14/11/2005 17:13 GMT+7

"Ra mắt" Luật Giáo dục 2005

NGUYỆT ANH
NGUYỆT ANH

TTO - Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị giới thiệu Luật Giáo dục sửa đổi - vừa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 11 - với đại diện các tổ chức quốc tế, các phái đoàn ngoại giao và giới truyền thông tại Việt Nam.

* Chậm ban hành hướng dẫn thi hành luật

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cho biết bắt đầu từ 1-1-2006, Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực, thay thế cho Luật Giáo dục 1998 với 9 chương và 120 điều. Bộ trưởng cũng cho biết, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị xây dựng một số dự án luật mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như Luật Giáo viên, Luật Giáo dục ĐH, Luật Dạy nghề…

Theo ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục sửa đổi được bổ sung 13 điều và sửa đổi 86 điều liên quan đến giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học…

Điểm mới trong Luật Giáo dục 2005 là bổ sung một số điều như kiểm định chất lượng giáo dục, dạy tiếng dân tộc thiểu số, quy định về dạy ngoại ngữ trong nhà trường nhằm đảm bảo kết quả học tập hiệu quả…

Liên quan đến việc mở trường ngoài công lập, Luật đã dành tới 4 điều đề cập tới các chính sách như Nhiệm vụ, quyền hạn của trường Dân lập, Tư thục (điều 65); Chế độ tài chính (điều 66); Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn (điều 67); Chính sách ưu đãi (điều 68).

Một trong những điểm nổi bật của Luật Giáo dục sửa đổi là đã quy định “cộng gộp” tất cả các khoản tiền đóng góp vào một khoản chung là học phí. Như vậy, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng góp thêm bất cứ khoản nào khác. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí còn mức học phí và lệ phí tuyển sinh thế nào do cơ sở giáo dục chủ động xây dựng.

Phát biểu về Luật Giáo dục sửa đổi, ông Jesper Morch - Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, nhấn mạnh một bộ Luật hay chưa đủ, để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần một cơ chế thực hiện hiệu quả, phân bổ ngân sách hợp lý cho các cơ quan ban ngành, thực hiện luật và xây dựng hệ thống văn bản dưới Luật như Nghị định, chỉ thị, thông tư, điều lệ...

Tuy nhiên, trên thực tế, Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2006, nhưng đến nay, còn tới một nửa trong số 27 văn bản (gồm tám nghị định, ba quyết định, 14 văn bản và hai văn bản liên tịch) hướng dẫn thi hành Luật giáo dục dự kiến đến giữa năm 2006 mới được Bộ GD-ĐT xây dựng xong.

Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục quá chậm trễ là một vấn đề Bộ GD-ĐT đã vấp phải trong quá trình triển khai hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục 1998: trong số 15 nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục 1998, sau sáu năm bộ mới ban hành được bảy. Cho đến thời điểm Luật đã được sửa đổi, Bộ GD-ĐT vẫn dang “nợ” tám nghị định hướng dẫn.

NGUYỆT ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên