30/05/2017 16:45 GMT+7

​Rối loạn lưỡng cực - những sắc thái cảm xúc trái ngược

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Cảm xúc của con người luôn luôn là điều phức tạp, nhiều khi mang tính bí ẩn. Yêu hay ghét, buồn hay vui, thích hay không, xúc động hoặc dửng dưng, lo sợ hoặc bình thản... là những trạng thái khác nhau của cảm xúc con người dành cho cùng một sự vật hoặc một hiện tượng nào đó.

Nhiều trường hợp bệnh lý xuất hiện do sự buồn vui quá mức đã đẩy các chủ thể đi về hai thái cực khác nhau của cảm xúc đó, là trầm cảm và hưng cảm, khoa học gọi là sự rối loạn lưỡng cực hoặc hưng trầm cảm.

Trầm cảm - sự chạm đáy nỗi buồn

Trầm cảm có thể được ví như là trạng thái chạm đáy của nỗi buồn. Sự chạm đáy này đã đưa con người vào một thế giới khác lạ của cảm xúc, mang sắc màu ảm đạm, thiếu sinh khí và ngưng trệ từ tư duy đến hành động.

Tại nhiều quốc gia, người mắc bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng, theo đánh giá chung của Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu tỉ lệ người mắc bệnh tại một thời điểm khoảng 2 - 5% dân số. Đây quả là một con số không hề nhỏ.

Trầm cảm được xem như là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Những tác động về mặt tâm lý, xã hội được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn trầm cảm.

Đó là những sang chấn về mặt tâm lý (stress) hoặc sự căng thẳng trong công việc và đời sống, sống một mình, ít có sự giao tiếp với người khác, sống xa người thân.

Một số bệnh lý là nguyên nhân gây ra trầm cảm như chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não, viêm não màng não... hoặc bất kỳ một bệnh nào đó có khả năng làm thay đổi các yếu tố sinh lý hoặc làm cho cơ thể bị suy nhược nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân mang tính di truyền hoặc các yếu tố mang tính cá nhân như thể trạng, nội sinh và loại hình sinh học...

Trầm cảm được mô tả là “trạng thái giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm hoạt động”. Người bệnh thường có biểu hiện ủ rũ, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, tư duy chậm chạp.

Họ tự đánh giá bản thân là hèn kém, mất tự tin, từ đó giảm mọi hoạt động và ít nói, xuất hiện những cơn hoang tưởng và sự ám ảnh bất lợi cho bản thân và những người xung quanh như tự sát hoặc giết người.

Các trường hợp bệnh điển hình có biểu hiện ức chế toàn bộ tâm thần. Do đó, người thân và những người xung quanh luôn phải chú ý đề phòng để kịp thời ngăn chặn hành động tự sát của bệnh nhân hoặc tự bảo vệ mình do những “cơn tâm thần” xảy ra ở bệnh nhân ngoài sự kiểm soát và mong muốn của mọi người, cũng như chính bản thân của người bệnh.

Hưng cảm - sự chạm trần niềm vui

Nếu như trầm cảm được ví là sự chạm đáy nỗi buổn, thì hưng cảm cũng có thể được xem như là sự chạm trần... niềm vui.

Trái ngược với trạng thái người bị trầm cảm, người hưng cảm trông có vẻ năng động, yêu đời và yêu người hơn. Hưng cảm được mô tả là “trạng thái hưng phấn tâm lý vận động quá mức”.

Chính vì điều này mà người bệnh có những biểu hiện bất bình thường như thức dậy rất sớm, quét dọn, giặt giũ, lau chùi, nói to, hát hò, đọc thơ; thậm chí là thúc giục mọi người dậy sớm để đi học, đi làm...

Khi người bệnh nói, hát hoặc kể chuyện thì thường “giành” hết phần của người khác. Nhiều trường hợp lao vào công việc không biết mệt mỏi và chia sẻ với mọi người những điều mà không cần biết người ta có thích sự chia sẻ đó hay không...

Người bị hưng cảm thường ngộ nhận về khả năng và tài năng của chính bản thân mình nên thường bốc đồng, tự cho mình hơn đời, hơn người, thiếu thực tế và lập ra những kế hoạch mang tính hoang tưởng.

Họ hoạt động liên tục, thậm chí bất chấp cả hiểm nguy, tự cho mình sức khỏe vô địch nên người bị hưng cảm cũng thường phủ nhận những bệnh tật khác của cơ thể và thường không chịu đi khám bệnh, làm các xét nghiệm hoặc uống thuốc.

Nguyên nhân gây ra rối loạn hưng cảm mang tính nội sinh ở một người bệnh có “nền” bệnh tâm thần kinh dưới dạng loạn thần chu kỳ hưng trầm cảm; người nghiện ma túy, nhất là ma túy đá cũng thường xuất hiện những cơn loạn thần dạng hưng cảm.

Chạm trần xen… chạm đáy

Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là rối loạn hưng trầm cảm. Có thể ví sự rối loạn lưỡng cực là tình trạng chạm trần xen chạm đáy (tức là một người bệnh mắc bệnh tâm thần ở dạng vừa bị hưng cảm vừa bị trầm cảm).

Các giai đoạn hưng cảm có thể nhẹ hơn xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm nặng. Do đó, việc phát hiện sớm các biểu hiện hưng cảm cho dù được cho là nhẹ cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán xác định và điều trị cho bệnh nhân bị chứng tâm thần dạng rối loạn lưỡng cực.

Rối loạn lưỡng cực được định nghĩa là rối loạn cảm xúc mạn tính được đặc trưng bởi sự tái diễn xen kẽ hoặc kết hợp giũa các giai đoạn rối loạn khí sắc nặng ở hai cực hoàn toàn trái ngược: hưng cảm và trầm cảm.

Có 3 nhóm nguyên nhân góp phần tạo ra trạng thái rối loạn lưỡng cực gồm: yếu tố di truyền, các bất thường về mặt sinh học tại não bộ và các yếu tố mang tính tâm lý - xã hội.

Một điều cần lưu ý là trong khi đang dùng thuốc điều trị chứng trầm cảm ở người bị rối loạn lưỡng cực, có thể xuất hiện ở họ những biểu hiện của sự rối loạn hưng cảm, nguyên nhân vì sao cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ rệt.

Các nghiên cứu cho thấy, những trường hợp xảy ra rối loạn chu kỳ nhanh hoặc giai đoạn hỗn hợp sẽ dễ chuyển đổi trạng thái cảm xúc khi đang sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Các nhà chuyên môn khuyên rằng: nên thăm khám cẩn thận những triệu chứng hưng cảm trước khi điều trị trầm cảm trên bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn trầm cảm.

Vì rối loạn lưỡng cực là một bệnh mạn tính nên cần phải có một kế hoạch điều trị toàn diện và lâu dài nhằm ngăn ngừa sự tái phát để bệnh nhân, nhất là những người trẻ tuổi được sống hòa nhập với cộng đồng. Đó cũng chính là cách góp phần ngăn chặn sự tái phát.

Việc điều trị bằng thuốc men cần được kết hợp với các biện pháp tâm lý xã hội để đem lại cho bệnh nhân một kết quả tốt nhất.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên