Phóng to |
Nhà báo đặc biệt
Trong thế giới đương đại, nếu phải bầu chọn nhà báo đặc biệt nhất thì chắc chắn người đó phải là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Trước hết, nếu nói về những nhà báo đi lên và thành công từ gian khổ, vất vả; trên thế giới có không ít, nhưng bôn ba gần khắp trái đất, làm hàng chục nghề khác nhau suốt 30 năm trời thì khó có thể tìm ra người thứ hai. Một nhà báo, viết bài báo đầu tiên trong đời - ngày 2.8.1919, báo L'Humanité, bài "Vấn đề người bản xứ" - khi chưa thật sự rành rẽ về ngôn ngữ (tiếng Pháp), đó cũng là Nguyễn Ái Quốc.
Điều đó nói lên rất rõ rằng, báo chí "đến" với Người, trước hết là bởi yêu cầu chiến đấu, dùng ngòi bút để làm đòn xoay chế độ, vì dân tộc, vì độc lập, tự do; xuất phát từ lòng dũng cảm và lòng yêu nước vô bờ bến. Hồ Chí Minh cũng là nhà báo có nhiều bút danh nhất thế giới với gần 200 bút danh khác nhau; thậm chí có những "bút danh" kỳ lạ như: Bé Con, Xung Phong, X.L., T.L., Một Người An Nam, Một Người Bạn, Hy Sinh (trên báo Độc Lập, 1941-1942)...
Hồ Chí Minh cũng là nhà báo viết rất nhiều (trên dưới 2.000 bài) và là nhà báo đạt đến vị trí lãnh tụ tối cao của một dân tộc, người sáng lập ra một chính đảng, một nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở vùng Đông Nam Á; đồng thời là nhà báo duy nhất được LHQ tôn vinh là Danh nhân văn hóa của thế giới. Hồ Chí Minh còn là nhà báo "kỳ lạ" nhất của hành tinh này: "Khởi nghiệp" bằng tiếng Pháp, tiếp tục bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc; rồi sau đó mới viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt! Sau cùng, cũng rất cần nhắc đến một sự đặc biệt nữa của nhà báo Nguyễn Ái Quốc: Người vừa là chủ nhiệm của tờ báo "Người Cùng Khổ" (Le Paria) đồng thời là chủ bút, hoạ sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...
Dẫu chưa đầy đủ, nhưng những sự kiện được thống kê trên đây, rất đủ cho mỗi nhà báo Việt Nam hôm nay nói riêng, nhân dân ta nói chung hiểu rõ sự phi thường trong con người - nhà báo Hồ Chí Minh.
Phong cách Hồ Chí Minh
Với Hồ Chí Minh, mục tiêu, động lực để viết báo là rất rõ ràng. Tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ngày 17.8.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trước khi viết phải tự hỏi: "Vì ai mà mình viết? Mục đích viết là gì?".
Sau này, trong Đại hội II của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16.4.1959, Hồ Chí Minh khẳng định, Người viết báo là để "chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Mục tiêu rõ ràng, động cơ sáng trong và ngọt lành như nắng ban mai; đó là điều đầu tiên làm nên nhân cách và sự thành công của một nhà báo vĩ đại. Với nguyên tắc "viết cho ai", nên ngôn ngữ báo chí của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đạt đến trình độ của một lăng kính đa chiều, luôn hấp dẫn và mới mẻ.
Ở Pháp, viết cho thực dân đế quốc đọc, Nguyễn Ái Quốc chơi chữ rất tài tình. Chẳng hạn, sống ở Paris, Người đặt tên tờ báo là Le Paria - có nghĩa là "dưới đáy, người khổ sở tận cùng trong xã hội". Thời kỳ sống và hoạt động ở căn cứ địa Việt Bắc, những bài báo của Người chủ yếu viết cho đồng bào miền núi đọc, nên ngôn từ lại trở nên mộc mạc, dễ hiểu. Chúng ta rất dễ nhận thấy một điểm đáng chú ý: Viết cho thanh niên, Hồ Chí Minh dùng ngôn ngữ của lớp trẻ; viết cho thiếu nhi là cách dẫn dụ mộc mạc của ngôn từ giản dị, viết cho nông dân là ngôn ngữ của chân quê...
Nhà báo Nguyễn Ái Quốc còn là một nhà báo rất năng động, nhạy cảm. Chúng ta hãy hình dung cái thuở mà Le Paria "tung hoành" trong 38 số cách đây gần... 90 năm. Thời đó mà trang 4 của báo đã có đăng quảng cáo thuốc men, đăng giờ tàu đến và đi, quảng cáo cho các dụng cụ cắt cỏ... thì mới hiểu Nguyễn Ái Quốc đã "làm" báo vất vả và sáng tạo như thế nào. Nên lưu ý rằng, theo tài liệu của mật thám Pháp, có lúc Le Paria phát hành đến 2.000 bản, một nửa được gửi cho các nước thuộc địa (!).
Phong cách của nhà báo Hồ Chí Minh còn là sự hiểu biết rất rộng, rất sâu mà lại rất gần gũi quần chúng. Đọc những bài báo của Người, chúng ta kinh ngạc về kiến thức: Từ Ấn Độ đến Palestine, từ Tunisia đến Hoa Kỳ, từ Trung Quốc đến Madagasca...; gần như cái gì Nguyễn Ái Quốc cũng hiểu một cách tường tận. Hiểu biết như thế, những bài báo không sắc, không sâu, không sinh động mới là chuyện lạ.
Sống mãi tinh thần Hồ Chí Minh
Bài báo sau cùng mà Hồ Chí Minh viết là bài: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký tên T.L, đăng trên báo Nhân Dân ngày 1.6.1969. Đó không hề là sự ngẫu nhiên. Nếu như bài báo đầu tiên Người viết là vì độc lập cho dân tộc Việt Nam, thì bài cuối cùng là "muôn vàn tình thương yêu" dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ý chí chiến đấu mạnh mẽ và cái TÂM rộng lớn, sâu sắc ấy là điều cần nhất cho bất kỳ một nhà báo nào khi cầm bút.
Trong lần gặp mặt cuối cùng trước đông người - tại buổi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng LĐLĐVN) ngày 18.7.1969 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần nhắc đến báo chí. Lần thứ nhất, Người nói: "Bác xem báo Lao Động, có bài viết về chuyện một số công nhân nào đấy mỗi ngày chỉ làm rất ít giờ. Bác rất đau lòng". Lần thứ hai, Bác đưa tờ báo Nhân Dân ngày 16.7.1969 ra để nói về chuyện báo đăng lời phê bình của công nhân là rất tốt.
Người nhắc thêm: "Báo Lao Động nên mở rộng mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ công nhân, vừa nâng cao tinh thần chiến đấu của tời báo" (Hồ Chí Minh, TT, T.12, tr. 565-567). Có lẽ, cho đến tận hôm nay, chúng ta vẫn phải tự hỏi là mình đã làm đủ, làm đúng những gì Bác Hồ mong muốn hay chưa?
Trong thư căn dặn những người sắp trở thành nhà báo do Báo Cứu Quốc tổ chức năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những khuyết điểm của báo chí của ta như: Tuyên truyền không kịp thời, chính trị suông quá nhiều, không biết giữ bí mật, đôi khi đăng tin vịt, tờ báo không vui... Ngẫm lại, cứ ngỡ những điều Người nói như vừa mới diễn ra sáng nay! Vẫn còn không ít tờ báo "chính trị suông" quá nhiều, hay không biết cách để giữ bí mật quốc gia. Có báo thật buồn tẻ từ trang đầu cho tới trang cuối; thậm chí, người dân không còn muốn đọc nữa.
Gần 90 năm đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Ái Quốc viết bài báo đầu tiên; 82 năm, kể từ khi Báo Thanh Niên ra số đầu tiên (21.6.1925), mở đầu cho dòng báo cách mạng của dân tộc; báo chí Việt Nam hôm nay đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng. Chúng ta ghi nhớ công lao của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đồng thời cũng rất cần ghi nhớ thêm rằng, phong cách và tinh thần, tư tưởng và ý chí, tâm huyết và ngọn bút mẫn tiệp, sắc sâu của Người vẫn sống mãi với sự tươi mới, vững bền bất kể thời gian, vượt qua mọi không gian.
Với tư cách là một trong những đỉnh cao của báo chí thời đại, ngọn bút Hồ Chí Minh là ngọn tháp rực rỡ, là tấm gương sáng ngời để cho muôn đời sau hướng tới, bước tiếp trên con đường tươi đẹp của tổ quốc Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận