06/04/2008 05:57 GMT+7

Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa lắm...

PHAN ANH KHOA
PHAN ANH KHOA

TT - Quê mẹ tôi ở Quai Chè, gần mạn Sơn Tây. Hai ông bà giờ sống ở Hà Đông. Cuối tuần, con tôi vẫn bảo về quê với ông bà nội.

Mấy tháng nay, câu chuyện quanh bàn ăn gia đình thế nào cũng rơi rớt ít câu liên quan đến chuyện tỉnh Hà Tây sắp sáp nhập vào Hà Nội.

Những cái được của việc mở rộng thủ đô như trên đài, báo, tivi nói thì nghe ra đều đúng cả, nhưng ngó vậy vẫn xa xôi. Xa như cái quãng đường chạy xe máy từ nhà tôi về qua thị trấn Phùng, sang đập Đáy ngô trổ cờ xanh ngắt bãi, đê Trung Hà buổi sáng mờ hơi sương mùa này cây gạo già đơn độc thả những chùm lửa đỏ, con đường thơm rơm nếp chạy hun hút giữa những mảng tường đá ong đỏ au làng Đường Lâm, nhà thủy đình chùa Thầy co chân gầy guộc giữa hồ những ngày nước cạn, bái đường chùa Tây Phương mới dựng gỗ mít vàng ươm thoang thoảng hương trầm,...

F1P0LX7p.jpgPhóng to
Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm (Hà Tây) - Ảnh: L.TH

Chuyện Hà Đông hay Sơn Tây về Hà Nội tưởng như chuyện thời cuộc dĩ nhiên nó thế, nhưng từ góc độ văn hóa lại ngờ rằng không hề đơn giản. Cái phần lớn người dân "cửa ngõ thủ đô" so đo chỉ là mảnh giấy hộ khẩu vốn gây biết bao phiền toái cho cuộc mưu sinh của những người dân ngoại tỉnh, hay cái mừng trước mắt của mấy sào đất vườn bỗng dưng có giá. Chứ cái duyên mời mọc, thu hút của xứ kinh kỳ xem chừng không có được bao nhiêu.

Sự va chạm văn hóa không được tính cho kỹ, làm cho khéo e rằng sẽ làm phai bản sắc và rốt cuộc chỉ thu được một thứ nhờ nhờ. Câu chuyện và kinh nghiệm cũng từa tựa như chuyện những người Mông vốn quen quanh năm sống giữa lưng chừng núi cao, nhất định không chịu xuống ở trong những dãy nhà sàn đúc bêtông đều tăm tắp sát mặt đường ôtô chạy ồn ào.

Hà Đông thì sát nách Hà Nội. Bố mẹ tôi cũng cố vun vén được một góc quê nhỏ. Ở mảnh sân sau nhà trồng cây bưởi, tiết xuân đang lúc lỉu hoa thơm xốn xang. Đôi chim gáy gù gù ăn thóc từ vụ trước, những hạt thóc rơi xuống đất nảy từng khóm mạ mảnh khảnh, gầy và xanh mong manh, mong manh. Rồi khi cái quyết định hành chính được ban ra, con tôi chính thức không còn quê nữa. Từ quận này sang quận khác cùng thành phố, ai người ta gọi là quê?!

Xã hội phát triển, cơ đồ mở mang. Có thể những quan niệm về tình cảm sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Không chỉ phải nơi chôn nhau cắt rốn hay quê cha đất tổ mới là quê, nơi sinh trưởng và gắn bó cũng được coi là quê vậy. Nhưng dù thế thì những sợi dây tình cảm gắn chặt con người với nguồn cội vẫn cất ở một ngăn nhỏ trong lồng ngực. Khi chạm vào sẽ rung lên. Quê nhà tôi ơi...

PHAN ANH KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên