21/10/2006 06:04 GMT+7

Quốc hội thảo luận dự án Luật cư trú: Sổ hộ khẩu hay thẻ cư trú?

N.V.HẢI - X.TOÀN
N.V.HẢI - X.TOÀN

TT - Hôm qua 20-10, thảo luận về Luật cư trú, nhiều đại biểu đã đề nghị thay sổ hộ khẩu bằng thẻ cư trú - một hình thức quản lý hiện đại hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu cho rằng vẫn cần giữ sổ hộ khẩu nhưng phải hạn chế những qui định “ăn theo” và cấm lạm dụng sổ hộ khẩu...

jOrPeQrb.jpgPhóng to uIA3zE3Y.jpg
Theo ĐB Lê Quốc Trung, "chỉ cần có chỗ ở hợp pháp là được nhập hộ khẩu" - Ảnh: TTXVN ĐB Lê Thị Dung cho rằng đa số cử tri đều mong muốn thay thế sổ hộ khẩu bằng thẻ cư trú - Ảnh: TTXVN

Trọn ngày hôm qua 20-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường để thảo luận hai dự án Luật cư trú và Luật công chứng, trong đó ý kiến tranh cãi nhiều nhất là “số phận” sổ hộ khẩu, vấn đề làm phiền dân vì sổ hộ khẩu, những băn khoăn trước các điều kiện để được nhập hộ khẩu...

Hạn chế “ăn theo”, cấm lạm dụng

“Tôi ủng hộ quản lý cư trú bằng hộ khẩu, vì hiện nay chưa có phương án quản lý nào khả thi hơn” - ĐB Lê Thị Dung (An Giang) bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, bà Dung cũng nói rõ “đa số ý kiến cử tri đều mong muốn QH có lộ trình thay thế sổ hộ khẩu bằng hình thức thẻ cư trú - một hình thức quản lý hiện đại hơn”. ĐB H’Luộc Ntơr (Đắc Lắc) băn khoăn: “Bộ Công an có đề án chứng minh thư điện tử vừa được phê duyệt, nên chăng dự thảo luật qui định đồng bộ về vấn đề này (quản lý công dân bằng thẻ điện tử - PV)”.

Việc quản lý cư trú “phải vừa đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, nhưng cũng vừa phục vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự” - ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) lưu ý. Tán thành ý kiến này, ĐB Lê Thành (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết do có quá nhiều qui định “ăn theo” nên “hộ khẩu bị biến dạng so với mục đích đảm bảo an ninh trật tự ban đầu”.

iSHAZFHn.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Thảnh (Hưng Yên) góp ý dự thảo Luật cư trú tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XI (ảnh chụp chiều 20-10) - Ảnh: Đình Nam
ĐB Huỳnh Thị Hường đề nghị QH cần “rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan tới hộ khẩu, loại bỏ tối đa những thứ “ăn theo” (khoảng trên 300 văn bản)”. “Con số mới nhất công bố tại hội thảo mới đây của Bộ Công an là 420 văn bản” - cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đính chính. Ông dí dỏm kể: “Có quá nhiều cơ quan “tiện thể” theo sổ hộ khẩu, ngay QH cũng có tới... sáu văn bản luật “ăn theo” hộ khẩu”.

“Qui định cấm lạm dụng là... không rõ ràng, lạm dụng như thế nào, ví dụ người ta căn cứ theo hộ khẩu để tính lũy tiến tiền điện, tiền nước thì sao?” - ĐB Lê Quốc Trung (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN) băn khoăn. ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kontum) hiến kế bằng một qui định rõ ràng và dứt khoát: cấm dùng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú.

Ở nhờ nhà, có được... nhập hộ khẩu?

Hôm nay 21-10, QH thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; vấn đề di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; việc thực hiện tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy...

“Chỉ cần có chỗ ở hợp pháp là được, vì theo Luật nhà ở, dù ở nhờ, ở thuê đều phải có hợp đồng” - ĐB Lê Quốc Trung phát biểu. Theo ông Trung, dự luật qui định trường hợp ở nhờ nhà muốn nhập hộ khẩu phải có ý kiến (bằng văn bản) của chủ sở hữu nhà, thực chất là “giao quyền định đoạt quyền cư trú của công dân này cho một công dân khác”.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu hỏi: “Thuê, ở nhờ nhà của cá nhân, sau một năm sẽ đăng ký thường trú vào đâu? Nếu đăng ký vào cùng sổ hộ khẩu của chủ nhà thì phải có sự đồng ý của người ta”. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) ủng hộ, cho rằng “tự do cư trú nhưng phải đảm bảo quản lý được”. “Muốn đăng ký thường trú, phải xin phép chủ nhà, còn cứ thoáng quá, e thành phố đang phấn đấu “năm không” sẽ chẳng được... “không” nào” - ông dí dỏm nói.

“Tôi đồng ý với anh Bá Thanh, vào ở nhà người ta dứt khoát phải được chủ nhà đồng ý”, phó giám đốc Công an TP.HCM - ĐB Phan Anh Minh - lên tiếng. Tuy nhiên, ông Minh lại không tán thành việc đặt chủ nhà “xen vào mối quan hệ giữa người đăng ký thường trú (là người ở nhờ) và Nhà nước”. “Không thể ngăn cản công dân thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đăng ký thường trú của họ, vì thế tôi không đồng ý qui định phải có ý kiến chấp thuận của chủ nhà” - ĐB Phan Anh Minh thẳng thắn nói.

Công chứng tính xác thực là không khả thi

Cùng ngày, thảo luận xung quanh dự thảo Luật công chứng, ĐB Nguyễn Đức Chính (TP.HCM) bày tỏ sự băn khoăn: mặc dù dự thảo Luật công chứng mang tính chất xã hội hóa, nhưng ở phương diện trách nhiệm công dân, đây là một bước đi “thụt lùi”. Dẫn chứng điểm bất cập này, ông Chính cho biết tại điều 5 của dự thảo đã qui định lời chứng của công chứng viên phải chứng nhận tính xác thực của đối tượng, nội dung khác của hợp đồng giao dịch.

Theo ông Chính, nếu chữ “xác thực” được hiểu theo nghĩa giấy tờ pháp lý thì khi chứng thực mua bán một căn nhà nào đó công chứng viên phải xuống địa bàn xác minh, rồi sẽ phải thuê công ty chuyên đo vẽ về địa chính để vẽ thì mới xác thực về thực tế.“Nếu qui định trên được áp dụng thì trên thực tế sẽ xuất hiện rất nhiều công ty địa chính chuyên môn đi đo vẽ..., tiếp đến là chi phí cho việc đo vẽ để mua bán những bất động sản như vậy sẽ cực kỳ cao. Chưa kể về thủ tục sẽ rất nhiêu khê trong tất cả các khâu” - ông Chính cảnh báo.

Đồng ý với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Đình Lộc khẳng định việc buộc công chứng tính xác thực như qui định của dự thảo áp dụng vào thực tế của VN hiện nay là không khả thi, bởi cơ quan công chứng đã tự mình làm thay một loạt các cơ quan khác, còn người dân sẽ bị “hành” vì những thủ tục mới phát sinh.

N.V.HẢI - X.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên