15/03/2007 05:00 GMT+7

Phim Tết: "S.O.S"

QUANG DIỆU 




Ông Lê Ngọc Minh - cục phó Cục Điện ảnh:
QUANG DIỆU Ông Lê Ngọc Minh - cục phó Cục Điện ảnh:

TT - Mùa phim Tết Đinh Hợi gần như đã kết thúc với doanh thu tính bằng con số tiền tỉ, thế nhưng rất đông khán giả khi xem những cảnh "tươi mát" trong các phim đã phải phát hoảng!

Phim tết: “SOS” - phản hồi từ bạn đọc: Đừng vì cái lợi trước mắt

fkoukkZz.jpgPhóng to
Đây là ba cô gái thuộc phe thiện, chỉ “tắm tiên” một lần mà bị đưa hình lên mạng, rất tội nghiệp. Tội nghiệp hơn nữa là chị Minh Thư đóng vai nữ vận động viên bắn súng mà suốt ngày diện áo hai dây, cổ áo rộng tới... rún, tội lắm. Còn mấy em khác thì cứ nhúng mình trong nước rồi nhảy tưng lên cho thấy ngực trần qua làn nước cho hấp dẫn, cho mờ ảo. (Trích bình luận về Chuông reo trên blog của T.C.N., 27 tuổi)

Đằng sau cái tưng bừng của doanh thu còn là một câu hỏi to đùng: phim tết sẽ đi về đâu?

Khi thói quen đến rạp xem phim của công chúng được khôi phục thì sự xuất hiện của bộ phim Gái nhảy do đạo diễn Lê Hoàng thực hiện vào dịp tết năm 2003 đã tạo nên một tín hiệu vui mừng. Tuy không phải là một tác phẩm chất lượng cao, nhưng ít ra Gái nhảy đã giúp cho thị trường điện ảnh VN hình thành được một “mùa phim”: đó là phim tết.

Có thể nói phim tết đang là “mùa phim” độc tôn khi mong muốn tạo thêm các “mùa phim” khác như phim hè, phim Giáng sinh... của các nhà sản xuất nhà nước cũng như tư nhân đã không thành. Bởi vậy, những tác phẩm mà các nhà sản xuất tự nhận định là hấp dẫn nhất, hay nhất luôn được để dành chiếu tết. Sau Gái nhảy, khán giả được thưởng thức tiếp Những cô gái chân dài, Khi đàn ông có bầu, 2 trong 1, Đẻ mướn, Lấy vợ Sài Gòn, Nữ tướng cướp... Còn trong mùa phim Tết Đinh Hợi vừa qua là ba bộ phim Võ lâm truyền kỳ, Trai nhảy và Chuông reo là bắn.

dqcpV0d2.jpgPhóng to
VUDFAdSq.jpg
lfIfQ8Sl.jpg
gKa93X9o.jpg
Phim chiếu Tết quá lạm dụng cảnh tươi mát
Ở những mùa phim tết trước, các phim được chọn trình chiếu đã đáp ứng được nhu cầu xem phim giải trí của số đông khán giả trong những ngày tết rảnh rỗi, cũng như sự thèm muốn được xem phim VN. Dù không tránh khỏi những khen chê, người xem có khi... quên mất nội dung phim khi bước ra khỏi rạp, nhưng phải thừa nhận những Đẻ mướn, Những cô gái chân dài, 2 trong 1... vẫn là những tác phẩm “sạch sẽ” và có cái để xem. Qua đó, các nhà sản xuất cũng đo lường được thị hiếu của đại đa số khán giả. Họ thích những bộ phim có nội dung đơn giản, dễ hiểu và hài hước. Và “công thức hấp dẫn” ấy đã được bê nguyên xi vào thực hiện ba phim tết vừa rồi.

Với Võ lâm truyền kỳ, Trai nhảy và Chuông reo là bắn, cả ba hãng phim Phước Sang, Thiên Ngân và Giải Phóng đều đã có những cố gắng để truyện phim mang tính thông điệp cao hơn; kỹ thuật làm phim cũng được đầu tư hiện đại; hình ảnh đẹp, âm thanh, âm nhạc hay hơn. Song tiếc rằng do cứ chăm bẵm vào “công thức hấp dẫn” nên những bộ phim này đã không đảm bảo được tính thẩm mỹ trong một tác phẩm điện ảnh. Vì thế thông điệp mà các nhà làm phim muốn mang đến cho công chúng đã bị những “chiêu”, “trò” trong việc dàn dựng che khuất.

Võ lâm truyền kỳ chứng tỏ tay nghề kỹ xảo điện ảnh của các nhà làm phim VN đã đạt tới tính chuyên nghiệp, song những mảng miếng chọc cười, sự “câu khách” bằng một rừng “ngôi sao” các lĩnh vực đã không còn mới mẻ. Chọn đề tài nhạy cảm về người đồng tính nhưng Trai nhảy lại vô tình khiến người xem cảm thấy “buồn cười” và “dị ứng” đối với những người thuộc “giới tính thứ ba”, thay vì cảm thông, chia sẻ như mong muốn của nhà sản xuất.

Riêng với bộ phim Chuông reo là bắn, khán giả hầu như chẳng “thu thập” được bất cứ thông điệp gì ngoài chuyện các nữ diễn viên ăn mặc gợi cảm, những cảnh tươi mát vụng về mà có người phải buột miệng chê: “Dơ!”. Đó là chưa kể sự cẩu thả quá mức, những hạt sạn sần sùi cứ thản nhiên diễn ra trước mắt khán giả của cả ba bộ phim, trong khi đạo diễn của chúng không phải là những người tay ngang...

Các nhà làm phim đã thắng trong mùa phim tết năm nay, sang năm có thể vẫn tiếp tục hốt bạc. Song nếu cứ kiểu làm phim “ăn xổi ở thì” như hiện nay thì liệu khán giả có còn ưu ái cho phim tết, cho phim VN nữa không? Điều mà công chúng đang quan tâm không phải là những bộ phim tết sau này có “chiêu” gì mới, có “trò” nào hay mà chính là “sự sống” của mùa phim tết. Phải chăng đã đến lúc cần báo động về phim tết Việt?

QUANG DIỆU

Ông Lê Ngọc Minh - cục phó Cục Điện ảnh:

KK1dvm4z.jpgPhóng to
Đạo diễn tên tuổi nhưng Trai nhảy chỉ là trai nhảy - Ảnh tư liệu
- Luôn có 11 vị trong hội đồng duyệt phim quốc gia (thuộc Cục Điện ảnh) cùng nhau kiểm duyệt một bộ phim. Với phim điện ảnh nói chung, xu hướng hiện nay của hội đồng là trân trọng sự tìm tòi và sáng tạo của nghệ sĩ. Miễn là những sáng tạo, tìm tòi đó không chống lại Tổ quốc, nhân loại, không chia rẽ dân tộc, không bôi nhọ dân tộc, không quá sex...

* Nói đến sex, không thể không nhắc đến bộ phim Chuông reo là bắn. Nhiều ý kiến khán giả cho rằng bộ phim này có quá nhiều cảnh sex không cần thiết. Nằm trong hội đồng kiểm duyệt phim, xin ông cho biết ý kiến về việc này.

- Đây là bộ phim chiếu dịp tết nên tính giải trí đương nhiên sẽ cao. Là phim giải trí, dĩ nhiên sẽ phải có một số “chiêu” để kéo khách đến rạp. Như tôi đã nói, phim không phạm vào những điều cấm kỵ thì chúng tôi không có lý do gì để không chấp nhận bộ phim. Bộ phim đã được sự nhất trí cao của hội đồng vì đề tài tốt và "tính nghề nghiệp" của bộ phim này cũng được đánh giá cao hơn hai bộ phim cùng đợt. Với những "cảnh nóng", chúng tôi phải tôn trọng cách giải quyết vấn đề của nhà làm phim. Nếu phim không được sự chấp nhận của công chúng thì chính nhà làm phim phải chịu trách nhiệm trước cách giải quyết của mình.

* Các gia đình thường cùng nhau xem phim vào dịp tết. Với những phim “nhạy cảm” như Chuông reo là bắn, Trai nhảy... , Cục Điện ảnh có đưa ra những khuyến cáo để phụ huynh lưu ý trong việc cho con em đi xem?

- Hiện nay, sau khi kiểm duyệt, chúng tôi vẫn chưa phân loại phim (phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi, phim chỉ cho trẻ em vào khi có cha mẹ đi cùng...) như một số nước thường làm. Ở các nước cũng có các rạp riêng cho từng loại phim riêng. Và chúng ta cũng chưa có. Chúng tôi đang chờ nghị định của Chính phủ về 14 điều hướng dẫn Luật điện ảnh. Khi có nghị định rồi thì mới tiến hành thực hiện những việc trên được. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các đơn vị sản xuất phim cũng đã thông qua báo đài để truyền tải nội dung, thể loại phim đến khán giả, giúp khán giả có được sự lựa chọn thích hợp.

..........................................

Nhà sản xuất nắm được thị hiếu khán giả?

Võ lâm truyền kỳ ăn theo cơn sốt game online, Trai nhảy nhắm vào đồng tính nam đang là một “vấn đề” trong xã hội. Chuông reo là bắn xuất phát từ sự việc các nghệ sĩ bị tung hình sex lên mạng... Có thể khán giả đi xem vì ưu ái phim Việt cả năm chỉ có một dịp ra mắt rầm rộ thế này, có thể họ xem vì tò mò bởi những poster quảng cáo với slogan rất hấp dẫn như: “Con gái cũng thích, con trai cũng thèm”; hoặc những hình ảnh “trên cả tuyệt vời” của “tứ đại mỹ nhân” Minh Thư, Thân Thúy Hà, Quách An An, Lê Kiều Như; hay bởi cả một chiến dịch quảng bá rầm rộ trên phương tiện thông tin... Không phủ nhận một điều là những nhà sản xuất đang hướng đến khán giả, nhưng sau khi cười sảng khoái với kiểu hài hước sân khấu thể hiện qua điện ảnh trong Võ lâm, “rửa mắt” với Chuông reo hay thỏa tò mò với Trai nhảy thì khán giả thở dài sườn sượt...

Phim Việt bạo quá!

Nhà báo Cát Vũ:

Xét về nhiều mặt thì ba phim năm nay nổi bật hơn năm trước, từ đầu tư kinh phí, tiến bộ trong nghề nghiệp (kỹ xảo trong Võ lâm, sự hấp dẫn với Chuông reo, thời sự như Trai nhảy) và đi vào những vấn đề khán giả quan tâm. Các nhà sản xuất đã thu hẹp được cự ly giữa “ước muốn” và “làm được”. Tuy nhiên đó là những nhận xét ưu ái.

Nói thật, Võ lâm không mang nhiều tính điện ảnh mà chất tấu hài nhiều; còn Chuông reo thì quá sa đà vào việc phô bày cơ thể, hấp dẫn khán giả bằng sex nên sự tìm tòi, thể hiện cảm xúc không có. Báo chí vừa qua rất ưu ái phim Việt bởi muốn động viên, khuyến khích những nhà sản xuất phim trong tình hình điện ảnh “không có gì, thiếu đủ thứ” hiện nay, cái có duy nhất là khán giả nhưng khán giả lại là “ẩn số”. Khán giả thích gì, khó mà có câu trả lời chính xác, nhất là trong hoàn cảnh mọi cái đều yếu và thiếu của điện ảnh VN hiện nay (trừ khán giả).

Sau mùa phim tết, trên các trang web về điện ảnh, trên những trang blog của cư dân mạng tràn ngập bình phẩm về phim Việt. Phần lớn bày tỏ sự thất vọng. Không phải ngẫu nhiên mà khán giả đổi tên cho phim của đạo diễn Trương Dũng (chuông reo là... cởi) bởi hình như đằng sau một vấn đề nóng bỏng mà kịch bản đã gầy dựng được khá chi tiết, hấp dẫn thì đạo diễn có vẻ chịu khá nhiều áp lực khi thể hiện một câu chuyện liên quan đến sex!

Phải làm như thế nào để kéo khán giả? Phải làm thế nào để kiếm doanh thu (vì trước đó Hãng phim Giải Phóng đã đầu tư thêm một số tiền không nhỏ ngoài tiền tài trợ) nên phim cứ sa đà vào những cảnh khỏa thân không cần thiết. Ngực trần phô ra, mông phô ra, thậm chí để ý tí xíu thì... phô ra nhiều lắm. Hở mọi lúc mọi nơi, đi tắm suối hở đã đành, leo cây khi bị gấu đuổi cũng hở, nghe điện thoại cũng hở, khóc, nói chuyện tâm tình, thậm chí khi chết cũng... trống vắng!

Được “đảm bảo” bằng tên tuổi đạo diễn Lê Hoàng nhưng với Trai nhảy, hình như Lê Hoàng... cũng đã cạn nguồn. Ngoài việc phát hiện nhanh một đề tài thu hút, ngoài việc xây dựng một câu chuyện cảm động về tình yêu của giới đồng tính, những chi tiết rất dễ thương về tình cảm của cô bé bán chè... thì việc khai thác tâm lý nhân vật, mảng miếng để cười của Trai nhảy có nhiều chi tiết khá phi lý, thậm chí quá hời hợt.

Đành rằng cũng có thể thông cảm với những nhà sản xuất, như lời Phước Sang: “Xin các khán giả đừng so sánh phim VN -phim ngoại, đừng so sánh chàng tí hon với gã khổng lồ, nếu nghĩ đến hệ thống rạp VN như thế nào, thiết bị máy móc, người vận hành ra sao thì hãy thương cho người làm điện ảnh VN”.

Nhưng như cách nghĩ của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, một mối lo đang ở trước mắt: “Tôi dạy sinh viên làm phim phải có tư tưởng, người ta xem xong đọng lại điều gì đó nhưng thực tế với phim tết thì nguyên tắc này bị các nhà sản xuất lơ đi. Vì vậy phim tết giảm giá trị nhiều khi quá chạy theo khán giả. Mặt khác, khán giả quen với cách xem phim dễ dãi như vậy nên khi có tác phẩm có giá trị thẩm mỹ thì khán giả sẽ không chịu xem vì không hài, không chịu chơi, không cười. Họ không đi coi thì phim... tiêu. Vậy biết bao giờ tìm được một phim nghiêm túc trong thời buổi điện ảnh VN khó khăn? Cứ làm phim “ăn xổi” thế này, vô tình ta “đuổi khéo” khán giả đi xem phim ngoại”.

QUANG DIỆU Ông Lê Ngọc Minh - cục phó Cục Điện ảnh:
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên