23/09/2009 06:56 GMT+7

Quản lý sữa bằng giá trần

Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN)
Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN)

TT - Đó là đề xuất sau cùng của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lên lãnh đạo bộ này nhằm quản lý giá sữa bột tại thị trường VN đang ở mức quá cao so với các nước. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan ban hành mức giá trần và đơn vị nào bán vượt quá sẽ bị phạt nặng. Giải pháp này được đánh giá là phù hợp thực tế.

Quản lý sữa bằng giá trần

TT - Đó là đề xuất sau cùng của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lên lãnh đạo bộ này nhằm quản lý giá sữa bột tại thị trường VN đang ở mức quá cao so với các nước. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan ban hành mức giá trần và đơn vị nào bán vượt quá sẽ bị phạt nặng. Giải pháp này được đánh giá là phù hợp thực tế.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363117
Người lao động phải đắn đo khi giá sữa ngoại tăng cao. Từ tháng 3-2008 đến nay, sữa Friso tăng 15-20%, Enfagrow A+ tăng khoảng 20% - Ảnh: H.T.V.

Theo văn bản đề xuất của Vụ Chính sách thuế, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về nghiên cứu biện pháp quản lý giá mặt hàng sữa, vụ đã nghiên cứu các văn bản pháp luật về thương mại, về cạnh tranh, về giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào VN... và nhận thấy hoàn toàn có thể áp đặt giá trần cho sữa.

Quản lý “bó tay”

Giải thích nguyên nhân sự ra đời giải pháp của mình, Vụ Chính sách thuế cho biết sữa đã là một trong 14 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng vừa qua mặc cho giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, giá sữa trong nước vẫn cứ tăng. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào tăng liên tục 20% trong 15 ngày nên các cơ quan nhà nước không thể can thiệp theo các quy định về điều hành giá. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ trì kiểm tra cơ cấu giá thành đầu vào của các doanh nghiệp sữa, đề nghị doanh nghiệp không tăng giá nhưng một thời gian sau giá sữa cứ tăng.

" Giải pháp này là khá phù hợp với thực tế đất nước. Song, việc đặt giá trần cần có tham khảo, tính toán kỹ cho phù hợp, không nên quy định cứng mà nên quy định theo khoảng thời gian"

Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN)

VN đã có Luật cạnh tranh nhưng Vụ Chính sách thuế cho rằng muốn quy kết doanh nghiệp vi phạm các quy định về hạn chế cạnh tranh là khó. Do đó “không thể vận dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh để xử lý vấn đề bán tăng giá quá mức so với chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh sữa”.

Về các quy định bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Chính sách thuế trích dẫn các đoạn liên quan để xử lý tình trạng tăng giá sữa bất hợp lý nhưng cũng chỉ có đoạn “phải thông tin quảng cáo chính xác và trung thực về hàng hóa” và “có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến của người tiêu dùng”... Vì vậy, không thể vận dụng được các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước việc tăng giá quá mức của doanh nghiệp kinh doanh sữa. Quy định về chống bán phá giá hàng nhập từ nước ngoài vào VN, Vụ Chính sách thuế cho biết các doanh nghiệp không bán phá giá mà đã làm ngược lại nên VN không thể xử lý.

Trước một số ý kiến cho rằng việc áp đặt giá trần là phi thị trường, không phù hợp với tinh thần của các quy định mới đây, một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế khẳng định: “Nghị định 75/2009 đã cho phép bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá với các mặt hàng thuộc diện bình ổn, trong đó có sữa và một trong những giải pháp được phép là ấn định giá tối đa”. Ngoài ra, pháp lệnh giá cũng ghi rõ: “Trường hợp giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu có biến động bất thường thì Nhà nước có thể sử dụng biện pháp quy định giá bán tối đa, tối thiểu, khung giá để bình ổn giá”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363110
Giá nhiều loại sữa bột tại VN hiện ở mức khá cao so với nhiều nước - Ảnh: H.T.Vân

Giải pháp hợp lý

Bình luận về đề xuất của Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, ông Lê Danh Vĩnh, thứ trưởng Bộ Công thương đồng thời là chủ tịch Hội đồng cạnh tranh - định chế có quyền xét xử các hành vi liên kết độc quyền, đã bày tỏ sự đồng tình. Theo ông Vĩnh, VN đã quy định rõ trong những điều kiện nhất định, Nhà nước có quyền thực hiện áp giá trần, khung giá. Mặt hàng sữa thời điểm này áp giá trần, ông Vĩnh cho biết sẽ không phản đối.

Ông Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - công nhận khuôn khổ pháp luật VN hiện nay không cho phép điều tra hành vi gửi giá ở nước ngoài để có thể xử lý các doanh nghiệp sữa cố tình tăng giá bất hợp lý, giá nguyên liệu giảm nhưng giá thành phẩm cứ tăng. Đề xuất trên của Vụ Chính sách thuế nếu được áp dụng, ông Huỳnh cho biết có thể gặp phản ứng của doanh nghiệp, sự lấn cấn của một bộ phận vì các cơ quan chưa khẳng định được hành vi liên kết tăng giá đã áp dụng biện pháp mạnh. Việc áp giá khung có thể gây tâm lý ta áp dụng biện pháp phi thị trường. Tuy nhiên, dấu hiệu không bình thường của giá sữa đã rõ và giải pháp trên, theo ông Huỳnh, là tương đối khả thi để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại.

Hiện cùng với đề xuất gửi lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét và các cục, tổng cục góp ý, Vụ Chính sách thuế đã dự thảo luôn thông tư hướng dẫn thi hành. Theo đó, các loại sữa cụ thể như Dutch Lady,

Abbott, Nestle... sẽ có mức giá trần cụ thể. Mức giá này do Bộ Tài chính ban hành trên cơ sở các cơ quan như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý giá... xác định giá nhập khẩu, chi phí và lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào bán quá giá trần sẽ bị phạt mức là 15 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch do tăng giá bất hợp lý. Theo kiến nghị của Vụ Chính sách thuế, các đơn vị có quyền xử phạt có thể là UBND quận, huyện, thị xã, tỉnh, các cơ quan thanh tra chuyên ngành tài chính...

Theo ông Hồ Tất Thắng - phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, đây có thể coi là giải pháp “rắn tay” của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng cần ủng hộ. Không thể để ai cũng biết bất hợp lý mà không làm gì được, các doanh nghiệp sữa duy trì sự bất hợp lý để móc túi người tiêu dùng mãi nên đây là thời điểm phù hợp để hành động kéo giá sữa, đặc biệt là sữa ngoại xuống. Khi các quy định về Luật cạnh tranh không thể khám phá việc gửi giá ở nước ngoài thì việc áp giá trần, dựa trên giá bán loại sữa tương tự, sau khi đã cộng trừ các yếu tố khác biệt, theo ông Thắng, là hợp lý để người tiêu dùng VN không phải trả gấp đôi, gấp ba lần so với các nước trong khu vực cho cùng một loại sữa.

CẦM VĂN KÌNH

* Ông Phạm Ngọc Châu (giám đốc Công ty Hanco Food):

Xây dựng giá trần, không đơn giản

Quy định mức giá tối đa cho mặt hàng sữa bột và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa không được bán cao hơn mức giá này là không mang tính khả thi. Một công ty sữa thông thường có đến hàng chục chủng loại sữa cùng nhiều dòng khác nhau, để ra một mức trần cho giá sữa không hề đơn giản. Trong dự thảo không đề cập thời hạn đăng ký giá trần là bao lâu và điều kiện nào để điều chỉnh mức giá trần cho sản phẩm sữa bột. Trong khi nguyên liệu sữa hoàn toàn nhập khẩu, giá biến động theo tháng, chỉ cần điều chỉnh mức trần không kịp thời thì doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi.

* Bà Nguyễn Thị Lan Hương (giám đốc Công ty Nutifood):

Tự ra bài toán khó

Doanh nghiệp chúng tôi không quan tâm nhiều về quy định này vì bản thân giá bán các sản phẩm sữa của công ty sữa VN đã rất thấp. Tuy nhiên, theo tôi, việc đưa ra mức giá trần cho các sản phẩm sữa là không hề dễ dàng. Mỗi hãng sữa đều có cơ cấu giá thành sản phẩm khác nhau dựa trên nguồn nguyên liệu, giá nhân công, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy mô sản xuất, tổ chức nhân sự, hệ thống phân phối, bán hàng... Vì vậy, quy định mức giá tối đa cho mỗi nhãn sữa chẳng khác gì cơ quan quản lý đang tự ra cho mình bài toán khó. Trong kinh doanh, chúng tôi luôn mong được bán nhiều hơn bán giá cao. Nên chăng để bàn tay thị trường tự điều chỉnh.

Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên