Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh trong chuyến thăm hai học trò của mình đang du học tại Nhật Bản - Ảnh NVCC |
Vào mùa thi này, thầy Nguyễn Thế Vinh ngày đêm chăm lo bài vở cho lứa học sinh thứ tám của trường Hướng Dương (Bến Cát, Bình Dương).
Thầy trò trường Hướng Dương cũng vừa hoàn thành kì thi THPT quốc gia 2017.
* 31 du học sinh ở Nhật, 1 du học sinh ở Úc và 1 du học sinh ở Mỹ, vậy là những cánh chim đầu đàn của Hướng Dương đã được Nguyễn Thế Vinh chắp cánh bay đến những chân trời mới. Và rồi các em có trở về mái ấm không anh?
- Một năm các em có về Việt Nam khoảng một đến hai lần. Em nào cuộc sống rủng rỉnh chút đỉnh nhờ có học bổng, biết tiết kiệm thì về nhiều hơn, nhưng có em tới bốn năm mới về một lần.
Tôi thường xuyên tâm sự với các em để động viên tinh thần, hướng dẫn đường hướng học tập làm việc sao cho khoa học, hiệu quả.
Tôi tạo cho các em một quỹ nho nhỏ, hàng tháng chi tiêu bao nhiêu còn dư chút ít thì đóng góp vào đó, để giúp đỡ những cánh chim Hướng Dương thế hệ sau được cất cánh, cũng như phải biết phòng những rủi ro.
* Hình như thầy giáo Nguyễn Thế Vinh cũng hà khắc khi còn dùng đến phương pháp giáo dục bằng đòn roi?
- Cực chẳng đã tôi mới sử dụng phương pháp đòn roi. Một năm tôi đánh học trò một, hai lần, nhưng đánh một lần là nhớ suốt đời.
Trường Hướng Dương bên cạnh học trò nghèo khó, còn có những đứa bỏ học trốn nhà đi bụi, đứa chơi bời lêu lổng, hư hỏng gia đình trị không nổi, tôi mới gom về đây để răn dạy cho biết đúng biết sai.
Tuổi 13, 14 của các em ngang bướng, ương ngạnh kinh khủng. Đối với mỗi sự vụ xảy ở Hướng Dương, sau khi phân giải, các em nhận tội, tôi mới hỏi ‘bây giờ muốn ăn đòn hay muốn về nhà?
Đứa nào chọn ăn đòn thì tôi đánh đau cho nhớ, rồi ở lại trường học. Có đứa ương bướng đòi về chứ không chịu đòn.
Về một thời gian rồi có đứa tới xin tôi học tiếp vì thấm thía mùi đời. Có đứa thấy thoải mái với việc kiếm tiền nên nghỉ. Dẫu vậy thầy trò vẫn còn giữ liên lạc, bọn nhỏ chẳng ghét hận gì tôi.
Mỗi lần sử dụng roi hay quyết định cho các em về nhà, tôi đều gọi điện hỏi sơ, linh mục ở nhà thờ để nghe tư vấn. Nuôi một hai đứa con sẽ khác nuôi một tập thể trẻ tuổi dậy thì. Chắc chắn phải có kỉ cương, kỉ luật, thưởng phạt nghiêm túc để duy trì nền nếp.
Nguyễn Thế Vinh được khán giả biết đến với khả năng vừa chơi đàn guitar vừa thổi harmonica - Ảnh NVCC |
* Và mùa hè này anh dự định chiêu mộ học sinh vào trường Hướng Dương như thế nào?
- Tháng 7 này tôi bắt đầu đi chiêu mộ tầm 20 em khuyết tật ở cấp tiểu học. Trước kia tôi có ưu tiên dành chỗ làm ở Hướng Dương cho các bạn khuyết tật.
Nhưng ngặt nỗi, các em ở nhà được cha mẹ nuông chiều nghĩ là bù đắp cho những khiếm khuyết của con, nên đâm ra ở các em có sự ỉ lại, khó khăn một chút là đòi bỏ về.
Nên tôi muốn răn dạy uốn nắn các em khuyết tật từ nhỏ, dạy cho các em hiểu về cuộc sống người khuyết tật càng cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
* Các em ở Hướng Dương đa phần có cuộc sống khó khăn nên đôi khi các em không biết đúng biết sai, chỉ làm theo bản năng. Tuổi trẻ của Nguyễn Thế Vinh cũng đầy cạm bẫy, anh từng tiếp xúc với giang hồ thậm chí cắn thuốc lắc trong vũ trường đấy thôi?
- Thời trẻ, tôi dùng ma túy nhưng không để mình bị nghiện. Là vì tôi muốn kéo những đứa bạn ra khỏi con đường nghiệp ngập đó, bởi ba má họ đã rất đau khổ.
Muốn vậy chẳng còn cách nào khác ngoài việc hiểu, trải nghiệm, và đồng cảm với bọn bạn để thức tỉnh tụi nó. Phải thực sự bản lĩnh mới làm được điều này.
Tôi hiểu cảm giác của người làm cha làm mẹ ở Việt Nam, chỉ cần thả con ra đường là nơm nớp sợ bọn trẻ bị nhiễm thói xấu. Đó là cảm giác của sự giành giựt con từ muôn vàn cạm bẫy ngoài đời.
Đã có những phút giây tôi rất mệt mỏi...
* Nhưng rồi Nguyễn Thế Vinh vẫn tiếp tục đi, anh vẫn bận rộn không ngơi trong khi Hướng Dương đã phần nào ổn định? Những ai đã đồng hành cùng anh trên chặng đường đó?
- Tôi rất vui vì Hướng Dương đã ổn định tài chính nhưng không phải là đủ. Nuôi một đứa trẻ từ cấp tiểu học lên trung học phổ thông phải tính toán cho thật bền vững để không gãy gánh giữa đường.
Tôi vẫn đi biểu diễn, đi tìm mạnh thường quân, đi chiêu mộ thí sinh... Lứa học sinh này vừa uốn nắn vào khuôn phép đã tới lúc ra trường, lứa khác vào tôi bắt đầu lại với bài học vở lòng.
Tôi vô cùng biết ơn những người đồng hành cùng mình trên hành trình qua. Tôi biết ơn cả những cô giáo, thầy giáo đã đến với Hướng Dương bằng trái tim yêu thương, cũng vì chịu không nổi trò quậy phá của tụi học trò nên đã ra đi...
Mới đây, Nguyễn Thế Vinh có dịp giới thiệu cuốn tự truyện về cuộc đời mình - Ông giáo làng trên tầng gác mái. Cuốn sách gần 350 trang, được chia thành 14 chương, người đọc có thể cảm nhận được cái nhìn lạc quan, nhẹ nhàng của Vinh trong từng sự kiện anh bước qua. Cuộc đời Nguyễn Thế Vinh như một chuyến tàu nhiều sóng gió nhưng cũng thật đẹp. Qua mỗi toa tàu kinh nghiệm và thông điệp sống của Vinh được chuyển tải đến độc giả nhiều hơn nhờ giọng văn tự sự nhẹ nhàng của người chấp bút Nguyễn Thị Việt Hà. Ở toa tàu tuổi thơ người đọc sẽ đau cùng nỗi đau mất cha mẹ, phải mất cánh tay phải khi mới lên 9 tuổi. Ở toa tàu sinh viên, bên cạnh hình ảnh thư sinh độc giả còn thấy Vinh gan lì khi cắn thuốc lắc trong vũ trường. Vinh chia sẻ cùng bạn những nhọc nhằn khi quản lý tập thể những đứa trẻ tuổi ẩm ương. Hay Vinh sẽ thủ thỉ bạn nghe về mối tình thầm lặng với những bóng hồng trong tim anh... Tuy nhiên, Nguyễn Thế Vinh vẫn còn dè chừng khi chia sẻ về cuộc đời mình. Anh tâm sự: “Có một chương trong cuộc đời tôi rất bi thảm, mà khi tham khảo ý kiến bạn bè thì họ khuyên chưa nên đưa ra, để sau này có lẽ khi về già tôi cho mọi người biết sẽ ổn hơn. Đó là giai đoạn đối lập với những gì tôi có hiện tại. Có lẽ mười mấy năm nữa, khi tôi đủ già, khi mọi người yêu thương tôi đủ nhiều để có thể thấu cảm cho tôi, tôi sẽ kể cho độc giả nghe”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận