Tuy nhiên để chuẩn bị tốt nhất cho con thì điều quan trọng hơn hết các bậc phụ huynh cần phải biết rõ một số đặc điểm tâm lý chi phối hoạt động học tập của trẻ chẳng hạn như: về ngôn ngữ, về tri giác, về trí tưởng tượng, về sự chú ý, tập trung. Một trong những trở ngại có thể gặp ở trẻ là tâm lý lo sợ khi cha mẹ không ở bên. Nếu sự sợ hãi này trở nên trầm trọng, trẻ dễ bị mắc chứng rối loạn lo âu. Đi kèm rối loạn lo âu là trầm cảm, rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD), rối loạn học tập.
Vì sao trẻ có những rối loạn lo âu?
Trẻ nhỏ chưa trưởng thành và còn lệ thuộc vào mẹ nên trẻ có thể có nhiều lo sợ xảy ra trong giai đoạn phát triển như: sợ mất mẹ, sợ mất tình yêu của mẹ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt, sợ phải xa cách mẹ.
Thường đứa trẻ không chấp nhận xa cha mẹ để đi sang bối cảnh môi trường mới, nhất là khi trẻ đã được nhận tình thương, giáo dục khi còn ở nhà cũng như khi ở trong môi trường mầm non. Nếu môi trường trở thành mối đe dọa, trẻ sẽ truyền cảm xúc giận dữ về phía cha mẹ. Khi đó cha mẹ nghĩ rằng trẻ không ngoan, không nghe lời như trước từ đó gây ra sự rạn nứt về mối quan hệ cha mẹ - con cái. Có thể trẻ có biểu hiện giận dữ bằng những phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét, ăn vạ.
Về mặt tâm lý ở tuổi này thì những biểu hiện như trên là bình thường nhưng nếu liên tục trong thời gian dài thì đó có thể là nguy cơ của bệnh lo âu tuổi nhỏ hoặc đó chính là sự mong muốn thỏa mãn cái tôi, đòi hỏi cha mẹ chiều chuộng hoặc đáp ứng. Nếu không được thỏa mãn và đáp ứng đúng cách, có khả năng trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực gia tăng.
Ngoài ra, áp lực từ phía cha mẹ và gia đình cũng như xã hội như: muốn con học trước chương trình để con được chọn vào lớp và trường tốt; muốn con học chữ, học ngoại ngữ, học tính toán để giỏi hơn trẻ khác... Điều này khác biệt với đặc điểm tâm sinh lý ở trẻ khiến trẻ khó thích nghi hoặc trở nên lo sợ vì không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ.
Các lo sợ kể trên ở mức độ nhẹ thường rất hay gặp ở trẻ em. Ở mức độ này trẻ sẽ dần thích nghi. Nhưng nếu trẻ ở mức độ nặng, gây rối loạn sự thích ứng của trẻ với gia đình, bạn bè, trường học thì lúc này trẻ cần được cho đi khám và điều trị.
Khi có rối loạn lo âu, trẻ có biểu hiện ra sao?
Rối loạn lo âu là một nhóm triệu chứng liên quan đến nhiều trạng thái khác nhau, vì vậy biểu hiện lâm sàng có thể rất khác nhau. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp ở trẻ:
- Lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ hãi.
- Lo âu cao độ và kéo dài do xa cách cha mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc, sợ người thân đi không về.
- Lo sợ không có cơ sở thực tế và kéo dài là tai họa sẽ xảy ra làm trẻ phải chia ly với người thân (sợ bản thân hay cha mẹ bị tai nạn hay ốm đau, sợ bị lạc, bị bắt cóc và không bao giờ tìm lại được cha mẹ).
- Trẻ không chịu đi học kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám cha mẹ, khó hòa nhập môi trường mới.
- Rối loạn giấc ngủ: đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng... Trẻ có vẻ buồn, hay kêu khóc. Trẻ khóc, bám vào cha mẹ, nổi cơn giận dữ, có biểu hiện ức chế đến mực câm nín.
- Tránh né các tình huống xã hội, xuất hiện dưới dạng e thẹn quá mức. Trẻ có thể phản ứng bằng cách khó chịu khi có sự hiện diện của người lạ. Trẻ thường từ chối tham gia chơi nhóm, đứng bên ngoài hoạt động xã hội, ưa thích có sự đi kèm của người lớn vào trong nhóm bạn.
- Các hoạt động vui chơi đối với trẻ như: sinh nhật, giờ ra chơi, tiệc... là nguyên nhân gây khó chịu cho trẻ.
- Các triệu chứng cơ thể: run tay chân, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tăng nhịp tim, đỏ mặt, hoảng loạn, có lúc trẻ cảm thấy như bị ngất, mất khả năng kiểm soát ruột – dạ dày.
- Một số trẻ “sợ ma”, sợ ở nhà một mình, đi vệ sinh phải có cha mẹ dẫn đi.
Hậu quả là trẻ thiếu các kỹ năng thực hành xã hội, thiếu sự tự tin, nhút nhát, né tránh xã hội dẫn đến việc trẻ bị từ chối trong các mối quan hệ bạn bè.
Phụ huynh cần làm gì khi phát hiện con em mình có biểu hiện rối loạn lo âu?
Khi trẻ có những biểu hiện triệu chứng của lo âu, quan trọng là cha mẹ phải phát hiện sớm và coi đó là một rối loạn. Nhiều cha mẹ ít quan tâm và cứ nghĩ rằng đó chỉ là một dạng lo âu bình thường làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Việc điều trị cho trẻ bị rối loạn lo âu cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý. Việc điều trị bằng các liệu pháp tâm lý như: nhóm, gia đình, liệu pháp hành vi cho thấy có tác dụng rõ rệt. Thêm vào đó trẻ cũng cần được điều trị bằng thuốc khi có các triệu chứng hoảng sợ, ám ảnh và lo âu chia ly.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng tham gia trong quá trình điều trị cho trẻ. Tùy theo từng trường hợp trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, sợ hãi, phụ huynh có thể đưa ra tình huống và cùng với trẻ tháo gỡ khó khăn của tình huống. Chẳng hạn nếu trẻ sợ bóng tối, phụ huynh có thể để đèn ngủ trong phòng khi trẻ ngủ hoặc nhắc nhở trẻ mở đèn khi cần.
Phòng ngừa rối loạn lo âu ở trẻ bằng cách nào?
Chúng ta có thể phòng ngừa các rối loạn lo âu ở trẻ bằng các biện pháp sau:
- Phụ huynh nên xây dựng thói quen cho trẻ tự thực hiện một số công việc trong nhà phù hợp với trẻ và một số kỹ năng tự phục vụ.
- Phụ huynh cần tổ chức nhiều trò chơi rồi quan sát. Nếu thấy trẻ cáu gắt thì cần hướng dẫn trẻ cách xử lý từng trường hợp cụ thể, tập thay thế dần hành vi nhiều lần. Đây chính là áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức trong các phương pháp trị liệu cá nhân.
- Phụ huynh cần hiểu trẻ, khuyến khích động viên trẻ tham gia các hoạt động xã hội, gia tăng hành vi quyết đoán, khen ngợi những điểm tích cực ở trẻ.
- Phụ huynh nên bày tỏ sự tôn trọng, yêu thương trẻ ngay cả khi trẻ bị thất bại trong những tình huống xã hội. Tránh chỉ trích, so sánh, đe dọa, không khuyến khích trẻ, khiến trẻ rút lui trong những hoạt động xã hội hàng ngày.
Điều cần thiết là phụ huynh phải kiên trì, làm đi làm lại nhiều lần những việc trên thì mới có hiệu quả. Khi có biểu hiện rối loạn lo âu nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lí để được xử trí kịp thời và đưa ra những lời khuyên thích hợp.
Tóm lại, giai đoạn bắt đầu đi học tiểu học là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, đánh dấu sự hòa nhập của trẻ với xã hội, với các mối quan hệ mới. Trẻ có thể có nhiều lo lắng khi làm quen với môi trường mới. Do đó, phụ huynh cần quan tâm để hỗ trợ trẻ, giúp trẻ vượt qua những khó khăn ban đầu cũng như phát hiện sớm những rối loạn lo âu ở trẻ. Phát hiện sớm và xử trí kịp thời những rối loạn này sẽ giúp trẻ thích ứng tốt với hoàn cảnh xung quanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận