Di chỉ Văn Tứ Đông thuộc loại hình di tích cồn sò điệp hay còn gọi là "đống rác bếp" (kjokkenmodding). Đây là lần đầu tiên, loại hình di tích này được phát hiện và khai quật ở Khánh Hòa.
Đợt khai quật này tiến hành trên tổng diện tích 79m2 và ở địa tầng sâu trung bình 120 cm. Kết quả khai quật cho thấy là lớp vỏ sò điệp ken dày đặc trong đó có hiện vật đá, gốm, xương sừng... và rất nhiều gốm mảnh cùng xương động vật. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 4 vết tích bếp lửa, 1 hố đất đen và thu được 261 hiện vật; gồm 151 đồ đá, 84 mũi nhọn xương và 26 đồ gốm cùng hàng vạn mảnh gốm và nhiều xương động vật.
Tiến sĩ Trần Quí Thịnh, trưởng đoàn khai quật cho biết: bên cạnh việc phát hiện sò điệp, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra các cụm xương dùng để đan lưới hoặc làm dụng cụ săn bắt cá; 18 loài nhuyễn thể sò điệp. Đặc trưng nổi bật về công cụ đá ở di chỉ này là sự phổ biến của nhóm rìu hình bầu dục làm từ đá basalte, có chuôi thuôn nhỏ, lưỡi xòe, mặt cắt ngang và bổ dọc hình bầu dục.
Đồ trang sức duy nhất được phát hiện ở di chỉ này là vòng đá, được làm từ đá phiến (schiste) và mặt vòng cùng loại bằng đất nung. Đồ gốm ở đây được phân bố mật độ cao và mang nét đặc biệt với kiểu trang trí hoa văn hai mặt (mặt trong văn chải, mặt ngoài văn in ấn hoặc vạch). Theo ước đoán, niên đại của di chỉ Văn Tứ Đông được xác định cách ngày nay khoảng 3.500 năm.
Theo tiến sĩ Thịnh, những gì thu thập được cho thấy, đây là một làng chài ven biển vào loại cổ nhất Khánh Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận