30/12/2015 13:19 GMT+7

​Rộng cửa ra biển cùng nhiều nỗi lo

TTO - Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (tỉnh Trà Vinh) đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ thông luồng trong quý 1-2016.

Công nhân làm mái kè chống sạt lở trên luồn vào sông Hậu, đoạn qua tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Mậu Trường
Công nhân làm mái kè chống sạt lở trên luồn vào sông Hậu, đoạn qua tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Mậu Trường

Với dự án trên, cánh cửa vào miền Tây sông nước đã mở cho tàu 10.000 - 20.000 tấn vào sâu trong đất liền để lấy hàng. Tuy nhiên, trong buổi làm việc của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án với lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và lãnh đạo Bộ GTVT ngày 28-12, các chuyên gia cũng đã đặt ra không ít nỗi lo xung quanh con kênh đào có vốn đầu tư hàng tỉ đồng như: kinh phí duy tu lớn, sạt lở luồng, việc chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án...

Theo ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ GTVT, đến nay dự án nói trên đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ chờ cắt quốc lộ 53 và đê biển Hải Thạnh Hòa nữa là thông luồng. Trong giai đoạn thông luồng kỹ thuật sẽ đảm bảo cho các tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải vào các cảng trên sông Hậu.

“Với năng lực thông qua luồng tàu 22 triệu tấn/năm, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ đóng vai trò là lối ra huyết mạch, ổn định cho việc vận chuyển hàng hóa” - ông Nhật nói.

Lý giải vì sao không nạo vét luồng tự nhiên tại cửa sông Định An (Trà Vinh) mà phải đào luồng mới, cũng như việc cắt quốc lộ 53, ông Trần Anh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải, đơn vị quản lý dự án - cho biết trước khi triển khai dự án, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tuyến luồng Định An.

Kết quả nghiên cứu đều khẳng định việc nạo vét, cải tạo luồng Định An cho tàu biển có trọng tải lớn trên 10.000 tấn vào luồng sông Hậu là không khả thi vì luồng này bị bồi liên tục. Theo ông Anh, nguyên nhân khiến luồng qua cửa Định An thường xuyên bồi lắng là do chịu tác động của các yếu tố như dòng chảy, bùn cát, mưa lũ từ phía sông và gió mùa, sóng, thủy triều từ biển lên nên luồng tàu không ổn định.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật cho rằng dự án đạt được tiến độ theo yêu cầu như hiện nay một phần là nhờ sự hi sinh của hàng ngàn người dân tỉnh Trà Vinh. Sau khi cắt quốc lộ 53 và đê Hải Thạnh Hòa, khoảng 8.000 hộ dân ở các xã của huyện Duyên Hải (Trà vinh) sẽ trở thành những cư dân sống trên ốc đảo. Do đó cần có sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng để ổn định đời sống cho bà con.

Ông Đồng Văn Lâm, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đề nghị trước khi cắt đê, quốc lộ để thông luồng, cần đảm bảo việc đi lại của người dân không bị ảnh hưởng, các bến phà phải sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Anh cho biết trong năm 2016, năm đầu tiên thông luồng, Bộ GTVT đã có quyết định miễn phí qua phà cho người dân bị chia cắt bởi dự án. Sau đó, bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tiếp tục tìm hướng hỗ trợ cho người dân đi lại.

Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết trước chuyến đi khảo sát thực tế dự án này, ông đã nhận được một số ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia lo ngại rằng khi thông luồng tàu lớn lưu thông tạo thành sóng lớn đánh vào hai bên luồng sẽ gây sạt lở luồng. Do đó cần đưa ra giải pháp trước để hạn chế tối đa tình trạng này.

Ông Giàu cũng cho biết sau buổi giám sát, Ủy ban Kinh tế  của Quốc hội sẽ hoàn chỉnh báo cáo, tập hợp đầy đủ ý kiến của các bên để trình Chủ tịch Quốc hội và đưa ra hướng giải quyết hợp lý cho mọi vấn đề đặt ra của dự án trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên