Những kết luận này đã viết thêm vào lịch sử làng gốm Bát Tràng và Kim Lan cũng như vẽ lại phạm vi hoạt động của nghề gốm ở Thăng Long - Hà Nội từ hàng ngàn năm trước.
Phát hiện Kim Lan
![]() |
Làng gốm Kim Lan- Ảnh: Lê Văn Chí |
Chương trình tìm lại "cội nguồn làng" của các cụ đã khiến cho những tư liệu còn trong các văn bia của làng, ở các xã liên quan, trong sách vở nhà dân và cả trong lòng đất cũng được lật lại, xới lên, tìm kỹ.
Theo truyền thuyết dân gian, Làng Kim Lan (tên Nôm là làng Xươn) được thành lập từ rất sớm, liên quan đến sự tích Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung thời Hùng Vương thứ 18, lại cũng có liên quan đến lịch sử khởi nghĩa của hai Bà Trưng khi truy quét quân thù năm 40 sau Công nguyên.
Kim Lan nằm bên tả ngạn sông Hồng, năm 1948 cả Kim Lan, Bát Tràng, Giang Cao đều hợp nhất thành xã Quang Minh. Đến năm 1957, khi đào kênh Bắc Hưng Hải, Kim Lan được tách ra thành một xã riêng.
Điều quan trọng hơn là chính các cụ đã tìm ra được rất nhiều hiện vật gốm cổ tại di chỉ Hàm Rồng ở Kim Lan, bên bờ sông Hồng. Có thể thấy quần thể hiện vật tìm thấy ở đây rất phong phú: những hiện vật kim loại như chuông thờ, lư hương, cối giã trầu, tiền cổ...; nhóm hiện vật gốm, đất nung như: gạch, ngói, đầu rồng, điếu bát, đĩa, bát, hũ, vò, chậu, nồi, ấm... hầu hết bị vỡ. Các loại gạch Giang Tây, gạch Hán, gạch có nhiều hoa văn, tháp nhiều tầng bốn mặt... cũng tìm thấy khá nhiều. Đặc biệt có một phù hương long mã bằng sành, là vật thờ Cao Biền tại miếu Cả trong làng.
Từ việc đọc bản Ngọc phả do Nguyễn Bính - Đông Các đại học sĩ hàn lâm viện soạn vào năm 1472, đọc bản minh văn trên chuông chùa Cả (Linh Ứng Tự) và các bản thần tích, câu đối, văn tế, văn bia... Các cụ xác định tên làng Kim Lan có từ thời Cao Biền xây thành Đại La, tức thế kỷ thứ 9.
Hé mở quy mô một vùng gốm
![]() |
Bát cổ Kim Lan - Ảnh: Lê Văn Chí |
Tiến sĩ Bùi Minh Trí - Viện khảo cổ học nhận định: dựa vào các di vật gốm, bước đầu chúng tôi suy đoán rằng ngay từ đầu thời Trần, Kim Lan đã có những lò gốm hoạt động.
Riêng với hình ảnh những bao nung gốm tìm thấy ở đây, tiến sĩ Trí cũng nhận định rằng chúng tương đồng với những bao nung gốm thời Trần đã tìm thấy và xác định được ở trung tâm gốm Thiên Trường - Tức Mặc (tỉnh Nam Định).
So về vị trí địa lý, thì Kim Lan và Bát Tràng sát liền nhau, thời xưa chung một làng khi chưa có con kênh đào Bắc Hưng Hải. Tiến sĩ Bùi Minh Trí dẫn sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có chép "làng bát Tràng làm đồ bát chén" và từng "cung ứng cho đồ cống Trung Quốc (thời Minh)". Như vậy, hẳn Kim Lan cũng có bề dày lịch sử của nghề gốm không thua Bát Tràng. Tuy nhiên, giới khảo cổ học vẫn cẩn thận cho rằng những bằng chứng hiện vật khảo cổ thu được đã hé mở cho ta tấy một giai đọan lịch sử muộn của làng gốm Bát Tràng và Kim Lan, còn giai đọan sớm của những làng gốm này, vẫn còn là điều bí ẩn. Vì cứ như Ngọc phả của làng Kim Lan, làng này có niên đại từ thế kỷ thứ 9, còn tư liệu về làng gốm Bát Tràng thì cho rằng trung tâm gốm này có từ thời Lý. Nhưng dấu tích hiện vật xưa nhất tìm thấy được chỉ mới khoảng thời Trần.
Một nội dung quan trọng trong số các phát hiện lần này, là số gốm men lam có chất lượng cao, tiến sĩ Trí nhận xét "phong cách thể hiện hoa văn có thể so sánh với một số tiêu bản đã được tìm thấy ở Philippines và Indonesia. Điều này cho thấy nhiều khả năng sản phẩm gốm ở Kim Lan đã được xuất khẩu ra nước ngoài".
Lại có cả những mảnh gốm men trắng vẽ lam có hoa văn giống gốm Chu Đậu, đồng thời những lọ gốm nhỏ tìm thấy ở đây cũng được giới khảo cổ nhận xér rất giống các lọ trên tàu cổ đắm ở biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Những cứ liệu này đang hướng các nhà khảo cổ tìm hiểu khả năng sản xuất gốm xuất khẩu tại Kim Lan, Bát Tràng thời xưa.
Dù vậy, những phát hiện mới về khảo cổ học ở dải đất Kim Lan, Bát Tràng dọc sông Hồng cũng cho thấy bản đồ khu vực sản xuất gốm nơi đây vào ngày xưa rộng hơn quy mô làng cổ Bát Tràng bây giờ rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận