![]() |
Lấy một ví dụ đơn giản nhất: Với câu “the $4 generic drug prescription has arrived at Target stores nationwide”, chúng ta có thể hiểu generic drug là dược phẩm có cùng công thức với thuốc có bản quyền (biệt dược), được sản xuất và bán với giá rẻ sau khi bản quyền biệt dược ấy đã hết hạn. Nhưng dịch bằng “thuốc nhái” thì không chính xác; “thuốc gốc” - không ai hiểu; “thuốc không nhãn hiệu” - lại càng dễ gây hiểu nhầm. Hiện đã xuất hiện một số từ có thể chấp nhận được như “thuốc thế phẩm”, “thuốc phiên bản”.
Tờ New York Times vừa có một bài hay về chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc mang tựa đề: China vs. U.S.: Democracy Confronts Harmony. Stay Tuned. Cụm từ stay tuned thường được dùng trong các chương trình phát thanh, đại khái muốn nói còn nhiều cái hay nữa xin mời quý vị thính giả giữ nguyên tần số này, đừng chuyển sang đài khác. Ở đây ý của tựa đề muốn nói sự đối chọi giữa chính sách “dân chủ” của Mỹ và “hài hòa” của Trung Quốc sẽ còn nhiều chuyển biến và tác động trong thời gian tới, nên theo dõi. Việc diễn đạt cụm từ stay tuned này sang tiếng Việt cho ngắn gọn là điều khó.
Tuần này hãy thử lấy một bài trên tờ Wall Street Journal để phân tích cái quen mà lạ này - một yếu tố gây khó cho những người học tiếng Anh ở nước ta vì đã quen lối văn của sách giáo khoa. Bài báo “Textile Fiasco” bắt đầu bằng cách nhắc lại chuyện PNTR với Việt Nam chưa được Hạ viện Mỹ thông qua để tô đậm thêm: “But this failure is an even bigger fiasco than it appears because of the White House’s pandering to the U.S. textile industry”. Pander là cố thỏa mãn, chiều theo một ai đó; ở đây tác giả chuẩn bị trước cho người đọc thấy cách Nhà Trắng chiều chuộng ngành dệt của Mỹ. Trong câu tiếp theo - It’s a case study in how protectionists never stay bought - chú ý cách dùng cụm từ stay bought. Bought ở đây là bị mua chuộc, đã dàn xếp có qua có lại, stay bought là đã thỏa mãn nên bây giờ ngồi yên, không phản đối nữa. Nhưng qua vụ PNTR vừa rồi, rõ ràng những người vận động hành lang cho xu hướng bảo hộ không chịu ngồi yên nên mới có câu “how protectionists never stay bought”.
Nguyên do là trước đó, Chính phủ Mỹ đã nhượng bộ ngành dệt nội địa, cụ thể, “it agreed to allow quotas to be reimposed if there are import surges in Vietnam textiles to the U.S. once the deal is implemented”. Reimpose là tái áp đặt [hạn ngạch] và import surges là có sự gia tăng đột biến trong lượng hàng nhập khẩu. Thấy thế chưa đủ, Nhà Trắng còn đồng ý “self-initiate anti-dumping investigations” against Vietnamese apparel under certain circumstances. Trong các vụ kiện bán phá giá, thông thường các nhà sản xuất đứng ra khởi kiện, động từ thường dùng là initiate an action, nhưng trong trường hợp này, Chính phủ Mỹ sẽ là người khởi xướng các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng may mặc từ Việt Nam trong một số trường hợp, nên mới có cụm từ self-initiate. Cả hai từ “initiate” và “action” trông quen thuộc nhưng ở đây dùng theo nghĩa khác nên thành lạ.
Tờ Wall Street Journal phán: The government declared that it will serve as the textile lobby’s protectionist front man. Từ một tiếng lóng trong âm nhạc, chỉ người ca sĩ chính của một ban nhạc, front man nay mang nghĩa “kẻ đưa đầu chịu báng”, người đại diện theo nghĩa xấu. Tờ báo phê phán ai đời nhà nước đi làm thay doanh nghiệp chuyện kỳ lạ thế và còn bổ sung: More amazing still, the U.S. textile industry doesn’t compete with apparel that American retailers import from Vietnam. Chú ý: chúng ta thường dùng từ garment (đếm được) để chỉ quần áo nhưng từ này thường đi kèm với từ khác chứ ít khi đi một mình (ví dụ: a garment factory); ở đây họ dùng từ chung hơn là apparel (không đếm được). Đúng là một bên ngành dệt một bên ngành may, cớ gì lại sợ cạnh tranh nhau. Bài báo so sánh: It would be as if the U.S. agreed to protect U.S. car makers against a surge in foreign automobile tires. Bảo hộ như thế tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và trái với quy định của WTO.
Nguyên nhân do đâu? Theo bài báo, What’s going on is that the U.S. textile industry is trying to protect its interests not in the U.S. but in Central America. Hóa ra khách hàng của ngành dệt ở Mỹ là các nhà sản xuất quần áo ở Trung Mỹ, nếu họ không cạnh tranh nổi với hàng nhập từ Việt Nam thì ngành dệt làm sao bán sản phẩm cho họ. Thật ra, hàng may mặc từ Việt Nam cũng mua vải dệt của Mỹ đấy chứ.
Một từ được nhắc đến trong bài này và trong hàng loạt các bài báo gần đây là từ “lame-duck”. Một ông tổng thống đã thất cử nhưng vẫn điều hành chính phủ trong lúc chờ ông tổng thống mới lên nhậm chức gọi là “a lame-duck President”. Một quốc hội có nhiều nghị sĩ sẽ phải ra đi nhường chỗ cho những nghị sĩ mới đắc cử sẽ bắt đầu từ nhiệm kỳ mới sắp tới gọi là “lame-duck Congress”. Nghĩa bóng là vậy nhưng gọi là vịt què theo nghĩa đen e rằng chưa chính xác lắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận