapest. Chưa hết, tôi còn gặp một kỹ sư phần mềm làm một quán ăn Thái Lan. Tôi đã chuyện trò với anh nơi cái bàn mà phía trên treo ảnh các vị nguyên thủ quốc gia Thái...
Gặp những cảnh trên tối về tôi không ngủ được. Để đi học nước ngoài thời đó, bản thân họ phải giỏi, lý lịch được ưu tiên, để có bằng tiến sĩ chí ít phải ròng rã tám năm dùi mài kinh sử và tốn bao cơm áo của nước nhà. Không chỉ ở Hungary, tôi còn biết ở một số nước khối XHCN cũ có rất đông trí thức đang lãng phí một lượng tài sản quí mà ta vẫn gọi nôm na là chất xám.
Tại sao những Thánh Gióng hôm nay mà chúng ta rất cần còn bận bịu đi bán cơm phở như thế?
Tôi có là que diêm bùng cháy le loi?
Thư từ, bài vở tham gia diễn đàn gửi về: Diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta” - Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Email: tuoi20@tuoitre.com.vn |
Thú thật là tôi đã nhiều lần lo lắng về những bước phát triển riêng của cá nhân, nhưng đối với những vấn đề như tỉ lệ nhiễm HIV, ma túy cao, tỉ lệ tham nhũng nhất nhì Đông Á như TS Vũ Minh Khương đã nói, thì cùng lắm chỉ là một cái chặc lưỡi.
Người trẻ Việt trong tôi chưa từng trăn trở vì những điều đó. Tôi cảm thấy mình chỉ biết nói tiếng Việt chứ chưa hẳn đã có dòng máu Việt -Thánh Gióng cuộn chảy trong người. Nhưng tôi tin trong lòng mình vẫn còn đó một ngọn lửa âm ỉ chờ bùng phát.
24 giờ của tuổi 20 hôm nay…
Nhiều bạn của tôi kêu ca một ngày 24 giờ không đủ để xoay xở hết công việc: học chính, học thêm, làm thêm... Thế nhưng không hẳn tất cả đều bận rộn tích cực như vậy. Nhiều bạn trẻ, đa số lại là SV mới thật đáng buồn, hằng ngày vẫn vùi đầu vào chat, game và ngủ. Sau giờ học, thư viện vắng hoe. Lúc ấy trong ký túc xá la liệt những “thần ngủ”. Đến cuối kỳ học, họ kêu ca kết quả thi cử kém cỏi... Thế là “bi kịch ký” bắt đầu: chán chường hoặc vùi đầu vào chơi...
Đời sau cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, tuổi 20 thường là thời kỳ bước ngoặt: học thì phải học thế nào để không thất thời, làm thì phải làm gì để không lỡ vận... Thời buổi hôm nay tôi thấy quá nhiều việc cần làm, nhiều cơ hội mở toang vậy mà rất nhiều SV - thành phần “Tổ quốc mong cho mai sau” - lại chỉ biết kêu “chẳng biết làm gì sau giờ học”; rồi khi ra trường lại bị chê là “không có va chạm thực tế...”. Kết quả: mất bao nhiêu thời gian phải đào tạo lại.
Tôi cũng chỉ là một SV tuổi 20, không thật sự nổi trội và chưa làm được gì nhiều. Nhưng tôi cũng sốt ruột lắm rồi...
Nỗi nhục của sành điệu ảo
Tôi đọc đi đọc lại những dòng nhật ký của anh Thạc, chị Trâm không chỉ để lòng mình tuôn trào cảm kích trước từng dòng chữ dường như đều ứa máu nhưng vẫn cứ ngập tràn khát vọng vượt lên.
Thế hệ tuổi 20 VN những năm tháng hào hùng ấy đã trở thành anh hùng từ những điều đó: đã biết và chấp nhận hi sinh tất cả, chịu đựng tất cả vì với các anh các chị, có một thứ không thể chịu đựng nổi: nỗi nhục mất nước. Nỗi nhục đó là thách thức của thời đại với đất nước, dân tộc mình. Khi một thế hệ trẻ hiểu rõ mình phải đồng hành quyết liệt với mục tiêu thời đại thôi thúc, thách thức thế hệ mình, tôi nghĩ đó là một thế hệ sành điệu.
Thách thức của thời đại hôm nay với dân tộc, đất nước ta ai cũng rõ là nỗi nhục tụt hậu. Thế hệ trẻ chúng ta như TS Khương trong suy nghĩ của tôi đó là những người trẻ sành điệu thật sự khi biết rõ thời đại hôm nay yêu cầu, đòi hỏi gì ở tuổi trẻ mình.
Trong khi đó, điều đáng sợ nhất là hiện nay những giá trị của một thứ sành điệu ảo đang rất phổ biến trong nhiều bạn trẻ tuổi đôi mươi hôm nay. Tiêu chí “trẻ” đang được không ít người trẻ và cả dư luận chung gán cho là phải dùng điện thoại di động cao cấp nhất; phải biết ăn chơi tưng bừng, dữ dội nhất; áo quần hàng hiệu nhất…
Một lần, vô tình thấy một bạn SV khoe “ông bà bô vừa cho tiền mua chiếc áo hàng hiệu giá mấy trăm USD”, một người bạn SV người Đức của tôi ngạc nhiên: “Nước tao chắc chắn không nghèo nhưng SV chúng tao đứa nào còn nhận tiền của bố mẹ là nhục với bạn bè lắm; đứa nào chưa làm ra tiền mà bỏ mấy trăm USD mua quần áo là bị bạn bè chửi là ngu ngay. Chỉ đứa nào học giỏi, làm thêm nhiều mới được nể!”. Và người bạn này nói một câu đến nay tôi vẫn còn nhớ và xem đó là nỗi nhục: “Nước mày còn nghèo mà tao thấy bọn trẻ chúng mày lạ thật!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận