27/02/2005 20:04 GMT+7

Phục chế pháp lam Huế: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Theo Thể Thao & Văn Hóa

Theo KTS Phùng Phu (GĐ trung tâm bảo tồn di tích cô đô Huế), trong năm 2005 sẽ tiến hành phục chế pháp lam ở Nghi Môn, cầu Trung Đạo lối vào Đại Nội và một vài chi tiết trang trí khác trong hệ thống di tích Huế.

aYsVjIJG.jpgPhóng to

Tuy nhiên dẫu cho các nhà khoa học của tỉnh đã dốc lòng gắng sức thì sản phẩm phục chế vẫn chưa được như mong đợi.

1. Kỹ thuật sản xuất pháp lam sau gần 200 năm bị mai một, đã được nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Nhân Đức (ĐH Y khoa Huế) tiến hành khôi phục. Đầu năm 2005, lần đầu tiên 21 con giống ngũ sắc, sản phẩm men pháp lam phục chế, được gắn vào tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ).

Mẫu pháp lam thử nghiệm đều tuân thủ hình dáng và kích thước của hiện vật gốc; độ dày lớp men nền trên mẫu phục chế cũng tương đương lớp men trên hiện vật gốc. Có điều độ bóng không bằng độ bóng của hiện vật gốc. Nét vẽ của các họa tiết trang trí chưa sinh động linh hoạt như ở hiện vật gốc và đôi chỗ còn có hiện tượng nhòe màu. Mặt khác, khi gắn vào tháp, nhóm chuyên gia vẫn còn giữ lại 50% men pháp lam cũ. Thành ra chưa đầy 2 tháng mà pháp lam cũ - mới đã không đồng màu, trông còn nhếch nhác.

Pháp lam vốn là kỹ thuật đắp chận hoặc khắc chìm họa tiết trên cốt đồng đỏ. Khi men tô lên, màu không lem vào nhau. Loại men này vốn là của người Trung Hoa, du nhập vào VN từ thời vua Minh Mạng (năm 1827) và được sử dụng để trang trí nội, ngoại thất. Các nghệ nhân đã sớm biết gia giảm liều lượng đậm nhạt, nóng lạnh của màu sắc đến độ tinh vi.

Từ Ngọ Môn đến Hoàng cung, chúng ta bắt gặp ở hai đầu cầu Trung Đạo, bắt qua hồ sen Thái Dịch những trụ bằng đồng hình rồng chạm mây nổi trang trí bằng pháp lam ngũ sắc và hình tượng mặt trời đỏ chói.

Trên đỉnh ngạch cửa trang trí pháp lam, người xưa đã gắn đều hai hình tròn xanh đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, chứ không phải như thực trạng chỉ một hình mặt trời bốc lửa. Do nhiều lần trùng tu về sau nên hiện nay pháp lam đã mất đi. Những "ô hộc" (ô trang trí màu) được thay bằng tôn và vẽ bằng sơn thiếu tính thẩm mỹ.

2. Từ năm 2000 đến nay Sở KHCN&MT Thừa Thiên - Huế và trung tâm bảo tồn di tích Cố đô đã thử nghiệm không ít dự án phục chế pháp lam. Thế nhưng phấn lớn đều thất bại, do chỗ không nắm được các bí quyết truyền thống, nhất là kỹ thuật pha màu và giữ màu trên lớp men lót.

Các nhà trùng tu thậm chí đã phải dùng sơn nhiều màu, vẽ các chi tiết trang trí lên những tấm tôn, thay thế cho những mảng pháp lam bị hư hỏng hay mất mát, thế nhưng chỉ sau vài mùa mưa nắng, các lớp sơn bị rửa trôi, những mảng tôn thì bị rỉ sét.

Năm 1996, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô đã cử một đoàn cán bộ đi thăm các xưởng chế tác pháp lam ở Bắc Kinh và Quảng Đông (Trung Quốc) để xúc tiến kế hoạch hợp tác phục chế pháp lam. Song kế hoạch này không thành hiện thực do phía Trung Quốc muốn giữ bí quyết. Vả lại, giá cả họ đưa ra "cao ngất trời".

Theo lời một cán bộ trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thì cho đến nay nguyên vật liệu và nguồn cung cấp men để phục chế pháp lam vẫn chưa có. Tái sinh pháp lam sau gần 200 năm thất truyền là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mọi chuyện cần phải có thời gian, cần phải được nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng chứ không nên nóng vội mà thí điểm trực tiếp lên di tích để rồi cứ sai rồi lại sửa...

* Tái sinh pháp lam Huế* Huế nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất pháp lam

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên