![]() |
Trong một giai đoạn mà cảm hứng công dân chi phối sát sườn hoạt động sáng tác, con người trong văn học cách mạng VN 1945-1975 không được nhìn nhận đúng mức ở những đặc trưng giới tính. Họ mang trong mình một phẩm chất chung xác định giá trị con người là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, thành tích cống hiến cho tập thể. Thật vô duyên nếu ai đó vì quá yêu mà gọi chị Út Tịch hay chị Sứ là phái yếu, phái đẹp! Khó có thể dùng hai chữ “hồng nhan” khi nói đến người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Trong xu hướng tìm lại con người ở những đặc trưng bản thể và khát khao trần thế, các nhà văn thời kỳ đổi mới nhìn nhận người phụ nữ nghiêng về những gì thuộc về thiên tính, thiên chức của họ. Điều này thể hiện ở ngay những danh xưng. Trước đây các nhân vật nữ trong văn học cách mạng thường được gọi bằng “chị”, bằng “cô” hoặc gọi tên một cách trân trọng. Các nhà văn hôm nay gọi người phụ nữ bằng đủ thứ danh xưng nhằm nhấn mạnh đặc trưng giới tính: phái yếu, phái đẹp, đàn bà, nàng, váy, chân dài...
Ngay ở tên tác phẩm các tác giả đã muốn lưu ý với độc giả rằng họ đang viết về phụ nữ: Đàn bà xấu thì không có quà (Y Ban), Cái bướm tung tăng (Ma Văn Kháng), Ngày cuối cùng của dâm phụ (Trần Thị Trường)... Người ta bắt đầu nói về phụ nữ nhiều ở thiên chức làm vợ, làm mẹ, ở khao khát nhục thể.
Văn học đổi mới không còn nhiều những phụ nữ sắt đá, kiên cường nữa mà thay vào đó là những con người yếu đuối, nhẹ dạ cả tin, đa cảm, đa đoan... Chính bằng sự dũng cảm thay đổi cách nhìn của mình, các nhà văn đổi mới đã tìm thấy ở phụ nữ một “công cụ” hữu hiệu để đổi mới đề tài.
Trong văn học cách mạng, đề tài gia đình cũng không được quan tâm đúng mức bởi người ta phải dành “tất cả cho tiền tuyến”. Chuyện gia đình nếu được nói đến cũng chủ yếu nhằm tạo một đòn bẩy nghệ thuật kiểu như “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Sau chiến tranh, người ta bắt đầu quay lại chăm chút cho cái tổ ấm của riêng mình. Do vậy trong văn xuôi đổi mới, gia đình trở thành một đề tài lớn, một mảnh đất được cày xới kỹ lưỡng.
Ngay từ thời kỳ đầu của đổi mới chúng ta đã thấy điều này qua Bên đường chiến tranh (Nguyễn Minh Châu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp)... Càng về sau đề tài này càng được khẳng định, nhất là trong thể loại truyện ngắn.
Sự xuất hiện của không gian gia đình trong văn học đổi mới diễn ra đồng thời với sự trở lại thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Người VN vẫn coi phụ nữ là người “tay hòm chìa khóa” để nói lên vai trò không thể thiếu của người phụ nữ trong gia đình. Cho nên nói chuyện gia đình không gì hơn là nói người phụ nữ. Nhà văn Ma Văn Kháng khi làm một cuộc đột phá vào mảng đề tài gia đình bằng tiểu thuyết nổi tiếng Mùa lá rụng trong vườn, ông gần như giao phó hoàn toàn chủ đề cho các nhân vật nữ: Phượng, Hoài, Vân, bà lang Chí, đặc biệt là Lý.
Sự thành công về mặt đề tài của tiểu thuyết này gắn liền với thành công trên phương diện xây dựng một nhân vật nữ - Lý. Thông qua Lý, nhà văn đã khái quát được nhiều biến đổi của gia đình VN, cũng như mối quan hệ gia đình và xã hội trong giai đoạn đang ngấp nghé thời kinh tế thị trường: sự suy giảm đạo đức gia đình, sự phá vỡ mô hình gia đình truyền thống, mỗi con người, mỗi gia đình cần phải sống như thế nào và xã hội cần phải quan tâm trở lại như thế nào. Phương án giải quyết chủ đề của tác giả cũng được triển khai qua sự đối lập tính cách giữa các nhân vật nữ này.
Mặt khác, khi được trả về môi trường thích hợp với bản tính của mình thì như cá gặp nước, người phụ nữ được dịp phô bày hết mình. Chính sự đa dạng, sinh động và mới mẻ của họ đã quay lại giúp nhà văn mổ xẻ đề tài một cách kỹ lưỡng. Đêm xóm Chùa của Đoàn Lê là đêm của người đàn bà ngoài 50 tuổi trằn trọc với ý nghĩ chia tay người chồng của mình sau 28 năm chung sống. Chỉ trong một đêm ấy thôi, cái tình yêu ngót 40 năm tuổi tưởng không có lý do gì để chia lìa đã chia lìa, cái gia đình đã ba thế hệ tưởng không tan vỡ nổi cũng phải tan vỡ, như chàng lực sĩ chiến thắng mọi gian khổ qua hai cuộc chiến tranh lại bỏ mạng vì vô ý xỉa răng bằng cái kim sắt gỉ.
Đêm xóm Chùa là đêm của người đàn bà ngoài 50 tuổi nằm bên chồng nhớ về người bạn trai thủa chơi đèn kéo quân, nhớ lại cảm giác sung sướng nhục thể khi cho cháu bú. Mẫu phụ nữ truyền thống suốt ngày chỉ biết bếp núc với chồng vì con dần mất cũng có nghĩa không còn kiểu hạnh phúc gia đình lâu nay vẫn được đảm bảo bởi những người phụ nữ như thế.
![]() |
Ảnh: Trần Huy Hoan |
Tính phổ biến của hành vi ngoại tình khiến cho người ta đặt câu hỏi đây có còn là một hành vi đáng phê phán nữa không. Ma Văn Kháng trong truyện Ngẫu sự có vẻ tâm đắc với ý kiến của nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại: ngoại tình chỉ chứng tỏ mặt năng động của tình yêu mà thôi.
Có thể nói không quá, trên mức độ khái quát so với văn học cách mạng, ngoại tình trở thành một đặc điểm nổi bật về mặt tính cách xã hội của người phụ nữ trong văn xuôi thời kỳ đổi mới. Đặc điểm này đã phản ánh chân thực sự phá vỡ quan niệm truyền thống về hạnh phúc gia đình cũng như tổ chức gia đình của người VN trong một thời đoạn lịch sử mới.
Khi nhìn nhận người phụ nữ ở những cái thuộc về thiên tính, các nhà văn hôm nay quan tâm vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và những nhu cầu bản năng của họ. Những “lạch đào nguyên”, những “tòa thiên nhiên” là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban cho người phụ nữ. Đây cũng là một điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ trong văn xuôi đổi mới và trong văn xuôi cách mạng. Con người nói chung và người phụ nữ nói riêng trong văn học cách mạng đều rất đẹp nhưng đó là vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp toát ra từ những phẩm chất cao quí như lòng dũng cảm, sự hi sinh...
Sự mô tả đặc trưng nữ tính về mặt cơ thể phải được hạn chế hết sức, một phần vì yếu tố tự nhiên không được quan tâm, phần vì nó gợi dục. Đây là một đoạn mô tả vào loại chi tiết nhất về cơ thể người phụ nữ trong văn xuôi cách mạng: “Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm rợp mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị” (Hòn Đất - Anh Đức).
Dễ nhận thấy khi mô tả ngoại hình nhân vật nữ, nhà văn cách mạng thường chọn mô tả mái tóc. Đây là bộ phận vừa thể hiện được vẻ đẹp nữ tính lại vừa “an toàn”. Hơn nữa mái tóc dài đối với người phụ nữ VN truyền thống đã nhuốm vẻ đẹp tinh thần và có tính tượng trưng cao.
Trong xã hội hôm nay, tóc tai không còn nhiều giá trị khu biệt về giới tính nữa. Cho nên các nhà văn quan tâm hơn đến làn da, bầu vú, cặp mông, đôi chân, những đường cong cơ thể... Ví dụ: “Chị đẹp ở mỗi chi tiết, mỗi đường nét uốn lượn và phập phồng. Hai bầu ngực chị nở bồng, tròn trịa, như buột ra khỏi cái vỏ nịt vú trắng hồng và nét soải dài mềm mại từ sườn chị dẫu còn thấp thoáng sau làn vải mỏng của chiếc quần trong đã lộ hình nét của đôi chân nuột nà và đầy đặn” (Nợ đời - Ma Văn Kháng).
Có thể nói việc khuếch trương những bộ phận đặc trưng của cơ thể nữ, bộ phận sinh dục nữ, đồng nghĩa với việc nhà văn nói chuyện tình dục. Sex vừa có nghĩa là giới tính lại vừa có nghĩa là tình dục. Tức là khi anh nói chuyện giới tính cũng có nghĩa là anh nói chuyện tình dục. Chuyện chăn gối mà không có nhân vật nữ thì tính hấp dẫn, tính hiệu quả chân thực của đề tài giảm đi rõ rệt, thậm chí bị coi là giả tạo, khiên cưỡng.
Trong văn học cách mạng, mỗi khi phải đụng đến chuyện này các nhà văn chỉ nói theo kiểu “ước lệ” của nghệ thuật Phụ nữ là... sân khấu truyền thống. Họ đưa ra một dấu hiệu nào đó để thông báo cho độc giả biết là “cơ sự” đã xảy ra chứ không đi vào chi tiết. Nhà văn đổi mới muốn chuyện tình dục là phải có thực cảnh đàn bà cởi truồng như của điện ảnh. Lê Lựu là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này.
Đây là một “xen” trong Thời xa vắng: “... Hai bàn tay nắm giữ khuy áo tưởng không thể nào cậy nổi cứ lơi lỏng mỗi khi bàn tay anh lần tới. Rồi khi Sài đang cậy cục, lúng túng với chiếc áo con căng cứng ninh ních, bàn tay cô liền ẩy ra nhưng ẩy về phía sau như mách bảo chàng trai ngốc nghếch rằng cái mấu chốt của nó ở phía ấy.
Dưới ánh trăng vàng rực rỡ, bộ ngực căng phồng lên như chỉ chực bật ra khỏi cái thân thể nõn nà của cô, cô vội khoanh hai cánh tay trước ngực, rồi lại ngoan ngoãn theo hai bàn tay của anh tẽ nó ra hai bên, hơi quay mặt để anh thỏa sức ngắm nhìn nơi thần tiên đó. Chàng học trò làng lụt vốn ít nói bỗng ngây ngất kêu lên: “Trời ơi, đẹp như tượng Phật!”.
***
Lý luận văn học khi nói đến chức năng khái quát hiện thực đời sống thường nhấn mạnh đến yếu tố tính cách như là kết tinh của môi trường sống. Cũng có thể nói những đặc trưng giới tính của nhân vật cũng là một yếu tố giúp nhà văn mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh.
Với văn học VN thời kỳ đổi mới, sự thay đổi cái nhìn nghệ thuật về người phụ nữ của nhà văn quả đã mở ra một chân trời mới không kém phần hấp dẫn mà trước đó chúng ta chưa được trông nhìn và thưởng thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận