30/07/2009 06:14 GMT+7

Quy chế phúc khảo phải vì quyền lợi của thí sinh

NGUYỄN XUÂN THỦY(xuanthuyvna@...)
NGUYỄN XUÂN THỦY(xuanthuyvna@...)

TT - Tôi không đồng tình với tư duy của các nhà quản lý giáo dục trong việc ra quy chế phúc khảo.

(Phản hồi bài “Quy trình chấm phúc khảo đã ổn chưa?”, Tuổi Trẻ ngày 28-7-2009)

Trong bài báo nói trên, ông phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng phải đặt điều kiện thí sinh muốn xin phúc khảo phải có điểm trung bình môn xin phúc khảo ở năm cuối cấp cao hơn điểm thi 2 điểm trở lên là nhằm hạn chế phúc khảo tràn lan vì không đủ người chấm và thời gian phúc khảo kéo dài. Như vậy là mới nghĩ đến cái có lợi cho nhà quản lý, còn quyền lợi học sinh thì không được tính đến.

Chúng ta đều biết sai sót trong chấm thi, xử lý điểm thi là không thể tránh khỏi! Nhưng với quy định như hiện nay thì sai sót rơi vào những trường hợp điểm thi không chênh lệch so với điểm tổng kết của môn học 2 điểm là không được xem xét!

OTAKJMyd.jpgPhóng to
Phụ huynh và học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) xem điểm thi vào lớp 10 -Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi nghĩ quy chế phúc khảo trước hết phải đặt quyền lợi của học sinh và sự công bằng lên trên hết. Mong các nhà quản lý giáo dục hãy vì học sinh mà sửa quy chế phúc khảo cho hợp lý.

VỤ BÀI THI 8,5 ĐIỂM THÀNH 0 ĐIỂM:

Xin lỗi thể hiện thái độ cầu thị

Báo Tuổi Trẻ ngày 29-7 đăng tin giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã đến nhà em Nguyễn Thị Thanh Thảo (thí sinh có bài thi 8,5 điểm thành 0 điểm) để xin lỗi. Theo tôi, việc làm này thể hiện thái độ cầu thị của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.

Là người đã tham gia chấm thi nhiều năm, tôi biết công việc của hội đồng chấm thi khá vất vả và chịu nhiều áp lực về thời gian, về khối lượng công việc, về độ chính xác... Vì thế quá trình chấm thi về cơ bản là đảm bảo chính xác, nhưng cũng có thể có sai sót xảy ra, nhất là khâu đọc và nhập điểm trên máy vi tính... Nhưng điều quan trọng là phát hiện ra sai sót thì sửa kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

* Từ việc hạn chế xin phúc khảo mà ra điều kiện thí sinh phải có điểm trung bình năm cuối cấp cao hơn điểm thi mới được xin phúc khảo là hết sức vô lý.

Lúc nhỏ chúng tôi đi học, sau khi giáo viên chấm bài kiểm tra thì phát lại cho học sinh ngay để học sinh biết sai sót chỗ nào mà rút kinh nghiệm và sửa chữa. Theo tôi, nên thay đổi quy trình chấm phúc khảo như sau: khi thí sinh có yêu cầu xem lại bài thi thì người có trách nhiệm photo bài thi đưa cho thí sinh tự kiểm tra xem việc chấm điểm có đúng không. Để tránh tình trạng xin photo bài thi tràn lan, nên quy định có thu phí khi photo. Sau khi thí sinh tự kiểm tra bài thi và nếu thấy không đúng thì mới xin phúc khảo. Trong đơn xin phúc khảo, thí sinh phải ghi rõ đề nghị chấm lại câu nào trong bài thi.

Việc cho thí sinh xem lại bài thi của mình cũng sẽ tránh được việc ráp phách nhầm như đã từng xảy ra ở tỉnh Quảng Nam. Việc làm trên còn giúp thí sinh rút kinh nghiệm cho những lần thi sau (nhất là thi ngoại ngữ), từ đó kiến thức của thí sinh sẽ tốt hơn. Khi thí sinh biết được mình sai chỗ nào thì đơn xin phúc khảo sẽ ít hơn và sẽ không có những bức xúc của phụ huynh và học sinh như thời gian qua.

* Tôi là học sinh đã tốt nghiệp THPT và đang mong chờ kết quả thi đại học. 12 năm đi học tôi đều học tại các trường điểm của Q.3 (TP.HCM) với đầu vào khó và học sinh đã vào được rồi cũng khó được điểm cao. Vì vậy, tôi không đồng tình với nhận định hiếm có học sinh nào điểm trung bình thấp mà điểm thi lại cao.

Ở bậc THPT, các kỳ kiểm tra đều là đề của từng trường, do đó tùy theo trình độ chung của học sinh từng trường mà định ra mức độ khó của đề bài. Như vậy, giữa một học sinh trường chuyên có điểm trung bình (môn toán chẳng hạn) 7,5 điểm và một học sinh trường bình thường có điểm trung bình môn toán trên 8,0 thì có ai dám khẳng định học sinh trên 8,0 học giỏi hơn em học sinh trường chuyên?

Tôi đưa ra ví dụ này để thấy quy định phải chênh lệch 2 điểm mới được chấm phúc khảo là quá lớn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi tôi được 10 điểm môn toán, nhưng điểm trung bình môn toán năm học lớp 12 của tôi chỉ 7,7. Như vậy, giả sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi tôi bị chấm sai ở môn toán (thay vì 10 điểm thì chấm có 7 điểm chẳng hạn) và tôi muốn xin phúc khảo thì làm sao được đây?

NGUYỄN XUÂN THỦY(xuanthuyvna@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên