![]() |
Minh họa: Đinh Tiến Luyện |
Tôi cười thầm dù gì thì ở thành phố này cũng còn chỗ để những thằng sinh viên nghèo như tôi trốn nóng. Không phải hay sao? Sinh viên mà. Ở phòng lắp máy lạnh họa chỉ có các chàng công tử. Quạt cũng không dám xài vì ông chủ cứ tăng giá điện vùn vụt. Hôm bữa mới ba ngàn đồng một kilôwat giờ, hôm nay đã là bốn ngàn. Cha mẹ ở quê có làm quần quật thì hằng tháng cũng chỉ gửi lên bấy nhiêu đó, có khi tụt xuống nữa. Một thằng con trai trong tháng chỉ có vỏn vẹn một triệu rưỡi đồng, tiền trọ, tiền ăn uống rồi tài liệu, sách vở , chưa kể lâu lâu phải rủ tụi bạn đi uống nước vì không lẽ cứ để tụi nó dẫn đi hoài.
Tôi cũng đã đi làm thêm. Có tiền thật đấy nhưng lên lớp bao giờ cũng ngủ gà ngủ gật, bài vở thì bỏ bê. Tiền làm ra toàn phải đóng tiền học lại, thi lại. Thế là nghỉ làm. Nhiều khi ngồi buồn buồn thấy mình cũng vô dụng. Đã là thằng sinh viên báo chí năm 2 rồi mà vẫn chưa làm nên trò trống gì. Ngòi bút vẫn trơ ra, vẫn đơn thuần là thứ công cụ để chép bài, rồi vẽ hươu vẽ vượn mỗi khi chán học. Tôi cũng đã rong ruổi khắp nẻo đường, chịu khó rèn ngòi viết nhưng mỗi lần cầm bút là đầu óc lại trắng tinh. Hoặc có khi viết xong đọc lại thấy sao dở tệ. Thế là chán đâm ra lười viết.
Mải nghĩ, tôi đến công viên tự lúc nào. Hôm nay công viên đông hơn mọi khi, có lẽ do nóng. Trong ý nghĩ của tôi công viên này hệt như một xã hội thu nhỏ, đủ mọi thành phần. Có những người đạp xích lô, những người nhặt ve chai. Một vài ông già, bà cả ẵm cháu. Lẫn trong đó có một vài cô là "gà” và các nàng, các chàng ăn bận lịch sự làm ở một công ty gần đấy. Hình như tất cả đều tranh thủ hít thở không khí - tạm thời xếp vào cụm từ "không khí trong lành" - giữa thành phố đầy những âm thanh hỗn tạp của người, xe, tiếng ồn và cả khói bụi.
Vẫn còn một ghế đá trống. Tôi nhanh chân tiến lại và ngồi xuống. Kể ra cũng thoải mái nhưng không thích bằng ngồi ở ghế đá quen thuộc. Chỗ ấy thật lý tưởng để ngồi suy tư, thêm tàn cây phượng trên đầu nữa chứ. Nhưng hôm nay chỗ ấy đã có người ngồi, một đôi nam nữ hình như còn đang học phổ thông. Chiếc váy xanh của cô gái và áo sơ mi trắng của chàng trai cho phép tôi nghĩ vậy. Họ đang hôn nhau.
Nghĩ cũng lạ, hồi bằng tuổi họ tôi đâu được dạn dĩ như thế. Lúc là thằng sinh viên năm 1, nắm tay bạn gái tôi còn không dám, huống hồ bây giờ giữa thanh thiên bạch nhật, bao nhiêu người qua lại, cả những em bé chốc chốc rời tay ông bà chạy ngang qua, vậy mà họ vẫn âu yếm nhau như thường. Một nụ hôn đầy khói bụi. Tôi thầm nghĩ thế. Rời mắt khỏi họ bất giác ngước lên cao. Một chùm phượng đang trổ những cánh hoa đỏ rực trong nắng...
- Anh ơi, hái cho em chùm hoa đó đi - cô bé nũng nịu.
- Cao quá sao anh hái được - cậu bé trả lời.
- Nhưng em thích mà, anh hái cho em đi. Rồi em thương anh nhất!
Cậu bé dường như không thể cầm lòng trước những lời dễ thương phát ra từ đôi môi xinh cũng dễ thương hệt như giọng nói nên trả lời:
- Được rồi, em đứng đấy, giữ dép cho anh nhé!
Cô bé reo lên sung sướng. Rồi khi cậu bé đặt vào tay cô bé một chùm hoa đỏ thắm, đôi môi kia lại không ngừng ríu rít hai tiếng cảm ơn.
- Anh ơi, cúi xuống em nói nhỏ nè!
Cậu bé cúi xuống. Cô bé bất ngờ đặt lên má cậu một nụ hôn.
- Cảm ơn anh nha. Em không có tiền mua kẹo cho anh Hai nên hun anh Hai để cảm ơn anh đó.
Đó là nụ hôn đầu tiên mà tôi nhận được từ một người khác giới, em gái tôi. Khi ấy chúng tôi còn nhỏ, vậy mà cũng đã hơn mười năm rồi. Bây giờ nghĩ lại thấy đáng yêu quá chừng. Sau này khi có người yêu, có lẽ nhát quá nên tôi chẳng dám "động môi" nàng, chỉ dám cầm tay. Rồi sau đó một thời gian nàng đề nghị chia tay. Có lẽ vì tôi không biết hôn hoặc nàng nhận thấy chúng tôi không hợp nhau. Ừ thì chia tay, nàng đã muốn vậy thì tôi còn biết làm gì hơn. Thế là cái thằng tôi vẫn cô đơn đến giờ.
Tôi nhớ hồi học cấp III, tôi không học ở huyện nhà mà chuyển xuống học ở tỉnh theo diện ưu tiên, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Em gái đã vào lớp 6. Từ ngày tôi học xa nhà hầu như tuần nào cũng nhận được thư của nó. Lúc còn học ở huyện, trong vở của tôi bao giờ cũng có "bút tích" của em gái, đó là hình một con bướm được tô màu đỏ thắm. Nó bảo vì con bướm được làm từ cánh phượng nên mới có màu đỏ như vậy. Và giờ mỗi lá thư thì lá nào cũng vẽ hình một con bướm như thế. Đúng là em gái tôi.
Mùa hè năm cuối cấp tôi bận ôn thi đến nỗi không để ý ngoài kia phượng đã nở đỏ rực. Tôi vẫn đều đặn nhận thư của em gái nhưng ngập trong bài vở nên tôi không mở thư ra xem, cũng chẳng hồi âm.
Một tháng trước khi bước vào kỳ thi cuối cấp, mẹ xuống tận trường bảo tôi về nhà. Tôi thấy mẹ như gầy xọp đi, mắt thâm quầng. Vơ vội vài cái áo, cái quần nhét đại vào giỏ, tôi lên xe về nhà cùng mẹ. Ít hôm sau tôi trở lại trường. Mở những lá thư chưa kịp đọc tôi òa lên nức nở. Lũ bạn cùng phòng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Những bức thư em gái tôi gửi bức nào cũng kèm theo một cánh bướm làm từ hoa phượng, kèm theo đó nó luôn động viên anh Hai là tôi đây thi tốt. Nó viết: "Em mong anh Hai bài thi nào cũng đạt điểm 10 đỏ như những cánh bướm mà em vẽ trên mỗi bao thư. Thân bướm là số 1, hai cánh là hai số 0 ghép lại ra điểm 10, dù anh Hai có xoay trái, xoay phải, xem thuận hay xem ngược thì đều là điểm 10". Tôi ôm những lá thư vào lòng. Khuôn mặt đẫm nước mắt. Tôi hình dung ra ngày em gái tôi hớn hở mang lá thư ra bưu điện để gửi cho tôi. Em qua đường, một chiếc xe đang lao tới, rất nhanh. Em ngã xuống, đôi tay vẫn giữ chặt lá thư, trên bao thư là hình một con bướm đỏ thắm...
Mưa. Sài Gòn lại mưa, những cơn mưa bất chợt. Đôi trai gái đã thôi hôn nhau, họ đang tìm chỗ trú mưa. Công viên thưa dần. Tôi rời ghế. Phố xá vẫn ngập trong mớ âm thanh hỗn tạp và nước mưa. Nhưng chùm phượng trên cao kia vẫn đỏ. Đỏ như những con bướm phượng của em gái tôi...
Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-5-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận