Chung sống với hoang mạc hóa
“Phương thức canh tác thiếu bền vững, nương rẫy luân canh thường xuyên, sau vài vòng luân chuyển, chúng ta đã phá rừng, chúng ta làm đất bị rửa trôi, bào mòn thì đất trở nên hoang hóa rất nhanh chóng. Đời sống của chúng ta sẽ không thoát được khỏi đói nghèo. Và không hiểu tương lai con em chúng ta sẽ sống như thế nào từ đất”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn lo lắng như vậy trong buổi lễ kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa diễn ra tại Điện Biên cuối tuần qua. Lo lắng này có cơ sở bởi đất là tư liệu sản xuất quan trọng đối với một đất nước mà nông nghiệp - nông dân là thành phần chủ chốt như Việt Nam. Nếu không hiểu đất, không cho đất nghỉ một cách khoa học thì chính người dân phải chịu hậu quả vì mất sinh kế.
Chung sống với hoang mạc hóa, một điển hình thành công trên thế giới phải kể đến Israel – đất nước mà hoang mạc chiếm một nửa diện tích, chỉ 20% diện tích có đủ điều kiện để trồng trọt.
Israel sử dụng 3 biện pháp để chung sống và làm giàu từ hoang mạc, khắc phục tình trạng thiếu nước. Một là khử muối trong nước biển lấy nước ngọt. Đất nước này có 1/2 tổng lượng nước ngọt sinh hoạt lấy từ phương pháp này. Phương pháp này khá đắt đỏ do sử dụng công nghệ cao.
Thứ hai, cùng nhờ công nghệ cao, Israel đã tái chế tới 75% nước qua sử dụng quay trở lại phục vụ tưới tiêu. Tỷ lệ này có thể gọi là thần kỳ nếu so sánh với mức tái chế nước đạt… 1% của nước Mỹ.
Thứ ba là tiết kiệm nước. Cũng bằng những tính toán, công nghệ cao, người nông dân Israel sử dụng hiệu quả từng giọt nước cho cây trồng của mình. “Tưới nhỏ giọt” là công nghệ tưới “made in Israel” đã nổi tiếng khắp toàn cầu.
Cả 3 phương pháp này đều dựa trên những ứng dụng khoa học kỹ thuật và sự đầu tư thích đáng về công nghệ.
Người nông dân tự tìm giải pháp
Những công trình nghiên cứu tìm giải pháp chống hạn mặn, chống suy thoái đất có thể kéo dài vài năm. Trong khi cây trồng thiếu nước chỉ vài ngày đã khô héo. Người nông dân chỉ mất một vụ mùa đã trắng tay, thậm chí vay nợ. Bởi thế, nhiều nông dân đã tự tìm giải pháp cho riêng mình.
Trong khi xâm nhập mặn và thiếu nước trầm trọng, giải pháp nhiều người nghĩ tới là thay đổi loại cây trồng.
Một gia đình nông dân tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) sau một thời gian nhìn gần 3 ha cây cà phê chết dần chết mòn vì “khát” nước tưới, quyết định trồng xen canh rau xanh, nhiều loại cây ăn quả khác như bơ sáp, sầu riêng… để kiếm nguồn thu bù lại. Vừa rồi, thu nhập từ rau củ quả đạt gần 200 triệu đồng, còn cà phê xem như mất trắng.
Cũng đi tìm loại giống thích hợp, một người dân M’ Nông ở buôn Dơng Yang, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) lại phục hồi giống lúa truyền thống. Ưu điểm lớn nhất của giống lúa truyền thống là khả năng chịu hạn. Dù trỉa (gieo) trên đồi đất khô cứng, lúa vẫn nảy mầm mọc cao ngang tầm đầu người. Gặp thời tiết nắng gắt nương ngô héo rụi, nhưng lúa vẫn trổ bông, chắc hạt. Lúa rẫy hạt to, thơm dẻo, đặc biệt là “sạch, an toàn” vì không phân bón, không thuốc trừ sâu…
Tại vùng rốn hạn Ninh Thuận, người nông dân đã áp dụng tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Hơn thế nữa, họ còn sáng chế ra dụng cụ đo thời gian bốc hơi nước để tính lần tưới tiếp theo. Theo người nông dân, việc xác định được các thời điểm tưới không những cùng tiết kiệm nước mà còn nâng hiệu quả tưới tiêu, tăng sản lượng cây trồng 10-15%.
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải – Ninh Thuận) góp tiền đào ao lấy nước để cùng nhau sản xuất. Rồi tận dụng hệ thống mương nổi có sẵn để dẫn nước về tưới cho cây trồng…
Chiến lược chống suy thoái đất
Chống suy thoái đất, chống hoang mạc hóa không thể chỉ bằng các biện pháp tự phát mà người nông dân nghĩ ra trong lúc “cái khó ló cái khôn”. Để bảo vệ tài nguyên đất hiệu quả, cần một chiến lược rõ ràng.
Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về phòng - chống sa mạc hóa nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, đồng thời có chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống hoang mạc hóa. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất là trồng rừng khôi phục lại diện tích bị tàn phá.
Theo các chuyên gia, trong công tác phòng chống sa mạc hóa thì người dân là yếu tố quyết định cho sự thành công. Điều quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền và các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức rõ tác hại, hậu quả của sa mạc hóa để “vào cuộc” đồng bộ, hiệu quả.
Vấn đề của những nhà quản lý tỉnh, Trung ương là phải tìm ra động lực để người dân tham gia bảo vệ, trồng và phát triển diện tích rừng. Bình Thuận đã thực hiện việc chống sa mạc hóa từ lâu nhưng điểm yếu của chúng ta là chưa phối hợp, điều phối được những chương trình khác nhau cùng hướng tới một mục tiêu. Trung ương đang xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2015 – 2016. Theo đó mỗi địa phương phải xây dựng đề án phát triển diện tích rừng trên từng địa bàn. Mục tiêu của chương trình nhằm giải quyết được hai vấn đề là: điều phối lại các chương trình hiện có tập trung vào một mối để thực hiện tốt hơn; xã hội hóa chương trình, kể cả nguồn lực quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận