Do đó, đây cũng là thời điểm nhiều loại bệnh dịch hoành hành và gây bệnh cho trẻ như tiêu chảy cấp, viêm hô hấp cấp, sốt xuất huyết, viêm não màng não,… gây rất nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về những loại bệnh này và biện pháp phòng ngừa cho bé trong dịp hè.
Bệnh tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.
Nguyên nhân mắc bệnh là do trẻ ăn phải những thực phẩm ôi thiu, được bảo quản hay chế biến không hợp vệ sinh hoặc do bị lây từ người bệnh qua đường ăn uống do dùng chung ly tách hoặc cũng có thể do các thói quen xấu của trẻ như ngậm tay, ngậm đồ chơi. Trong các bệnh tiêu chảy mùa hè đáng lưu ý nhất là tiêu chảy do nhiễm khuẩn, đặc biệt tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn tả, E.coli, thương hàn, lỵ, ký sinh trùng đường ruột (lỵ amib) hay tiêu chảy do nhiễm vi rút rota.
Viêm hô hấp cấp
Bệnh viêm đường hô hấp cấp là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất ở trẻ. Bệnh lây lan qua đường hô hấp qua các giọt nước bọt của người mang bệnh. Mùa hè nóng ẩm càng làm cho các siêu vi gây bệnh này phát triển và phát tán nhanh hơn trong không khí. Trẻ cũng dễ bị mắc bệnh đường hô hấp hơn do cha mẹ thường đưa trẻ đi chơi, đến các nơi đông người trong dịp nghỉ hè và qua đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.
Viêm màng não
Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu cũng thường xảy ra vào mùa hè chủ yếu ở những trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, trẻ có thể tử vong trong vòng 24 giờ và cũng có thể gây ra những trận dịch nhỏ.
Viêm não Nhật Bản
Bệnh do virút viêm não Nhật Bản B gây ra. Bệnh lây lan qua đường muỗi đốt, chủ yếu là do muỗi culex. Bệnh cũng rất dễ lây lan thành dịch và gây tử vong cho trẻ, tuy nhiên may mắn là hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh lý này.
Bệnh sốt xuất huyết
Việt Nam là vùng dịch tễ của sốt xuất huyết. Bệnh do muỗi vằn là trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Đa số bệnh nhân tự khỏi nhưng có một số sẽ chuyển nặng vào ngày thứ 3, 4 của bệnh gây ra tình trạng sốc, trụy mạch và tử vong. Do đó cần hết sức lưu ý cho trẻ đi xét nghiệm tìm bệnh sốt xuất huyết nếu trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày hay sốt kèm theo các chấm xuất huyết trên da hay vùng niêm mạc miệng.
Làm thế nào để phòng bệnh cho trẻ
Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín. Không cho trẻ uống nước lã, nước chưa được đun sôi, không ăn trái cây chưa rửa sạch. Tránh ăn những thức ăn bán ngoài đường không được chế biến hợp vệ sinh.
Thường xuyên vệ sinh cơ thể trẻ như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau bé nghịch bẩn.
Không nên cho trẻ chơi, nghịch ngoài nắng gắt, nhất là vào buổi trưa, xế chiều. Khi trẻ chơi ra mồ hôi nhiều làm ướt áo quần thì cần thay cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp.
Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người hay tránh tiếp xúc với người bệnh.
Tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng mọi biện pháp giúp hạn chế muỗi phát triển. Cho trẻ ngủ mùng, mặc quần áo dài tay.
Đưa trẻ đi tiêm phòng các loại vắc xin hiện có như uống ngừa tiêu chảy do rotavirus, tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, tiêm ngừa viêm màng não mủ do não mô cầu, tiêm ngừa cúm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận