![]() |
Diễn xuất sắc sảo, sự "quăng bắt" ăn ý của đôi nghệ sĩ Lệ Thủy - Minh Vương là điểm thu hút của Sông dài - Ảnh: Hòa Bình |
“Cải lương bây giờ hát nhép nhiều quá, được nghe ca thật đã quá! Nghệ sĩ xưa ca còn hay quá!” - một khán giả trẻ vừa lấy xe ra về khi vãn tuồng vừa tấm tắc khen. Một khán giả trẻ khác bình luận: “Người ta đi coi đông ghê, không ai bỏ về hết...”. Đó là ý kiến của hai thanh niên đi xem cải lương, hôm nay họ đến vì sự kiện ra mắt “Sân khấu vàng” và họ hài lòng.
Số đông khán giả trung niên - đối tượng đông đảo của cải lương - đều tỏ ra vui vẻ, hài lòng khi ra về. Đã lâu rồi khán giả không còn được xem nguyên tuồng cải lương có kịch bản hay, do nghệ sĩ giỏi diễn xuất như vậy.
Sông dài kể về chuyện tình yêu chung thủy của anh chàng xấu xí nám mặt, niễng đầu tên Niễng với cô gái mù xinh đẹp tên Lượm. Bị bỏ rơi từ bé vì tình duyên của cha mẹ tan vỡ, Lượm sống nghèo khổ nhưng tràn đầy hạnh phúc bên người cha nuôi Hai Tất cùng tình yêu của Niễng khi lớn lên. Khi tình cờ gặp được mẹ ruột là bà Kim Sa giàu có, được bà dẫn sang Nhật mổ sáng mắt, tưởng là lúc Lượm vui sướng nhất, nhưng cô lại chìm trong nỗi khổ đau vì bị mẹ bắt buộc bỏ rơi những mối tình thâm… Nhưng rồi “Sông dài cá lội bặt tăm, phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ” - câu hát da diết tình thương yêu này đã thấm sâu vào tâm hồn cô Lượm chân chất nên cô vẫn một lòng chờ đợi Niễng.
Nghệ sĩ Lệ Thủy diễn đầy tâm trạng trong từng vẻ mặt chết lặng của một người đàn bà thừa tiền nhưng thiếu hạnh phúc. Ánh mắt khắc khoải, giọng nói dồn nén bởi nỗi niềm riêng của một bà mẹ dứt ruột bỏ con do chị thể hiện làm người xem xúc động. Nghệ sĩ Minh Vương bộc trực trong vai ông già Hai Tất, lạ hẳn so với sở trường vai công tử hào hoa của mình, nhưng lại rất thu hút và ấn tượng.
![]() |
Bà Kim Sa là người kết hợp tình yêu cho chàng trai xấu xí Niễng và cô gái mù Lượm, song cũng là người chia rẽ họ khi biết Lượm là con gái của mình - Ảnh: H.Bình |
Chọn cách diễn nhẹ nhàng, Thanh Kim Huệ vào vai Lượm với một vẻ trong sáng, hiền lành. Có vẻ như xu hướng dàn dựng không giúp chị thể hiện tốt sự sâu nặng của tình yêu hay bi kịch phải chia cắt với Niễng, nhưng cách chị thể hiện sự hồn nhiên lúc giận hờn Niễng không muốn mình sáng mắt, hay nỗi mừng vui lúc nhìn rõ mọi vật là rất thuyết phục.
Những vai diễn điểm xuyết ngang qua sân khấu của các nghệ sĩ Giang Châu, Kim Ngọc, Tú Trinh hay giọng ca mùi mẫn của giải chuông bạc vọng cổ Lê Văn Gàn cũng khiến Sông dài lấp lánh chất “vàng” của những nghệ sĩ ca hay, diễn giỏi.
Còn vấp váp ở một số chi tiết của sự chưa nhuần nhuyễn ở suất diễn đầu tiên, nhưng có thể thấy rõ tâm huyết nhiệt thành làm nghề, mồ hôi tập luyện nghiêm túc đã đổ ra của những nghệ sĩ tham gia Sông dài. Chính vì thế mà Sông dài đã khiến người xem cộng hưởng được vào không khí vở diễn một cách mê mẩn để nhiều khán giả cảm thán: “Cải lương mà diễn được như vầy sẽ không bao giờ chết!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận