10/08/2009 16:58 GMT+7

Rock Khmer hồi sinh

Theo Nhân Hòa - Phụ nữ TPHCM 
Theo Nhân Hòa - Phụ nữ TPHCM 

Nhiều thập niên sau khi chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot bắt âm nhạc ở Campuchia phải im tiếng, thể loại rock Khmer đang thu hút những người hâm mộ mới.

v7PcPIAG.jpgPhóng to
Ca sĩ Chhom Nimol (phải) - Ảnh: LASPLASH

Rock Khmer là thể loại âm nhạc Đông - Tây gặp nhau, là sự pha trộn âm thanh giữa đàn guitar cùng các nhạc cụ truyền thống của Campuchia. Theo BBC, đã có một thời loại âm nhạc này chẳng hề được biết đến bên ngoài châu Á, nhưng nay ở phương Tây những người chơi dòng nhạc này đang tăng dần.

Âm thanh chưa từng nghe

Đóa hồng Khmer rock

Nhiều khán giả phương Tây thích thú khi được nghe những giai điệu của dòng nhạc Khmer rock: tiếng guitar điện mang âm hưởng rock thời kỳ đầu trộn lẫn với những nhạc cụ truyền thống của Campuchia.

Ban nhạc Dengue Fever được thành lập năm 2001, khi nghệ sĩ Ethan Holtzman du hành đến Campuchia. Anh đã phát hiện giọng ca mê đắm của Chhom Nimol tại một hộp đêm ở Little Phnom Penh. Sau đó, Nimol đã quyết định đến Mỹ khởi nghiệp ca hát cùng Dengue Fever và mau chóng được mệnh danh là "Đóa hồng của Khmer rock". Cô chia sẻ: "Đây là cơ hội tốt để tôi góp phần giới thiệu âm nhạc dân tộc Khmer ra thế giới, đồng thời kiếm được nhiều tiền để gửi về giúp gia đình tại Campuchia. Cảm giác thật khó tả khi bạn hát bằng tiếng Khmer, nhìn xuống dưới thấy rất nhiều khán giả phương Tây đang chăm chú lắng nghe, dù có thể họ không hiểu được phần lớn nội dung ca khúc".

Dengue Fever cũng đã thực hiện bộ phim tài liệu Sleepwalking through the Mekong, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Nimol tại quê hương. Niềm tự hào lớn nhất của Nimol là bố cô từng là nhạc công Khmer rock thuở ban đầu - thập niên 60.

Nhạc sĩ Nik Cohn là một người hâm mộ sau khi tình cờ được nghe những âm thanh ấy. Anh nói: “Một đêm nọ, tôi xem phim City of ghosts (Thành phố những hồn ma). Trong đó có cảnh diễn viên Matt Dillon nhảy lên môtô phóng khắp Phnom Penh và trong thời điểm đó tiếng nhạc lạ thường này vang lên. Đó là một loại âm thanh quá bất ngờ đối với tôi. Trước đây, tôi chưa từng được nghe loại âm nhạc nào hay như thế và rồi tôi bắt đầu suy nghĩ về nó”.

Ngày nay, những thanh âm của Phnom Penh thời xa vắng đang được hồi sinh ở phương Tây bởi ban nhạc Dengue Fever ở New York (Mỹ). Trong đó, giọng ca chủ lực của ban nhạc là ca sĩ Chhom Nimol người Campuchia. Cha mẹ cô đều là các nhạc công từng chơi nhạc rock Khmer.

Bên cạnh đó, tay guitar Zac Holtzman của ban nhạc còn rất mê những câu chuyện về tình hình âm nhạc ở Phnom Penh. Anh nhận xét: “Đây là một thành phố hiện đại với nhiều nhạc công. Ban ngày họ chơi loại nhạc truyền thống; còn ban đêm họ chơi rock. Nói chung, văn hóa Khmer vẫn được gìn giữ. Chúng tôi có thể tìm được niềm vui ở đây”.

Theo BBC, cựu Quốc vương Norodom Sihanouk có ảnh hưởng rất nhiều đến thể loại âm nhạc nói trên. Ông là một người nồng nhiệt và hào phóng đối với nghệ thuật. Ngoài ra, ông đã từng khuyến khích các nhạc sĩ chơi nhạc truyền thống thử nghiệm phong cách phương Tây. Đồng thời, âm nhạc ở Campuchia còn chịu ảnh hưởng từ âm nhạc Mỹ.

Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ bị giết

Các tay chơi nhạc rock Khmer không có các phòng thu âm công phu. Hầu hết các ca khúc đều được ghi âm “sống” tại chỗ, với bất cứ cây keyboard hoặc guitar nào cùng các nhạc cụ truyền thống. Và như thế, loại nhạc rock Khmer đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống về đêm ở thủ đô Phnom Penh suốt một thập niên.

Thế nhưng, dưới chế độ Khmer Đỏ những thanh âm ngân vang đó phải im tiếng. Trong vòng bốn năm Khmer Đỏ đã giết chết nhiều triệu người Campuchia, trong đó có nhiều nhạc công người Khmer. 90% các ca sĩ nổi tiếng đã bị giết chết. Jon Swain, phóng viên chiến trường của báo Sunday Times (Anh) ở VN và Campuchia vào thời điểm đó, khẳng định: “Những người có học, các nhạc công, những người đeo kính... bị đem ra các cánh đồng chết chóc. Vì thế rất nhiều ca sĩ đã không còn nữa”.

Trong số những người đã bị Khmer Đỏ giết chết và trở thành anh hùng, phải kể đến Sinn Sisamouth - vốn nổi tiếng là “vua nhạc Khmer”. Bên cạnh đó không ai biết chuyện gì đã xảy ra với Ros Sereysothea, nữ hoàng âm nhạc thời đó, nhưng người ta tin rằng chị cũng đã bị giết dưới thời Pol Pot. Chị từng được Norodom Sihanouk gọi là “Giọng ca vàng của thủ đô vương giả”. Ngoài ra, giọng hát của chị còn được đặt làm nhạc nền cho phim City of ghosts.

Vua nhạc Khmer

Sophy Him, nhạc sĩ và nhà soạn nhạc người Khmer, từng là một sinh viên âm nhạc trẻ ở Phnom Penh, nhớ “vua nhạc Khmer” rất rõ. Anh nói: “Sinn Sisamouth chơi nhạc hoàng cung, sau đó là nhạc rock, được cải tiến từ âm nhạc truyền thống và nhạc rock”. Ngoài ra, tay guitar Zac Holtzman nhận xét rằng Sinn Sisamouth là một nhạc sĩ sáng tác mà thoạt đầu anh đánh giá giống như Elvis của Campuchia; sau đó, anh cho rằng về ca từ, ông là Bob Dylan của Campuchia.

Theo Nhân Hòa - Phụ nữ TPHCM 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên