![]() |
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự phiên khai mạc ngày 20-1- Ảnh: TTXVN |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Lần đầu tiên sau 40 năm tồn tại, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng đặt bút ký vào bản Hiến chương ASEAN, đặt nền móng về pháp lý cho quá trình vận hành của hiệp hội. Việc ký kết bản hiến chương ngày 20-11 được coi là bước tiến lớn tới việc thể chế hóa cuộc "hội nhập sâu" của khối khi đưa ra những cơ sở pháp lý về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi thành viên, định hướng quan hệ với các đối tác bên ngoài…
Với bản hiến chương này, ASEAN sẽ có đủ tư cách pháp lý ký các công ước quốc tế, cho phép nâng cao vai trò của khối. Cơ chế điều hành của ASEAN là tổng thư ký và ban thư ký cũng được củng cố nhằm đảm bảo việc điều phối giữa các ủy ban, các bộ phận được tiến hành tốt hơn.
Ngoài ra, sẽ có bốn phó tổng thư ký được chỉ định nhằm hỗ trợ tổng thư ký. Hiến chương cũng đưa ra đề xuất là hội nghị thượng đỉnh của khối được tiến hành hai lần/năm để các lãnh đạo có thêm thời gian bàn bạc các vấn đề của khối. Và cũng lần đầu tiên, một tổ chức theo dõi về nhân quyền của khối sẽ được thành lập.
Bất chấp những lạc quan này, các nhà lãnh đạo của khối đều nhìn nhận đây mới chỉ là khởi đầu cho công cuộc hội nhập sâu hơn của hiệp hội. Hãng tin CNA trích lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "Việc ký kết bản hiến chương hôm nay chỉ là bắt đầu của quá trình lâu dài mang tính liên tục mà tất cả thành viên của ASEAN phải cùng tham gia. ASEAN cần thích nghi dần với văn hóa tuân thủ (các điều lệ của khối)". Ông Lý cũng tuyên bố các nước cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ hội nhập sâu nền kinh tế ở khu vực.
Một số nội dung chính của hiến chương ◆ Duy trì khu vực ASEAN không có vũ khí hạt nhân. ◆ Tạo ra thị trường chung, thống nhất có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tự do lưu thông. ◆ Tăng cường dân chủ, thiết lập cơ quan giám sát về nhân quyền. ◆ Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các nước thành viên. ◆ Không can thiệp vào công việc nội bộ. ◆ Tăng cường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên và các di sản văn hóa. ◆ Phát triển nguồn nhân lực qua hợp tác giáo dục… |
Đối với các chuyên gia, họ đều thận trọng trước bản hiến chương mới được ký kết này. Bà Jenina Joy Chavez, thành viên của hội đoàn kết ủng hộ châu Á (SAPA), viết trên tờ Bangkok Post cho rằng bản hiến chương mới chỉ hệ thống hóa lại những thỏa thuận và tuyên bố trước kia của ASEAN ở mức độ thiết lập tính pháp lý cao hơn mà thiếu những đột phá.
Bản hiến chương nhấn mạnh một thể chế ASEAN là trung tâm, định nghĩa rõ các nguyên tắc can thiệp của các thành viên, thể chế hóa các nguyên tắc về đồng thuận và không can thiệp. Tuy vậy, bản hiến chương vẫn thiếu một cơ chế rõ ràng về giải quyết bất đồng, trách nhiệm giải trình và đền bù của các thành viên. Ngoài ra, theo bà, quyền hạn của tổ chức nhân quyền mới được thành lập vẫn bị để ngỏ trong bản hiến chương này.
Trả lời Tuổi Trẻ, GS về quan hệ quốc tế Vũ Đức Vượng tại ĐH cộng đồng De Anza (California, Mỹ) đánh giá việc xây dựng lòng tin, cơ cấu cộng tác trong nội khối của ASEAN vẫn chỉ ở mức sơ khởi, chưa đạt được mức độ "gắn kết" cao như Liên minh châu Âu (EU).
Tờ Daily Time của Malaysia cũng đánh giá ASEAN là một tập hợp nhiều đối tác có chính thể đa dạng nên bản hiến chương không thể đi xa đến mức làm thay đổi những nguyên tắc cố hữu "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau" và mọi quyết định đều phải được thông qua trên cơ sở "đồng thuận", mà "vấn đề Myanmar" là một ví dụ. Các chuyên gia cho rằng "cách thức của ASEAN" đã khiến khối không thống nhất giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như hội nhập kinh tế, môi trường xuống cấp.
Rõ ràng thật khó để đưa ra một bản hiến chương mạnh mẽ trước bối cảnh nhiều nước lớn trong ASEAN đều đang gặp khó khăn như hiện tại. Nói như cách của nhà bình luận Kavi Chongkittavorn của tờ The Nation (Thái Lan), bản hiến chương là không hoàn hảo nhưng là một giải pháp chấp nhận được trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động chính trị trong thời gian gần đây.
Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc ASEAN ký bản hiến chương, coi đó là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của khối. Theo VOV, Thủ tướng khẳng định VN sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục phê chuẩn cần thiết để cùng với các nước thành viên tạo hiệu lực cho hiến chương. Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long nhấn mạnh một ASEAN hội nhập sẽ có vị trí mạnh mẽ hơn với các đối tác bên ngoài. Theo CNA, các nhà lãnh đạo khối cũng đã thông qua kế hoạch chi tiết của việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua và ký tuyên bố ASEAN về môi trường bền vững. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự cuộc họp cấp cao ASEAN - Trung Quốc, hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - VN với Nhật Bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận