22/02/2010 20:47 GMT+7

"Rồ ga" sau tết

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM)
Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM)

TTO - K.Phúc - HS lớp 10 một trường chuyên - nổi tiếng học “pro” đã xơi ngay trứng ngỗng đầu năm học vì không thuộc bài và thêm ba teen hôm đó “được” thầy gọi lên bảng cũng “cùng chung số phận”.

Teen và những kiêng kỵ ba ngày tết

ZKGSfYBS.jpgPhóng to
Với nhiều bạn nhỏ việc học luôn quan trọng nhất - Ảnh minh họa: Nguyễn Thắm

Còn K. - HS lớp 11 Trường NTH - “thương đau” nhận một điểm trừ bự chảng khi cô giáo phát hiện tiếng tí tách lúc K. ngồi thanh lý mớ hạt dưa (tết còn vương lại) ngay trong giờ học. Bà con dân tình trong lớp phán một câu xanh rờn: “Mới vô học mà xơi trứng ngỗng là xui cả năm”!

Làm thế nào để có tinh thần học tập phơi phới sau tết là bài toán nan giải với không ít teen.

Muốn “rồ ga" phải chạy “rôđa”

Mặc dù tết đã hết “mùng" nhưng tuổi teen chúng ta vẫn thường hay lưu luyến những tháng ngày tươi đẹp ấy. Hạt dưa, hạt bí, hạt sen, sôcôla kẹo, mứt… là những thứ thường trực nằm sẵn trong cặp chờ dịp tạo nên những tiếp “chóp chép” râm ran mỗi lần thầy cô quay lên bảng.

Hơn thế nữa, cứ mỗi học kỳ sau tết, hầu hết teen đều uể oải khi phải ngồi lại vào bàn học, còn đầu óc thì hay tơ tưởng đến những ngày lướt web, luyện phim, tụm năm tụm bảy… đã qua. Các bác sĩ tâm lý gọi đó là hiện tượng quán tính tâm lý.

Theo các nhà tâm lý học, khi chúng ta thực hiện bất cứ hoạt động nào liên tiếp trong bảy ngày sẽ hình thành một thói quen. Giả sử nếu mỗi ngày bạn tập dậy sớm đúng 5g30 thì sau khoảng một tuần, bạn sẽ tự động bật dậy đúng giờ không cần báo thức. Do đó, khi teen chúng mình bắt đầu nghỉ tết, đầu óc sẽ chuyển từ trạng thái hoạt động tích cực sang trạng thái nghỉ ngơi.

Dĩ nhiên, sau gần hai tuần tung tăng ngày tết, trạng thái nghỉ ngơi đó đã trở thành thói quen và gây khó khăn cho các teen khi bắt đầu học lại. Teen cảm thấy mệt mỏi khi phải học bài, học khó nhớ hơn, vào lớp khó tập trung hơn và vẫn còn tâm thế hưởng thụ.

Muốn thiết lập lại trật tự hoàn toàn như cũ, teen phải mất 5-7 ngày. Điều đó gây nên những tình huống “đau đớn” khi đầu năm học phải vật vã với bài vở, xấu hổ với bạn bè khi phải “chết đứng” lúc thầy cô bất ngờ gọi lên bảng. Vậy phải làm sao để đầu óc có thể "rồ ga” sau những ngày nghỉ tết?

Đầu tiên, để không bị “dội” khi chuyển đột ngột từ hoạt động ăn chơi sang ăn học thì teen nên có những bước “làm nóng” động cơ. Theo đó, thay vì ngước mắt nhìn đống bài vở rồi thở dài ngán ngẩm vào buổi tối cuối cùng trước khi quay lại trường học, hãy bắt đầu từ ba ngày trước đó.

Ngày thứ nhất hãy dành chút thời gian để “nuốt” một bài dễ dễ, hôm sau dành nhiều thời gian hơn “nhai” vài bài trung trung, ngày cuối “xử” bài toàn tập để hôm sau hùng hổ khí thế bước vào trường. “Từng bước từng bước thầm” sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn là vừa nổ máy đã phải tăng tốc ngay!

Muốn chạy hăng phải có “xăng”

Không ít teen nhà ta sau khi kết thúc hành trình gom lì xì thì bắt đầu sự nghiệp “ăn chơi” trong những ngày tết theo guồng quay sáng “nướng” say sưa, trưa tới chiều đi chơi khắp lối, tối về luyện phim để rồi sau đó vào lớp mắt bắt đầu lim dim, và tất nhiên kết quả học tập theo sau cũng bắt đầu… chìm nghỉm!

Do đó, điều quan trọng mà các teen nhà mình phải hết sức lưu ý là hãy thiết lập lại trật tự sinh hoạt hằng ngày từ trước khi vào học sao cho điều độ, mỗi sáng thức dậy đều cảm thấy khỏe khoắn để đảm bảo phong độ thật tốt đầy sức bật cho một học kỳ mới với kết quả học hành tiến bộ nhé!

Và để không “chết máy giữa đường"

Khi đặt ra câu hỏi: “Bạn “phiêu-linh” (feeling) thế nào về việc học?” thì 70% teen trả lời: “Trời ơi khổ quá!”, 20% lạnh lùng: “Bình thường thôi” và vỏn vẹn 10% rạng rỡ: “Rất kích thích!” (*). Điều đó cho thấy teen chúng mình vẫn hay ngán ngẩm mỗi khi nhắc đến hoạt động thường kỳ này.

Như vậy, một câu hỏi lớn chưa lời đáp khiến teen chúng ta đến bây giờ “mặt vẫn chau” là “Làm thế nào để hứng thú trong việc học?” và làm sao khi không “lên ga” nổi dù đã thực hiện đầy đủ hai bước nêu trên? Đúc kết từ kinh nghiệm của những siêu sao học đường có kết quả học tập và thi cử cực “pro”, có hai chiêu sau đây cần nắm:

- Thứ nhất: ghi hoặc vẽ ra giấy mục tiêu muốn đạt và kế hoạch thực hiện cụ thể. Muốn đi đúng thì phải có đích đến, muốn đi nhanh phải biết đường đi. Bạn có thể tạo cho mình thói quen đặt mục tiêu và lập kế hoạch mỗi năm học, mỗi học kỳ, mỗi tuần và thậm chí mỗi ngày. Hình dung mình cần làm những gì và làm như thế nào là một cách cực kỳ hiệu quả để không cảm thấy lấp lửng hay chán nản.

- Thứ hai: hãy hình dung viễn cảnh rạng ngời khi bạn đạt được mục tiêu mình đặt ra. Chẳng hạn, trước khi ngồi vào bàn học ôn bài hãy hình dung cảnh mình sung sướng ra sao khi cô hỏi câu nào mình cũng “dứt điểm” câu đó và nhận ngay một con 10 đỏ chót trong ánh mắt thán phục của bạn bè. Ngay lúc đó, chính những hình ảnh tích cực sẽ kích thích trí não làm việc một cách hăng hái.

Như vậy, câu than vãn quen thuộc “ăn tết thì khoái, vô học thì oải” là hiện tượng tâm lý hầu như ai cũng có, nhưng không phải teen nào cũng biết cách tự tạo sự hăng hái cho mình.

Do đó, với học kỳ sau tết năm nay thay vì để xui xẻo đầu năm, bạn hãy tạo sự khác biệt bằng cách mở đầu thật hoành tráng: “bài tập nào cũng làm hết, câu hỏi nào cũng thuộc”, gây ấn tượng cho thầy cô bè bạn ngay buổi học đầu tiên để có bước bứt phá ngay từ đầu năm nhé!

------------------

(*) Trích từ kết quả khảo sát thuộc đề tài “Thái độ của học sinh THPT đối với hoạt động học tập” tiến hành trên 300 HS THPT tại TP.HCM năm 2008.

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên