Thế nhưng, con số ấy hiện nay đã lên đến 80.000. Bằng đó năm, TP.HCM - nơi người đàn ông ấy đã gắn bó suốt 18 năm qua - cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy vậy, dù là nhịp sống ung dung của Sài Gòn 18 năm trước hay Sài Gòn đầy hối hả hôm nay đều có một vẻ đẹp riêng đủ sức giữ chân vị doanh nhân đã từng đi qua hơn 50 quốc gia trên thế giới này.
Rick Yvanovich khẳng định chắc nịch: “Tôi không có lý do gì để rời xa Sài Gòn!”.
Sài Gòn hôm qua…
![]() |
Rick Yvanovich làm việc cùng các đồng nghiệp người Việt |
Ấn tượng đầu tiên của Rick Yvanovich khi đến Sài Gòn những năm đầu thập niên 1990 là những đường phố còn thưa người. Chính nhờ sự thông thoáng của đường phố lúc bấy giờ mà mỗi ngày, ông có thể ung dung di chuyển từ nhà ở khu An Phú đến nơi làm việc - MeLinh Tower (quận 1) - chỉ trong vòng 15 phút.
Ngày nay, việc đi lại không còn được nhanh chóng như trước nữa, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Bộ mặt Sài Gòn cũng đã thay đổi lớn. Những tòa nhà cao tầng như Diamond Plaza, Sunwah, Saigon Tower, Centec Tower, Royal Center… của thành phố hôm nay đã làm bộ mặt thành phố hiện đại hơn so với phong cách truyền thống của đôi, ba chục năm trước.
Rich Yvanovich cho rằng “sự thay đổi là tất yếu, vì thế giới không ngừng phát triển”. Tuy vậy, ông vẫn không giấu được một chút luyến tiếc Sài Gòn xưa: “Dạo tôi mới đến đây, chợ búa, hàng quán còn thưa lắm. Nhờ vậy mà mỗi khi đi mua sắm, tôi được dịp trò chuyện rất lâu với những người bán hàng và phần nào hiểu được họ. Nhưng giờ đây thì khác, việc buôn bán tấp nập khiến tôi không có thời gian để tán gẫu như trước nữa, có chăng cũng chỉ là những câu xã giao mà thôi”.
Mối quan tâm hôm nay
Đối với Rick Yvanovich, Việt Nam không chỉ là nơi ông đến để làm ăn mà đã thật sự trở thành quê hương. Ông quan tâm đến mọi vấn đề chung của đất nước này như một công dân Việt Nam thật sự. Có dịp đi du lịch nhiều nơi cả trong nước lẫn nước ngoài, ông mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình: “Du lịch sẽ trở thành một trong những ngành rất quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu người nước ngoài đến với các bạn. Tuy nhiên, con số đó chưa nói lên được triển vọng trong tương lai, vì trong số đó chưa rõ bao nhiêu người là khách du lịch thật sự và bao nhiêu du khách sẽ quay trở lại".
"Điều quan trọng là Việt Nam phải có những chiến lược tiếp thị hình ảnh đất nước quy mô hơn, với một thông điệp thống nhất và xuyên suốt. Và đó mới chỉ là bước đầu. Để thu hút được nhiều du khách đến, bản thân người Việt phải thật sự chân thành, nồng hậu thì du khách mới trở lại lần thứ hai, thứ ba”.
Trong mọi vấn đề, Rick Yvanovich luôn đặt con người là yếu tố quan trọng nhất. Ông cũng nói về yếu tố này trong lĩnh vực công nghệ mà công ty của ông đang tham gia: “Chúng tôi cung cấp những phần mềm giúp doanh nghiệp quản lý, giải quyết mọi công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là những người sử dụng các chương trình này. Đừng hy vọng rằng chỉ cần mua một chương trình thật đắt tiền là có thể giải quyết được mọi vấn đề”.
Rồi ông không ngần ngại trình bày những lo lắng của mình: “Việt Nam đang dần đuổi kịp các nước trên thế giới, thuận lợi của chúng ta là không mất thời gian nghiên cứu mà chỉ việc ứng dụng những thành tựu tiên tiến nhất. Điều quan trọng là phải biết tính toán kỹ hơn việc ứng dụng những thành tựu đó, làm sao để tận dụng hết mọi công năng của các thiết bị kỹ thuật. Một ví dụ đơn giản nhất về sự lãng phí là việc sử dụng điện thoại di động của người dân hiện nay. Ai cũng thích mua những chiếc điện thoại thời trang nhất, nhiều chức năng như duyệt web, check mail, xem tivi… với giá khá cao, nhưng thực tế chỉ dùng để gọi và nhắn tin”.
Luôn cẩn trọng suy tính thiệt hơn trong từng việc làm, Rick Yvanovich có lối tư duy của một nhà kinh doanh thực thụ. Tuy nhiên, cuộc sống của vị giám đốc này không chỉ có những thương vụ làm ăn, mà quan trọng hơn cả là mái ấm gia đình. Khi được hỏi về những thú giải trí của ông vào những dịp cuối tuần, Rick Yvanovich mỉm cười hạnh phúc: “Được chơi đùa với các con là đã quá hạnh phúc rồi!”.
Hai thiên thần nhỏ của Rick năm nay mới sáu và tám tuổi nhưng cũng như cha, các cháu đều coi Sài Gòn là thành phố thân quen nhất, là nhà. Ông kể: “Mỗi lần có dịp sang châu Âu, hai đứa cứ luôn miệng đòi về nhà. Nhà mà chúng nói chính là Sài Gòn đấy, bạn ạ!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận