01/02/2008 11:00 GMT+7

Phục hồi đàn Xã Tắc ở Huế

PHAN THANH HẢI
PHAN THANH HẢI

TTCT - Câu chuyện về đàn Xã Tắc ở Huế càng trở nên “nóng” hơn khi thủ đô Hà Nội cũng phát hiện và quyết tâm bảo tồn đàn Xã Tắc của hoàng thành Thăng Long. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập dự án trùng tu và phục hồi nghi lễ tế ở đàn Xã Tắc dưới thời Nguyễn.

OxJn423u.jpgPhóng to
Hiện trạng đàn Xã Tắc chỉ còn vùng “lõi” nhỏ với tấm bia “Thái Xã Chi Thần”
TTCT - Câu chuyện về đàn Xã Tắc ở Huế càng trở nên “nóng” hơn khi thủ đô Hà Nội cũng phát hiện và quyết tâm bảo tồn đàn Xã Tắc của hoàng thành Thăng Long. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập dự án trùng tu và phục hồi nghi lễ tế ở đàn Xã Tắc dưới thời Nguyễn.

Đàn Xã Tắc hiện nay nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế, trong ô phố giới hạn bởi các đường: Ngô Thời Nhiệm (phía bắc), Trần Nguyên Hãn (phía nam), Trần Nguyên Đán (phía đông), Nguyễn Cư Trinh (phía tây). Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời Gia Long tháng 4-1806 để tế cúng thần đất và thần ngũ cốc. Triều đình huy động tất cả dinh trấn trong cả nước đều phải cống đất sạch để đắp đàn.

Trước năm 1945, cùng với đàn Nam Giao và các miếu tổ trong hoàng thành, công trình này luôn được xem là những “miếu đàn” trọng yếu của triều Nguyễn. Sau khi triều Nguyễn sụp đổ, đàn Xã Tắc đã xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng, đến nay gần như đang trong tình trạng hoang phế.

Năm 2006, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ và đề nghị xếp hạng di tích quốc gia cho đàn Xã Tắc, đồng thời tiến hành dựng biển công khai qui hoạch cho di tích này.

SD86BWis.jpgPhóng to
Đàn Sơn Xuyên còn lại ở mặt bắc
Đàn Xã Tắc đã được đắp dựng với qui mô tương đối lớn. Đàn gồm hai tầng, đều hình vuông, tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m, mặt nền tô năm màu theo ngũ phương (chính giữa màu vàng, nam màu đỏ, bắc màu đen, tây màu trắng, đông màu xanh). Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều có xây lan can gạch, cao hơn 90cm; lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh. Mở cửa ở ba mặt: bắc, tây và đông. Trước đàn có đào hồ vuông làm minh đường.

Sau khi đàn Xã Tắc được xây dựng xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn này. Ý nghĩa của việc tế lễ đàn Xã Tắc cũng quan trọng không kém việc tế ở đàn Nam Giao và cùng được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự). Theo qui định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn nói chung đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.

Sau năm 1945, đàn Xã Tắc không còn được sử dụng đúng như chức năng vốn có. Đến những năm 1970-1974, mặt bằng của khu vực đàn Xã Tắc được sử dụng làm khu gia binh trực thuộc sự quản lý của quân đội Sài Gòn. Kể từ thời điểm này, hầu hết phần đất từ vòng thành thứ hai đến la thành ngoại được trưng dụng làm nhà ở. Sau năm 1975, chính quyền mới trưng dụng khu gia binh trên, đồng thời cho xây thêm một số dãy nhà mới làm khu ở tập thể cho cán bộ công nhân viên nhà nước. Đến nay, trong khu tập thể này có hơn 40 dãy nhà với khoảng 500 hộ đang cư trú.

ELXw7YpV.jpgPhóng to
Mô hình tổng thể đàn Sơn Xuyên
Từ sau năm 1975 đến nay, di tích đàn Xã Tắc không được bảo quản và tu bổ. Kiến trúc xuống cấp, nhiều hiện vật không được bảo quản dẫn đến bị hủy hoại và thất lạc. Nay trên nền đàn chỉ còn tấm bia đá “Thái Xã Chi Thần” đứng trơ trọi.

Việc nghiên cứu phục hồi tổng thể đàn Xã Tắc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do phải giải tỏa một lượng dân cư đông đảo sống trong khu vực di tích. Tuy nhiên, công tác trùng tu sẽ gặp khá nhiều thuận lợi do chúng ta còn giữ được nhiều tư liệu thư tịch, hình ảnh... Một số thành tố kiến trúc quan trọng như bình phong hậu, hồ nước, bia “Thái Xã Chi Thần”, nền móng đàn... vẫn còn tồn tại. Khó khăn lớn nhất chính là việc nghiên cứu trùng tu đàn tế chính.

Đàn tế nằm ở vị trí trung tâm của tổng thể kiến trúc, vốn xưa gồm hai tầng, hình vuông nhưng nay chỉ còn là một gò đất có dạng hình thoi, cao khoảng 1,5m, dài 80m, rộng 22m, nằm ở vị trí trung tâm của con đường nối từ bờ tây của hồ Xã Tắc đến bình phong hậu, có tên là đường Xã Tắc. Mọi dấu vết kiến trúc của khu vực đàn tế cũng như các lan can và tường thành bảo vệ hầu hết đã không còn, ngoại trừ một số gạch và đá cổ nằm rải rác quanh gò đất.

Vậy chúng ta sẽ trùng tu, phục hồi hai tầng đàn tế dựa trên khuôn mẫu nào?

zmUxaHK2.jpgPhóng to
Sơ đồ tổng thể đàn Xã Tắc
Rồi đây công tác thám sát khảo cổ học sẽ đưa lại nhiều thông tin chính xác về phạm vi, kết cấu kiến trúc của đàn Xã Tắc, nhưng việc trùng tu, phục hồi sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu khuôn mẫu thực tế.

Thật may mắn vì chúng ta vẫn còn một mẫu đàn tế rất giống đàn Xã Tắc! Đàn tế này hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, lại nằm ngay trên địa bàn thành phố Huế nên lại càng thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tham khảo.

Đó chính là đàn Sơn Xuyên của phủ Thừa Thiên, được xây dựng dưới thời Nguyễn. Đây là nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của đất Thừa Thiên xưa. Đàn được xây dựng vào năm 1852, thời vua Tự Đức. Việc xây dựng đàn được triều Nguyễn giao Bộ Công trực tiếp phụ trách. Điều quan trọng là di tích này được dựng theo khuôn mẫu của đàn Xã Tắc.

Đàn Sơn Xuyên hiện nay nằm trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc (245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế). Đàn tế này gần như đã bị quên lãng và đến nay vẫn chưa có cơ quan nào quản lý, ngoại trừ sự chăm sóc tự phát của các thầy cô giáo trong trường. Dẫu vậy, nếu so với những gì mà Quốc sử quán mô tả thì đàn tế này vẫn còn giữ được nhiều cấu trúc cơ bản, nhất là tầng trên. Cả hai tầng của đàn Sơn Xuyên vốn đều được xây bó quanh bằng gạch vồ và đá núi, giữa đổ đất nện chặt. Tầng trên cao hơn 1m, mỗi cạnh rộng khoảng 22m; tầng dưới cao gần 0,5m, mỗi cạnh dài khoảng 45m. Kích thước trên tuy nhỏ hơn nhưng về tỉ lệ giữa các tầng đàn thì khá giống đàn Xã Tắc.

Như vậy, đàn Sơn Xuyên sẽ là khuôn mẫu rất tốt để chúng ta nghiên cứu phục hồi đàn Xã Tắc. Ngoài ra, còn có thể tham khảo thêm hình ảnh tư liệu về đàn Tiên Nông, một đàn tế do triều Nguyễn xây dựng bên cạnh Tịch Điền (cũng nằm trong kinh thành) cũng với mục đích cầu khấn cho nông nghiệp phát triển. Đàn tế này tuy cũng không còn nhưng hình ảnh về nó khi còn nguyên vẹn vẫn được lưu trong Tập San Hội Người Yêu Huế Cổ, số 4 năm 1919.

PHAN THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên