![]() |
Đôi vợ chồng Rosemary và Nguyễn Ngọc Hiếu |
Cô cũng là một trong những người được tòa án các bang ở Mỹ thuê dịch đuổi cho những phiên tòa mà bị cáo là người VN.
Mới đây, Curbtone Press vừa ký hợp đồng để Rosemary dịch Gia đình bé mọn của Dạ Ngân sang tiếng Anh.Rosemary và chồng dự định sống hai năm ở VN, cô sẽ vừa dịch Gia đình bé mọn vừa tự tìm hiểu văn học VN để đề xuất với các NXB quen biết bên đó.
Chồng cô, kỹ sư Nguyễn Ngọc Hiếu, sẽ học cao học quản trị kinh doanh (MBA) của Trường đại học Hawaii phân hiệu hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội và cô con gái Ly Ly sẽ học tiếng Việt ở đây.
Rosemary sẽ có cái tết VN đầu tiên và chồng cô sẽ được sống lại không khí quê nhà sau 26 năm xa cách. Trong thời gian dịch giả làm việc với tác giả, tôi đã có cuộc trò chuyện với Rosemary Nguyễn về những vấn đề liên quan đến công việc dịch thuật và văn học nói chung.
Tốt nghiệp cử nhân hội họa năm 1987, Rosemary Nguyễn đến Hà Nội năm 1990 để học hai năm tiếng Việt. Tiếp xúc với văn học VN qua báo Văn Nghệ, thỉnh thoảng cô còn được họa sĩ Thành Chương đặt vẽ minh họa truyện ngắn. Về lại Mỹ, số phận cho cô gặp chàng kỹ sư tin học người Nam bộ. Tình yêu VN và tư chất nghệ sĩ đã đưa cô đến với con đường dịch thuật. Năm 1994, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Yale cử cô sang lại VN một tháng để tìm dịch một số truyện ngắn có tiếng lúc đó phục vụ tủ sách nghiên cứu và giảng dạy của trường. Tự mình đến thư viện báo Văn Nghệ đọc và chọn, năm 1997 tập truyện Chín truyện ngắn chọn từ báo Văn Nghệ Hội Nhà văn VN do Rosemary dịch ra đời, in song ngữ (gồm Nguyễn Quang Thân với Vũ điệu của cái bô và Thanh Minh, Trần Trung Chính với Cư trú, Ngô Ngọc Bội với Những mảnh vụn, Lê Văn Thảo với Làng lở, Phạm Hoa với Đùa của tạo hóa, Kim Sa Trung với Thiên lang ấn, Nguyễn Quang Lập với Vĩnh biệt 19 con gà trống, Dạ Ngân với Nhà không có đàn ông). Tập truyện qua bản dịch của Rosemary thật sự là một quyển sách có ích cho các thầy cô giáo và sinh viên trong nhiều trường đại học Mỹ. Chính dịch giả vẽ bìa và minh họa cho từng truyện ngắn với sự am hiểu sâu sắc văn hóa và xã hội VN. Đầu năm 2000, NXB Curbtone Press, nơi đã in Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và một số tập truyện, tập thơ nhiều tác giả, đã đề nghị Rosemary dịch một tập truyện của Đoàn Lê. |
- Các thầy trong trung tâm của Đại học Yale rất khen. Sách được dùng cho nghiên cứu và giảng dạy nên tôi nhận được khá nhiều email của sinh viên và thầy cô giáo. Người bảo thích truyện này, người bảo thích truyện kia. Những độc giả nữ có tuổi thì thích Nhà không có đàn ông, nhiều người bảo cứ bật cười khi đọc Vũ điệu của cái bô. Họ cười được cũng có nghĩa là tôi đã dịch thành công những truyện khó dịch như truyện ngắn đó.
* Khoảng giữa đầu sách đó và tập truyện của nhà văn Đoàn Lê mới đây, Rosemary không dịch gì từ văn học VN?
- Tôi có tham gia dịch hai truyện của chị Đoàn Lê để in trong tập Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) gồm 50 truyện của các tác giả VN. Chính vì được hợp tác dịch hai truyện cho tập sách mà tôi thích truyện chị Đoàn Lê từ đó. Trong tập sách chung này, những người làm sách cũng dùng lại của tôi năm truyện của năm tác giả đã in trong tập Chín truyện ngắn... Wayne Karlin cũng đưa tôi dịch Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi rất thích tác giả này dù hơi khó dịch, truyện của anh ấy nhiều ẩn ý thâm và sâu. Tôi cũng thích Phan Thị Vàng Anh, tôi đọc một mạch cả tập truyện của Vàng Anh và dịch cho Wayne Karlin hai truyện, không biết có dùng không. Tôi dịch do cảm hứng, còn truyện có được dùng hay không thật sự tôi không quan tâm nữa. Nó giống như người sáng tác lúc ngồi trước trang giấy, đúng không? Truyện của Phan Thị Vàng Anh viết hiện đại, chi tiết nhẹ nhưng rất gợi, không gian dành cho người đọc suy ngẫm rộng, thích lắm. Tiếc là sau này chị ấy viết hơi ít, đúng không?
* Ai cũng phải dừng để lấy hơi đi tiếp. Vàng Anh vừa có tập tản văn đọc phải nể, hôm nào sẽ đưa Rosemary đọc. Nên đọc những tiểu thuyết của Thuận, đọc cả Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư nữa. Nghe nói Rosemary dịch tập truyện của chị Đoàn Lê mất một năm trời, sao lâu vậy?
- Lúc Wayne Karlin gửi cho tôi bảy truyện ngắn của chị Đoàn Lê, tôi đang nuôi con nhỏ. Tôi làm việc ở nhà nhiều, khi con nhỏ tôi phải tự chăm sóc. Lúc đó tôi chỉ có thể dịch ban đêm, loay hoay mất cả năm trời. Khi Wayne gửi thêm ba truyện nữa, tôi đành khước từ, chuyện nuôi con làm tôi kiệt sức. Wayne đã nhờ anh Dương Tường và Wayne phải hiệu đính. Sách lâu được in là vì vậy.
* Công việc dịch văn học ở Mỹ có sống được không?
- Tôi sống bằng dịch thương mại, những tài liệu, những công trình nghiên cứu liên quan đến luật pháp, bảo hiểm, y tế. Và dịch cho các phiên tòa. Bên ấy chắc cũng như bên này, dịch văn học là say mê, là sự nghiệp, còn tiền thì phải kiếm bằng cách khác. Trước khi học hội họa tôi học làm diễn viên, học viết văn nhưng cuối cùng lại chọn hội họa. Tôi viết văn một cách khổ nhọc lắm. Khi dịch, tôi như được sống trong cảm hứng sáng tạo của người viết. Tôi hào hứng với công việc này.
* Theo Rosemary, văn học VN vào Mỹ chậm và ít là do đâu? Do bản thân nền văn học này hay do khâu tổ chức đưa vào và công việc quảng bá bên đó?
- Độc giả Mỹ kén sách, bởi vì họ có nhiều thứ để chọn. Vả lại, cũng phải nói thẳng rằng văn học VN chưa hay, chắc do nhiều yếu tố của lịch sử. Như trong truyện ngắn, còn hay kể lể hoặc giải thích cặn kẽ như sợ người đọc không hiểu hết ý mình. Chính vì vậy mà tôi thích Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Phan Thị Vàng Anh. Hồi tôi học viết văn, người ta dạy phải tả, phải dựng lên chi tiết, tôi có đọc ở đâu đó câu nói rằng “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, tôi thấy chí lý lắm. Tôi nghĩ nhà văn VN đang tự đứng dậy, tự thay đổi.
* Từ những tín hiệu gì mà Rosemary tin như vậy?
- Tôi căn cứ vào hội họa. Họa sĩ VN đương đại được thế giới biết đến nhiều, và nhiều người đổ vào VN mua tranh. Hội họa đã tiên phong, tôi nghĩ văn học rồi cũng sẽ có một làn sóng mới.
* Một câu hỏi thẳng thắn: Rosemary có thấy thú vị khi đọc Gia đình bé mọn, và nếu có thì thú vị điều gì nhất?
- Có thích thì tôi mới nhận dịch chứ. Tôi thích những chi tiết về Hà Nội cũ, thích những cảnh mà gia tộc làm khổ con người ta. Tôi là con dâu VN, tôi biết áp lực gia tộc với mọi thành viên của mình. Người đọc Mỹ sẽ không hiểu tại sao không thể chung sống nữa, khi người ta muốn ly dị mà lại nhiều thương tích như vậy. Văn học của một nước cho thấy nhiều vấn đề của xã hội và văn hóa của nước đó hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
* Những tác giả Mỹ mà Rosemary yêu thích?
- Tôi yêu John Steinbeck, Mark Twain, O’Henry. Nhà tôi còn giữ được trọn bộ mấy chục quyển của Mark Twain bọc da mà tôi được sở hữu từ bà tôi.
* Tại sao sau những tác giả lỗi lạc đó, văn học Mỹ hiện nay không có nhiều tác phẩm lớn để đọc? Rosemary giải thích sao hiện tượng này?
- Mấy thập kỷ qua quả là ở Mỹ không xuất hiện những nhà văn lẫy lừng nữa. Người ta thích Harry Potter, Mật mã Da Vinci của Dan Brown thành best-seller, đó là những hiện tượng của thương mại chứ không phải hiện tượng của văn chương. Sự khủng hoảng triết học toàn cầu chứ không riêng gì Mỹ.
* Chúc Rosemary và gia đình có một cái tết đầm ấm và những năm tháng dễ chịu ở VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận