![]() |
Hầm mộ nằm ở vị trí trung tâm ngọn đồi, dưới độ sâu tính từ đỉnh đồi là 7m. Sau khi máy xúc bóc đi lớp đất chung quanh để lộ trần hình dáng bên ngoài hầm mộ. Chiều rộng 4m, nóc hầm cuốn vòm chạy dài 15m.
Điều đặc biệt đáng chú ý là gạch xây hầm mộ rất đặc biệt, đây là loại gạch cổ. Tất cả các viên gạch đều in nổi hoa văn cổ rất đẹp. Mặt gạch được phủ bởi lớp men ngọc, mỗi mặt một màu men khác nhau. Trên mặt gạch có khắc chìm chữ nho (hoặc chữ Hán), theo vị sư thầy trụ trì chùa Tổng cũng là người chỉ đạo phục dựng lại chùa cho biết: Đây là loại gạch được làm bằng đất thó, nung bằng rơm đốt. Gạch rất dễ vỡ. Xem xét những viên gạch vỡ thấy trong ruột viên nào cũng có vân hồng trông giống như đá vân hoặc gỗ chun.
Gạch có nhiều loại với các kích thước khác nhau. Gạch xếp vòm là gạch lưỡi rìu, bề mặt hình vuông, kích thước 30x30 cm dày 7cm. Gạch xếp tường hầm có kích thước lớn hơn.
Bóc đi hai lớp gạch ở một đầu hầm mộ, để lộ cửa hầm cao 2 mét, rộng 0,5 mét, phía trên hình bán nguyệt. Nhìn từ phía ngoài thấy tường và vòm hầm được xếp bởi 4 lớp gạch, bề dày của vòm là 1,2 mét.
Sáng ngày 25-11-2004, đại diện của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, Phòng Văn thể Hoài Đức, UBND cùng đại diện người cao tuổi xã An Khánh đã có mặt tại hiện trường. Qua xem xét phân tích và đưa ra kết luận sơ bộ: Ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ 10. Đại diện bảo tàng Hà Tây cho ý kiến: Vì ngôi mộ rất cổ nên cần khảo sát nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận