Phóng to |
Chỉ một đoạn đường ngắn trên con phố Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM, từ góc Nguyễn Văn Trỗi đến Hai Bà Trưng, đã có tới mười mấy tiệm "May, sửa quần jeans". Thế là, không biết từ bao giờ con phố này đã có thêm cái tên "Phố jeans".
Câu chuyện mưu sinh trên những con phố đã vô tình tặng thêm cho chúng những "nickname" gắn liền với loại hình kinh doanh phổ biến nhất tại đó. Và câu chuyện "Phố jeans" ở TP. HCM là một ví dụ điển hình...
Lật lại ’’lịch sử"
Năm 1996, tiệm Cường chuyên may sửa đồ jeans, kaki khai trương trên đường Lý Chính Thắng, là tiệm duy nhất khi ấy trên đường này. Ông chủ tiệm nhớ lại: "Khi tôi đang làm ở hợp tác xã may mặc, thấy có nhiều người đến hỏi sửa quần jeans từ nước ngoài gởi về nhưng chẳng ai nhận, một ý định đã loé lên trong đầu: Tại sao mình không thử làm?".
Và từ đó, tối nào cũng thế, anh lấy những chiếc quần jeans của mình, tháo tung ra, rồi lần mò cắt bên này, ráp bên kia đến tận khuya. Cuối cùng, anh quyết định nhận đồ Jeans về nhà làm. Không ngờ "bắt đúng mạch" của nhiều người, khách hàng đến với anh ngày một đông và tấm tắc khen những chiếc quần hoặc áo jeans đã được thay đổi qua tay anh.
Sau khi tiệm Cường mở được vài năm, thấy ăn nên làm ra, nhiều người "ăn theo", con phố nở rộ các tiệm sửa đồ jeans khác, như Cat, rồi đến Thanh Ngôn, Hùng ... và biến con đường thành "Phố jeans" từ dạo ấy. Thời quần áo jeans còn được coi là mặt hàng "xa xỉ phẩm" đối với nhiều người, nguyên liệu là vấn đề nan giải, người tiêu dùng rất khó khăn để mua được mét vải jeans, vì thế chuyện may mới rất hiếm mà hầu hết đều "sửa cũ thành mới".
Đến khi nhu cầu tăng, quần jeans bước vào giai đoạn "hưng thịnh", được mọi giới ưa chuộng, nhiều người không muốn mua quần jeans may sẵn (vì dáng quần không thích hợp), nên tìm đến đặt may. Kiểu dáng, chất liệu may đều do chủ chọn lựa, có sẵn, hoặc may theo yêu cầu của khách.
Đổi đời
Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, lượng khách dồi dào, kèm theo nhu cầu của dân Sài Thành ngày một cao hơn, thích tiện ích hơn, nên những tiệm sửa quần jeans ngày nào, giờ kiêm cả chức năng bán vải jeans. Và, những người thợ ngày nào giờ trở thành ... những ông chủ.
Khách đến những tiệm vừa may vừa bán vải này có thể vô tư chọn chất liệu, phóng tác ý tưởng về kiểu quần áo, để các tay thợ "cụ thể hóa" bằng các kiểu thời trang như ý. Để hút khách ngày càng đến nhiều với mình hơn, những ông chủ tiệm trở thành những người "tư vấn thời trang", giới thiệu cho khách những loại vải, những kiểu quần áo hợp thời, hợp với vóc dáng. Khách hàng không còn bị lúng túng trong chọn lựa trước sự đa dạng, phong phú của hàng hoá, mẫu mã, nguyên liệu ở đây.
Sau khi mặc qua cả chục nước, nếu quần, áo có vấn đề về "đường kim, mũi chỉ" hoặc chủ nhân không may bị ngã xe rách đồ đều có thể mang ra cho các tay thợ "phù phép" lại theo nhiều kiểu: Đơn giản là vá, cầu kỳ thì cách điệu ngay chỗ rách để trở thành chiếc quần jeans bụi bặm theo phong cách "roocker". Với cách kinh doanh, dịch vụ kiểu này, các chủ tiệm ở "Phố jeans" đã thu hút được nhiều thượng đế và càng ngày, "Phố jeans" càng một nổi tiếng hơn.
Không chỉ có "Phố jeans" Lý Chính Thắng, đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ Trương Định đến Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP. HCM) cũng có hơn mười tiệm may, sửa jeans. Nhưng khác với "Phố jeans" Lý Chính Thắng - tiệm jeans nào trông cũng hoành tráng với thợ thầy, nhộn nhịp với hàng chục máy may hoạt động cả ngày, những tiệm sửa đồ jeans trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường nhỏ, với một thợ và một máy may, vừa làm "ông chủ" vừa kiêm luôn thợ.
Do đoạn đường trên có nhiều shop thời trang nằm san sát nhau và hầu hết đều bán quần jeans, kaki đủ loại, nên khách có nhu cầu sửa khá nhiều. Thế nên những người thợ manh nhúm ở đây không lo lắng về chuyện "thất thu cho nồi cơm" gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận