Phóng to |
Các bà, các chị trong đoàn Tâm Chánh chuẩn bị bữa ăn |
Từ những thơm thảo
Đó là quán chay Tâm Chánh của đoàn phật tử Tâm Chánh chùa Pháp Lâm (Đà Nẵng). Quán nằm trong một hẻm nhỏ ở lô 20-21 Triệu Nữ Vương nhưng hôm nào cũng đông ngợp những người lao động nghèo tới đây ăn.
Ý tưởng mở quán cơm đặc biệt này là của bà Nguyễn Thị Hường - trưởng đoàn Tâm Chánh. “Ngày đó, tôi chứng kiến một người bán vé số móc hết tiền mà vẫn không đủ trả cho bữa cơm. Thế là tôi về bàn với chị em chung tay mở quán cơm giúp người nghèo một bữa no. Vậy mà đến nay, quán đã duy trì được hơn năm năm” - bà Hường nhớ lại.
Ban đầu quán mượn mặt tiền của một công ty ở số 115 đường Hoàng Văn Thụ để thuận tiện cho người qua lại, mỗi tháng quán bán miễn phí 10 ngày, các ngày còn lại chỉ lấy 2.000 đồng/suất ăn. Bà Hường kể: “Lúc đầu cũng khó khăn lắm. Tôi với các chị em trong đoàn phải chật vật đi kêu gọi các nhà hảo tâm. Rồi cứ đầu tháng đi chợ hết bao nhiêu ghi nợ, cuối tháng thiếu thì chị em lại chung nhau bù lỗ”.
Quán có ba người phục vụ là chị Sen, cô Nhung, cô Tâm nhưng quân số lúc nào cũng trên năm người bởi bà Bốn, cô Tỳ, cô Hoa, chị Thu... luôn thay phiên nhau có mặt mỗi khi cần. Để giảm thiểu chi phí, các thành viên trong đoàn còn chịu khó “phi” xe tận chợ đầu mối Hòa Cường vào sáng sớm để mua đồ giá rẻ, hay tận dụng “quà biếu” từ các hàng rau trong chợ. Cứ thế, ai có công góp công, có của góp của, không thì góp dầu, mè, mì chính... để làm nên bữa cơm cho người lao động nghèo.
Nhìn quán ăn sạch sẽ, những khay đầy ắp thức ăn được chế biến công phu nào là đậu khuôn bóp, cà tím chiên, nụ chuối kho, mì xào nấm... thật khó có ai dám nghĩ đối tượng chính ở đây là người lao động nghèo. Cô Nhung - phụ trách nấu ăn chính ở đây cho biết: “Hôm nào chúng tôi cũng phải nấu 8-9 món, thay đổi khẩu vị thường xuyên để giúp khách ăn ngon miệng và không mặc cảm quán cơm tình thương”.
Có vị khách ăn bận lịch sự tới quán, ăn xong rút ví bỏ vào chiếc hộp đựng tiền 5.000 đồng, sau đó quay sang thùng Phước Sương bỏ tiếp 50.000 đồng. Chị Sen cười bảo: “Khách của tui không chỉ có những người nghèo đâu, nhiều người đi xe tay ga vẫn vào ăn cơm rồi góp tiền, tùy hỷ công đức mà chú”. Cũng có vị khách nọ vô tình lạc vào quán, ăn xong nghe nói 5.000 đồng giật mình, “phát tâm” từ thiện bao luôn cho các thực khách có mặt trong quán.
Cứ thế những đĩa cơm đầy ắp, tiếng bước chân sột soạt đi lấy thêm thức ăn, tiếng cười đùa cùng những câu chuyện mưu sinh trên muôn nẻo đường phố vang lên.
Chỗ dựa của người nghèo
Thực khách chủ yếu ở đây là những chị em bán vé số, buôn ve chai, hay những người làm cửu vạn, những bạn sinh viên nghèo... Quán chỉ mở vào buổi trưa, mỗi tháng nghỉ ngày mùng 2 và 16. Trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 200 suất ăn, những ngày rằm, mùng 1 thì lên tới 250-300 suất.
Anh Nguyễn Chí Linh (31 tuổi, quê Núi Thành, Quảng Nam) là người khuyết tật bán vé số cho hay: “Dù phải lăn xe từ bên kia cầu sông Hàn qua đây ăn cơm nhưng không trưa nào quán mở mà tôi vắng mặt cả”. Một khách ruột khác của quán là anh Thanh (quê ở Thanh Hóa, làm nghề bốc vác thuê ở chợ Cồn) cho biết thu nhập của anh mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Ăn cơm ở quán ngoài việc được ăn no “thả ga”, anh còn tiết kiệm mỗi tháng được hơn 300.000 đồng gửi về nuôi con.
Còn chị Phạm Thị Thanh Tâm (quê ở Quy Nhơn, ra đây bán vé số nuôi con học đại học) kể: “Nhiều bữa không bán được, muốn mua hộp cơm ăn cho ấm bụng nhưng cũng không dám nên phải cầm hơi bằng mì tôm sống hoặc nhai bánh mì. Từ ngày biết đến quán tôi không sợ bữa đói bữa no nữa. Dù chỉ 5.000 đồng thôi nhưng bữa nào ăn cũng đủ, lại còn ngon nữa”. Không riêng chị Tâm, nhiều mảnh đời khó khăn khác cũng tìm tới quán và mua thêm một hộp cơm mang về để dành cho bữa tối.
Có thể nói, đây chính là nơi để sau một buổi lao động vất vả mệt nhọc, các chị em bán vé số, ve chai có thể yên tâm vui vẻ trò chuyện.
5.000 đồng ở thành phố có thể chỉ đủ uống hai ly trà đá, nhưng 5.000 đồng cũng có thể làm nên một bữa cơm no bụng cho người nghèo. Tất cả, chỉ cần có tấm lòng...
Áo Trắng số 14 ra ngày 01/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận