* Giảm bội chi ngân sách dưới 5%, giảm chi tiêu công 10%* Tăng trưởng tín dụng dưới 20%, quản lý chặt kinh doanh vàng, ngoại tệ
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với các chuyên gia chiều 22-2 - Ảnh: Đức Tám |
Phóng to |
Diễn biến giá vàng và USD tại thị trường tự do những ngày qua Ảnh: Minh Đức - Đồ họa: Như Khanh |
Ý kiến của các chuyên gia đều bày tỏ sự đồng tình đối với nội dung cũng như sự cần thiết ban hành nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011.
Chống đầu cơ ngoại tệ, vàng
Ông Vũ Viết Ngoạn (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội): Cần có thông điệp chống lạm phát Tôi đề xuất cắt giảm một số chỉ tiêu để chống lạm phát. Tất nhiên việc giảm các chỉ tiêu đó sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng, tuy nhiên hiện nay nên ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về ổn định tỉ giá, tôi cho rằng nếu Chính phủ đưa ra các thông điệp cụ thể về chính sách làm giảm tổng cầu để chống lạm phát thì sẽ góp phần giảm bớt sức ép lên tỉ giá hiện nay, vì tỉ giá hiện nay là do các yếu tố tâm lý, đầu cơ... |
Các chuyên gia cũng cho rằng một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện theo giá thị trường nên không chỉ phát sinh lỗ lớn, làm méo mó các quan hệ thị trường mà còn vượt khả năng của các giải pháp điều tiết trực tiếp... Đây là các yếu tố gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô...
Đồng tình với các nhóm giải pháp cấp bách mà Chính phủ đề ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất cụ thể thêm nhiều biện pháp liên quan đến đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán tổng thể; giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp; xóa bỏ đầu cơ và buôn lậu vàng; nâng cao hiệu quả phân cấp đầu tư; kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và danh mục đầu tư của các tập đoàn...
Các chuyên gia đề nghị Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm chống đầu cơ ngoại hối, vàng cũng như điều hành giá xăng dầu, điện... theo cơ chế thị trường.
Giảm chi tiêu công và cắt nhập siêu
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia để Chính phủ hoàn chỉnh nghị quyết ứng phó với tình hình đang diễn biến phức tạp, đồng thời xây dựng một đề án tổng thể về vấn đề này trong quý 1-2011. Tên nghị quyết phải thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu là thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011, trong đó mục tiêu yêu cầu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Trước hết Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, điều chỉnh tỉ giá phù hợp... Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực đảm bảo ngoại tệ cho nhu cầu của nền kinh tế, tăng cường quản lý kinh doanh ngoại hối và vàng. Thủ tướng yêu cầu giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 3.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục tập trung bảo đảm sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kiên quyết cắt giảm nhập siêu, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu, điện theo thị trường, giảm bao cấp của Nhà nước nhưng phải gắn với bảo đảm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.
|
Giá cả tăng là nỗi lo hằng ngày của người dân (ảnh chụp tại chợ cầu Trường Đai, Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: M.Đức
Tuổi Trẻ đã gặp và ghi lại ý kiến của một số chuyên gia đã tham dự cuộc họp trên.
* TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN): Uống thuốc phải đủ liều
Trong cuộc họp, tôi cảm thấy vui mừng vì đã thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chống lạm phát.
Để giải quyết vấn đề năm 2011, theo tôi, có ba vấn đề lớn cần thực hiện. Thứ nhất là phải có chính sách mạnh mẽ để “cắt cơn”. Thứ hai là phải kiên trì chính sách bình ổn vĩ mô. Thứ ba là phải gắn giải pháp nhất thời với giải pháp căn cơ, lâu dài, nhất là tái cơ cấu nền kinh tế.
Vấn đề thứ nhất, chúng ta có chính sách tiền tệ như tăng lãi suất thắt chặt vốn nhưng chính sách tài khóa, việc giảm chi tiêu ngân sách chưa tương ứng. Tôi nhấn mạnh hai chính sách này cần đồng bộ, tương ứng, hỗ trợ được cho nhau. Vấn đề thứ hai là cần kiên trì trong chính sách bình ổn vĩ mô. Rút kinh nghiệm năm trước, sau khi các chính sách bình ổn bắt đầu có tác dụng thì chúng ta lại muốn tăng trưởng cao.
Chính sách tiền tệ thường có độ trễ 6-7 tháng, không nên thấy tình hình vừa tốt lên được 1-2 tháng là thay đổi, hút theo mục tiêu tăng trưởng, để rồi bất ổn lại được dịp tăng. Uống thuốc phải đúng liều, không nên vừa cắt được cơn là dừng thuốc. Kinh tế VN đang cần điều trị lâu dài để khắc phục những khiếm khuyết, điểm yếu đã tồn tại lâu năm. Quá trình này không thể là thời gian ngắn và nên thống nhất tư tưởng như vậy trong điều hành.
Năm 2011, theo tôi, cần xác định rõ ràng thái độ với tăng trưởng ở mọi cấp: tăng trưởng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Chúng ta không nên đưa ra những mục tiêu quá cao như tăng trưởng 7% để rồi phải chạy theo rất mệt. Năm nay, VN tăng trưởng khoảng 5% theo tôi đã là tốt rồi.
Vấn đề thứ ba, theo tôi, những bất ổn hiện nay không phải mới xuất hiện mà bắt nguồn từ những yếu kém đã lâu. Yếu kém đó đến từ hiệu quả đầu tư, cơ cấu kinh tế... Vì vậy, cần có các giải pháp ngắn hạn nhưng nếu không thực hiện ngay tái cơ cấu nền kinh tế như một chính sách căn bản, căn cơ thì rất khó giải quyết vấn đề. Cần tập trung sửa căn nguyên của bất ổn. Cần xem lại đầu tư nhà nước, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Việc phân cấp cho các địa phương theo tôi cũng cần xem lại, không nên phân cấp như hiện nay.
* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Phải cắt giảm đầu tư
Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tình thế hiện nay, theo tôi, là phải cắt giảm đầu tư, đặc biệt phải cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để giảm tổng cầu. Từ trước đến nay, chúng ta thắt chặt tiền tệ thì các doanh nghiệp nhỏ thường bị thắt trước tiên, kể cả khi các dự án của họ có hiệu quả. Còn các tập đoàn, tổng công ty vẫn không khó khăn gì mấy trong việc ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với các ngân hàng.
Tôi nhấn mạnh giải pháp chống lạm phát sẽ phải chịu đau và cần quyết tâm chính trị bởi điều này động chạm đến lợi ích không ít người. Ngoài việc cắt giảm, cần xem xét đánh giá lại toàn bộ các dự án đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, dự án nào chưa thật cần thiết thì kiên quyết cắt bỏ. Đây không phải hành động nhất thời mà cần nêu lên như một kỷ cương, cơ chế đầu tư mới.
Mức tăng trưởng tín dụng năm 2011, theo công bố của Thủ tướng, sẽ dưới 20%. Nhưng điều người ta quan tâm là năm trước chúng ta đã đặt mục tiêu này nhưng sau đó đã vượt.
Vậy năm nay vấn đề đặt ra không chỉ là con số nào mà là tính nghiêm túc thực thi nó. Tôi cho rằng Thủ tướng nên có các cuộc gặp với các đại sứ nước ngoài, các phòng thương mại công nghiệp đặt đại diện tại VN để làm việc, tháo gỡ khó khăn nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế. Lo lắng của cộng đồng kinh doanh đã khá lớn nên Thủ tướng cần bày tỏ rõ quyết tâm của mình.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia): Kinh tế sẽ ổn định trong vòng 6 tháng
Chính phủ sẽ đi hai mũi nhọn để giảm tổng cầu, từ đó giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát. Chính phủ cũng sẽ cắt giảm cơn sốt USD với nhiều biện pháp cụ thể như lập quỹ ngoại tệ để can thiệp vào thị trường, kết hối hoặc vay ngoại tệ của các doanh nghiệp nhà nước.
Nói chung sẽ có nhiều biện pháp can thiệp để cắt cơn sốt USD trên thị trường. Về kiểm soát tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực ngoại hối, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, UBND các tỉnh thành kiểm tra các tiệm vàng, quầy thu đổi ngoại tệ... và chế tài, xử lý vi phạm kể cả rút giấy phép hoạt động của những đơn vị vi phạm.
Tất cả biện pháp trên nhằm chuyển tải thông điệp hết sức rõ ràng của Thủ tướng là tập trung ngoại tệ về tay Nhà nước, chống đôla hóa. Với thông điệp này, từ 3-6 tháng kinh tế sẽ đi vào ổn định, tạo điều kiện cho những năm sau phát triển bền vững hơn.
* TS Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Chấp nhận mặt bằng giá mới
Theo tôi, việc đầu tiên là làm cho thị trường tin rằng việc điều chỉnh tỉ giá lần này là ổn định và giữ được giá VND như mức hiện nay trong cả năm 2011. Kế đến là phải thị trường hóa một số loại giá. Như vậy, khoảng quý 2 trên thị trường VN có mặt bằng giá mới. Phải chấp nhận mặt bằng giá mới này nhưng phải giảm tổng cầu, tổng cầu là điều kiện kiểm soát mặt bằng giá mới sau khi điều chỉnh tỉ giá, giá điện, than, xăng dầu. Mà ba công cụ để kiểm soát tổng cầu là thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và giảm đầu tư.
Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải chấp nhận lãi suất hiện hành, đồng thời tự sắp xếp lại vì hiện nay phải ưu tiên ổn định vĩ mô trước. Một khi kiểm soát được giá, không còn nguy cơ lạm phát cao nữa thì mới có điều kiện giảm lãi suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận