07/12/2010 06:24 GMT+7

Quyền nuôi con dưới 16 tháng tuổi khi ly hôn

NGUYỄN THỊ MINH
NGUYỄN THỊ MINH

TT - Anh tôi lấy vợ và có con gái 16 tháng tuổi. Vợ anh bỏ về nhà ngoại ở và đòi ly hôn do có chút xích mích với mẹ tôi. Trong cuộc sống hằng ngày chị không biết chăm lo cho con nhỏ, con bệnh, chuyện ăn uống của bé... đều do bà nội chăm.

Nhà nội có điều kiện kinh tế hơn nhà ngoại rất nhiều, anh tôi có công việc ổn định, chị chỉ ở nhà. Chị đòi ly hôn và đòi nuôi con. Bên nội rất thương cháu, nếu sống bên chúng tôi cháu sẽ có điều kiện phát triển hơn. Nhưng giờ cháu mới 16 tháng tuổi, không biết khi ra tòa gia đình chúng tôi có khả năng được tiếp tục chăm sóc cháu không?

- Khi xét xử vụ án ly hôn, tòa án không xem xét gia đình bên nội hay bên ngoại mà chỉ xem xét cha hoặc mẹ của đứa bé ai sẽ là người trực tiếp nuôi con.

Theo khoản 2 điều 92 Luật hôn nhân - gia đình năm 2000, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc ai là người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Do đó nếu vợ chồng người anh của bạn không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì tòa án sẽ căn cứ quy định trên để quyết định. Về nguyên tắc, tòa án sẽ giao cho vợ của anh bạn trực tiếp nuôi con vì đứa bé mới 16 tháng tuổi, còn anh của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng, đồng thời vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.

Xin được lưu ý: việc tòa án quyết định giao cho ai trực tiếp nuôi con (chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình) không phải là vĩnh viễn.

Theo điều 93 Luật hôn nhân - gia đình, sau khi ly hôn, vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hay hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con khi người này không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu khi đó người con đủ (hoặc lớn hơn) 9 tuổi, thì tòa án còn phải xem xét đến nguyện vọng của người con này muốn được ai trực tiếp nuôi.

NGUYỄN THỊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên