Để đảm bảo được khả năng này, tim có 2 loại tế bào căn bản: chiếm đa số là các tế bào có khả năng co bóp khi có kích thích của xung điện (cơ vân) và ít hơn là các tế bào có khả năng tự phát ra xung điện, dẫn truyền xung điện. Các tế bào này có nhiệm vụ điều khiển hoạt động của cơ vân.
Ở người bình thường, xung điện được phát ra từ nút xoang và di chuyển theo hệ thống dẫn truyền đi đến toàn bộ tế bào cơ vân của tim.
Phóng to |
Nếu chúng ta ví mỗi tế bào cơ vân như mỗi căn nhà, thì hệ thống dẫn truyền như hệ thống đường giao thông. Hoạt động đều đặn và nhịp nhàng của hệ thống này tạo ra nhịp tim đều khoảng 60-100l/p.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim?
Như chúng ta biết, trên một người bình thường hoạt động tạo ra xung điện phát xuất từ nút xoang (nằm ở nhĩ phải), sau đó xung điện di chuyển qua hệ thống dẫn truyền đến các tế bào cơ vân của tim, kích thích các tế bào này co bóp. Như vậy chúng ta sẽ hỏi: có phải nhịp tim hoàn toàn do tim tự điều khiển?
Điều này cũng đúng nhưng chỉ đúng một nửa. Nhịp tim còn chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố bên ngoài tim. Các yếu tố bên ngoài tim điều hòa nhịp tim giúp tim hoạt động phù hợp với hoạt động của cơ thể. Khi tế bào cần nhiều máu hơn (tập thể thao, sốt, căng thẳng...) nhịp tim nhanh hơn. Khi cơ thể nghỉ ngơi (ngủ) nhịp tim sẽ chậm lại.
Thế nào là loạn nhịp tim?
Những xung động điện này khi được ghi lại bằng máy điện tim sẽ biểu hiện dưới dạng sóng. Bác sĩ sẽ phân tích các sóng và kết luận về tình trạng nhịp tim. Trên điện tâm đồ ở người lớn, nhịp tim bình thường là ‟nhịp xoang đều” và tần số từ 60-100 lần/ phút khi nghỉ ngơi.
Tất nhiên, khi ta chơi thể thao nhịp tim có thể 100 l/p và khi ngủ nhịp tim 50 l/p, nhưng vẫn chưa phải là rối loạn nhịp tim. Đồng thời tần số nhịp tim có sự thay đổi theo tuổi (em bé nhịp nhanh hơn người lớn) và giới tính (nhịp tim của nữ thường cao hơn nam giới khoảng 5 nhịp).
Khi có bất kỳ thay đổi nào làm cho nhịp tim của bệnh nhân không thỏa mãn đầy đủ các yếu tố trên thì được gọi là loạn nhịp tim. Vì vậy, rối loạn nhịp tim là một tên gọi chung bao gồm những rối loạn nhịp tim lành tính nhất đến những loại nhịp tim nguy hiểm nhất.
Vậy với kết quả điện tâm đồ “nhịp xoang đều tần số 70 l/p” là không có rối loạn nhịp tim? Đúng vậy, tuy nhiên chúng ta chỉ khẳng định không có loạn nhịp tim trong thời gian đo điện tâm đồ. Vì có rất nhiều loại rối loạn nhịp chỉ xuất hiện theo cơn, có thể vài giờ hay vài tháng mới có loạn nhịp.
Triệu chứng của loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim có thể không gây ra triệu chứng hay dấu hiệu gì với bệnh nhân, tuy nhiên có thể gây ra triệu chứng rất nặng như ngất, đột tử.
Các triệu chứng thường gặp là:
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Choáng váng, chóng mặt
- Cảm giác hụt nhịp (tim đang đập đột ngột ngưng nhịp)
- Đau ngực, nặng ngực
- Khó thở, ngộp thở
- Ngất, xỉu...
Nguyên nhân của rối loạn nhịp tim
Loạn nhịp tim có thể xảy ra do tổn thương tại tim hay các bệnh ngoài tim, trong đó chiếm phần lớn là do các tổn thương tại tim. Tuy nhiên, vẫn có một số loạn nhịp chưa rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân tại tim:
- Tăng huyết áp
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh hở, hẹp van tim.
- Bệnh cơ tim giãn
- Bệnh tim bẩm sinh
- Rối loạn nhịp do di truyền…
Nguyên nhân ngoài tim:
- Bệnh tuyến giáp
- Rối loạn điện giải.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Căng thẳng về tâm lýí.
- Do nhiễm trùng, sốt.
- Do thuốc và các hóa chất kể cả thuốc được chiết xuất từ dược thảo…
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm?
Loạn nhịp tim là tên gọi chung cho tất cả bất thường về nhịp tim (không phải là nhịp xoang đều với tần số 60-100l/p). Vì vậy bao gồm cả những loạn nhịp hiền lành nhất, có thể không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào trong suốt cuộc đời. Cũng có thể là những loạn nhịp rất nặng, gây ra tử vong ngay lập tức khi loạn nhịp xảy ra nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi được bác sĩ kết luận có rối loạn nhịp cần phải hỏi rõ ràng hơn về loại loạn nhịp của mình và những nguy hiểm có thể xảy ra với loại loạn nhịp đó.
Chẩn đoán loạn nhịp tim:
Chẩn đoán loạn nhịp tim không đơn thuần chỉ dựa vào điện tâm đồ. Để chẩn đoán loạn nhịp tim, ngoài điện tâm đồ quy ước, tùy theo loại loạn nhịp mà bác sĩ tim mạch sẽ cần thêm các thông số như:
- Khám bệnh và hỏi các triệu chứng.
- Đo điện tâm đồ liên tục 24 giờ (Holter ECG 24 giờ)
- Điện tâm đồ gắng sức.
- Điện sinh lý buồng tim.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân: siêu âm tim, X-quang phổi, nồng độ kali máu, chức năng tuyến giáp...
Điều trị loạn nhịp tim:
Vì rối loạn nhịp là tên gọi chung, bao gồm rất nhiều loại loạn nhịp, nên khi có loạn nhịp cần khám bệnh chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định những vấn đề sau:
1. Rối loạn nhịp cụ thể là gì?
2. Những biến chứng nguy hiểm do loạn nhịp tim này gây ra
3. Nguyên nhân gây ra loạn nhịp (nếu có) và phương pháp điều trị nguyên nhân
4. Có cần điều trị hay không và điều trị bằng phương pháp nào: thuốc, cấy máy tạo nhịp, cấy máy phá rung, cắt đốt bằng sóng cao tầng...
5. Theo dõi điều trị về lâu dài như thế nào?
Mỗi loại nhịp tim có phương pháp xử trí và tiên lượng khác nhau, vì vậy tùy theo loại loạn nhịp bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp sinh hoạt riêng. Cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và khám bệnh định kỳ theo hẹn.
Phòng ngừa rối loạn nhịp tim:
Nguyên nhân chiếm đa số của loạn nhịp tim là bệnh tim mạch, nên các phương pháp phòng ngừa bệnh tim mạch được áp dụng để phòng ngừa loạn nhịp tim như:
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu béo phì
- Vận động thể lực đều đặn.
- Tránh căng thẳng về tâm lý
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu...
- Không hút thuốc lá.
Phòng ngừa bệnh tim mạch giúp chúng ta có một trái tim khỏe mạnh hơn và đương nhiên sẽ ít rối loạn nhịp tim hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận