23/12/2012 07:33 GMT+7

"Quà Noel nên là một cuốn sách"

DƯƠNG HẰNG (thực hiện)
DƯƠNG HẰNG (thực hiện)

AT - Nhà văn - nhà báo Trang Hạ tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, khoa tiếng Trung, năm 1996.

Trang Hạ từng là một cây bút viết truyện ngắn nổi đình đám của hội bút “Hương đầu mùa” báo Hoa Học Trò thập niên 1990. Chị từng đoạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh 1993, Văn học Tuổi hai mươi 1995. Các tác phẩm của chị: Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử, Chuyện kể dưới ngọn đèn đường, Đàn bà ba mươi... Dịch truyện tiếng Trung: Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Mẹ điên...

lvIXJjOt.jpgPhóng to

Bài đăng báo lần đầu tiên của chị là tản văn trên tập san Áo Trắng. Kỷ niệm của chị về tản văn đó?

- Nhà văn Trang Hạ: Năm 17 tuổi, mình được đăng tản văn Tiếng mưa trên Áo Trắng số tháng 7-1992, đó là bài viết đầu tiên của mình được đăng báo, chừng 700 chữ. Trước đó, mình đã gửi nhiều bản thảo cho mọi tờ báo tuổi học trò như Mực Tím, Hoa Học Trò, Tuổi Xanh... nhưng đều không đủ chất lượng để các báo sử dụng. Thậm chí mình còn sáng tác nhiều bài hát, nhiều thơ, kịch nói, chụp ảnh phong cảnh dự thi... gửi đi khắp nơi mà chưa từng được hồi âm một kết quả nào. Nên tờ Áo Trắng hiếm hoi mua được ở Hà Nội khi đó trở thành tờ báo quý báu nhất đời mình.

Bền bỉ gửi bài mãi và không ngừng sáng tác là hai việc rất quan trọng, giúp một cô học trò viết nghiệp dư 17 tuổi trở thành một người viết chuyên nghiệp như mình hôm nay.

* Trang Hạ của thuở “Hương đầu mùa” và “Gia đình Áo Trắng” với Trang Hạ ngày hôm nay có gì khác biệt?

- Mới cầm bút, ai cũng viết tràn đầy cảm xúc ngọt ngào lãng mạn. Sau khi cạn cảm xúc, chúng ta thường bế tắc. Giai đoạn viết bằng tâm tưởng và xúc cảm đó trong thời “Hương đầu mùa”, “Gia đình Áo Trắng” giúp mình chinh phục được đông đảo độc giả tuổi học trò, lứa 18-20. Nhưng khi Trang Hạ đi quá tuổi 20, sự hoài nghi và bế tắc trong sáng tác khiến mình chững lại mất 7-8 năm, hoàn toàn không viết gì.

Bây giờ, Trang Hạ viết văn không hư cấu như ngày xưa nữa. Mà ngược lại, viết những trải nghiệm thật, góc nhìn trực diện với cuộc sống thật. Nhưng hình như càng viết “đời hơn”, mình càng có nhiều độc giả quan tâm hơn. Những góc nhìn trần trụi chua chát nhưng lại thực tế khiến độc giả thích đọc Trang Hạ hơn đọc những trang văn thơ mộng ngày xưa.

* Chị có viết về Giáng sinh không? Tác phẩm nào viết về Giáng sinh khiến chị nhớ nhất?

- Mình không quan tâm tới Giáng sinh hay bất kỳ lễ lạt kỷ niệm nào quanh năm. Vì mỗi sáng sớm ngủ dậy, sau khi làm hết những việc lặt vặt trong gia đình, ngồi vào bàn viết với tách cà phê nóng, mình lại thấy vui sướng vì có thời gian để đọc sách và để viết văn, như bắt đầu dự một lễ hội vui vẻ trong tâm hồn mình. Y như trong tình yêu, ngày nào cũng có thể là bắt đầu một tình yêu mới, hay chia tay người yêu đã không còn yêu, mà không cần nhân danh một thánh lễ nào.

Nhưng nếu Giáng sinh là cái cớ để bạn trẻ hi vọng vào tình yêu, niềm vui sướng, những quà tặng nhân gian, thì mình chỉ cho bạn một điều này nhé: Hãy mua tặng bản thân bạn một cuốn sách vào dịp Noel. Hoặc mua tặng bạn bè. Đó là thứ quà duy nhất không mất giá, mà sau mỗi năm nhìn lại, bạn sẽ lại thấy món quà năm cũ ấy đến năm nay lại đáng giá hơn!

* Đọc truyện của chị, có thể thấy chị là một phụ nữ viết về chính giới mình. Điều gì thôi thúc chị nhất khi viết về thế giới “rất đàn bà” ấy?

- Ở Việt Nam chưa xuất hiện nhà văn nữ viết về tâm lý phụ nữ. Thường nhà văn sẽ quan tâm tới tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết. Còn những tạp bút, tản văn, chuyên đề tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình, ly hôn, mất trinh, nuôi con... không được người Việt Nam liệt vào tác phẩm dạng văn học. Nhiều nhà văn và nhà phê bình văn học còn cho rằng viết tạp bút sẽ làm hại danh tiếng của nhà văn. Còn mình, thì mình tin rằng những tản văn “đàn bà đích thực” sẽ xây dựng được thương hiệu văn chương độc đáo của riêng Trang Hạ.

Nhiều người gọi Trang Hạ là nhà văn nữ, nhiều người lại gọi Trang Hạ là nhà báo. Cả hai cách gọi đó đều đúng. Chính xác hơn, có lẽ phải gọi là nhà văn chuyên mục tạp chí (Columnist) và nhà văn viết về mối quan hệ hai giới nam và nữ (chứ không phải viết về... quan hệ nam nữ, gọi lịch sự là sex).

* Đàn bà ba mươi là cột mốc nào của chị?

- Mình dự định dành năm năm đời mình cho đề tài phụ nữ, là giai đoạn 2008-2013. Đàn bà ba mươi là cuốn đầu tiên, với mục đích để phụ nữ không sợ tuổi tác, tự tin vào vẻ đẹp trưởng thành của bản thân. Bản thân mình tin rằng những quan điểm mình đưa ra sẽ được độc giả nữ ủng hộ, nhưng cũng không ngờ rằng sự ảnh hưởng sâu sắc và rộng đến thế của tác phẩm này. Sau cuốn sách đó, mình có xuất bản thêm sáu cuốn tạp bút và tiểu thuyết nữa về phụ nữ, cũng đều được độc giả đón nhận.

Thời gian sắp tới, mình sẽ quan tâm đến vấn đề người già và các giá trị nhân văn trong xã hội. Nên nhiều người hỏi Trang Hạ, liệu sau Đàn bà 30 sẽ có Đàn bà 40-50 chứ? Mình trả lời: “Không, sẽ là cuốn sách... đàn bà 70 yêu mình hơn cả hồi 17”!

* Chị được xem là người tiên phong cho dòng văn học mạng. Văn học mạng có điều gì cuốn hút chị đến vậy?

- Nhiều người cho rằng Trang Hạ là người tiên phong mang văn học “Ngôn tình” vào Việt Nam. Cũng có nhiều người cho biết, họ thật sự quan tâm tới văn học mạng từ khi đọc Trang Hạ. Riêng mình thì cho rằng mọi sự tấn phong đều chẳng quan trọng với mình. Những gì được đám đông chấp nhận hẳn đều có lý của nó, dù Trang Hạ có tác động hoặc thúc đẩy hay không.

Nói đơn giản thôi, dòng tiểu thuyết tình dục của đàn ông đồng tính rất thịnh hành ở châu Á, nhưng nếu Trang Hạ có mang nó vào Việt Nam tung hô, đi ngược lại các giá trị nhân sinh ở Việt Nam thì chắc cũng chẳng độc giả nào ủng hộ.

* Xin cảm ơn chị.

QQgSb05c.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

DƯƠNG HẰNG (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trang Hạ