Hỏi ra bác sĩ mới biết trước đó các bà mẹ đưa trẻ đến chơi ở những trung tâm mua sắm, siêu thị mở máy lạnh ngắt sau đó đưa trẻ về khi trời nắng chói chang. Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), kể.
Theo bác sĩ Thu Loan, chính sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng làm cơ thể trẻ thích nghi không kịp, đã giảm đề kháng cơ thể, làm trẻ mắc bệnh. Bác sĩ Thu Loan lưu ý các bậc phụ huynh không nên bật quạt máy quá mạnh, thổi thẳng vào mặt trẻ. Khi sử dụng máy lạnh tránh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài. Trời nắng nóng, trẻ dễ bị mất nước hơn nhiều so với người lớn, cần bổ sung đầy đủ nước và các chất điện giải bằng cách cho trẻ uống nước dừa, nước cam, nước trái cây. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại thức ăn dễ tiêu, giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi, nhận xét thời tiết nắng nóng những ngày qua làm nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Số bệnh nhân đến Bệnh viện Nguyễn Trãi khám cũng có xu hướng gia tăng. Trước đây, mỗi ngày có khoảng 1.500-1.600 bệnh nhân đến khám thì trong những ngày nắng nóng đã lên đến 1.800-2.000 bệnh nhân. Người bệnh đến bệnh viện khám nhiều trong thời gian này là do bị viêm đường hô hấp, huyết áp không ổn định.
Theo bác sĩ Thanh Nga, không phải chỉ trẻ em mà người lớn cũng nên tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, ngoài ra cần hạn chế tắm nhiều vì dễ bị cảm. Nên hạn chế ra ngoài trời, đặc biệt từ 11g-14g vì dễ có nguy cơ bị say nắng, cảm... Trong trường hợp phải ra ngoài cần đeo kính râm, đội mũ rộng vành và mặc đồ chống nắng. Thức ăn dễ bị ôi thiu trong những ngày nắng nóng nên cần chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, ngoài ra nên uống nhiều nước và ăn các loại thức ăn giải nhiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận