23/01/2006 01:45 GMT+7

Phòng bệnh thủy đậu

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng thời điểm có số ca mắc cao nhất thường từ tháng 2-6. Trong đó, tháng ba là đỉnh điểm, bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát thành dịch.

1gbrSGIv.jpgPhóng to

- Thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra. Phần lớn bệnh nhân (BN) bị nhiễm là trẻ em 5-11 tuổi nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn. 90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng mắc bệnh. Điều này có nghĩa là một người chưa được chủng ngừa thủy đậu nếu tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc BN thủy đậu thì hầu như chắc chắn sẽ bị lây bệnh.

Đặc trưng của bệnh thủy đậu là ngứa, phát ban ngoài da, ban sẩn có mụn nước, thường kèm theo sốt. Dấu hiệu ban đầu khi khởi bệnh là sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau cơ. Sau đó các nốt rạ xuất hiện ở da đầu, mặt, lan xuống thân và tay chân với số lượng từ 300 đến cả ngàn nốt gây ngứa ngáy, đau nhức rất khó chịu.

* Bệnh có nguy hiểm và gây biến chứng không, thưa bác sĩ?

- Bệnh lây lan một cách dễ dàng qua không khí, hít phải nước bọt khi BN hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với mụn nước của người bị bệnh. Bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con, nếu người mẹ bị bệnh thủy đậu trong lúc mang thai. Đáng lưu ý là khi nhiễm virus thủy đậu, BN thường không có triệu chứng gì trong hai tuần đầu, nhưng từ 2-4 ngày trước khi phát bóng nước (nốt rạ), bệnh đã có khả năng lây nhiễm. Ngay cả khi BN thủy đậu đã phát bóng nước được sáu ngày, siêu vi gây bệnh vẫn có thể lây lan cho người lành.

Thủy đậu là bệnh có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm, từ bội nhiễm vi khuẩn đến viêm não. Nếu BN bị bội nhiễm da có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Biến chứng của thủy đậu có tác hại đến hệ thần kinh trung ương và có thể gây viêm phổi, dẫn đến tử vong. Một biến chứng khác về sau của bệnh thủy đậu là zona, còn gọi là giời leo. Bệnh giời leo thường gây đau nhức nhiều hơn so với bệnh thủy đậu và có thể kéo dài trong nhiều năm.

* Khi trẻ bị bệnh thủy đậu phải chăm sóc thế nào?

- Hiện một số phụ huynh còn có hai quan niệm sai khi chăm sóc con bị bệnh thủy đậu: Một, cho là trái rạ càng ra nhiều càng tốt nên thường ủ kín, kiêng nước bằng cách không tắm rửa cho trẻ, để trái rạ mọc nhiều hơn; trong khi thực tế trẻ càng khỏe, có sức đề kháng tốt thì sẽ mọc ít nốt rạ hơn. Hai, lấy gốc rạ ở ruộng về nấu nước uống hoặc tắm cho trẻ vì nghĩ rằng sẽ hết bệnh. Hai cách này không có tác dụng làm bệnh mau hết mà còn gây biến chứng nguy hiểm là nhiễm trùng nốt rạ.

Cách chăm sóc đúng là phải giữ vệ sinh bằng việc tắm rửa hằng ngày, tránh ủ kín để không bị nhiễm trùng; theo dõi trẻ thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ biến chứng như sốt cao, mụn nước ửng đỏ xung quanh hay có mủ...

* Khi bị bệnh có cần cách ly? Phòng ngừa bệnh thế nào tốt nhất?

- Khi trong gia đình, trường học, công sở... có người mắc bệnh, cần cách ly BN 7-10 ngày để tránh lây lan cho cộng đồng xung quanh. Nếu trẻ ở độ tuổi đi học, khi mắc bệnh phải nghỉ học và người lớn phải nghỉ làm 1-2 tuần. Tuy nhiên, việc cách ly BN không bảo đảm ngừa được bệnh cho người khác vì siêu vi có thể lây lan từ trước khi phát mụn nước và sau khi mụn nước đã lành.

Do đó, biện pháp hiệu quả nhất là chủng ngừa văcxin nhưng việc chủng ngừa phải thực hiện trước khi xảy ra dịch, chứ khi bùng phát bệnh mới đi chích ngừa thì nhiều khi đã mắc bệnh rồi, hoặc văcxin chưa kịp tạo miễn dịch cho cơ thể thì đã mắc bệnh.

Văcxin ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ (chỉ khoảng 5% sốt nhẹ sau khi chích).

* Xin cảm ơn bác sĩ.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên