07/07/2017 15:20 GMT+7

​Phản ứng của cơ thể do dị ứng thuốc

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Dị ứng thuốc là những phản ứng, hội chứng hay bệnh xuất hiện trong hoặc sau khi dùng thuốc qua đường tiêm truyền, uống, khí dung, nhỏ niêm mạc, tiếp xúc, bôi ngoài da... với những mức độ khác nhau.

Những biểu hiện dị ứng do thuốc trên lâm sàng rất đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng bồn chồn, mệt mỏi, khó thở, nổi ban, sốt, tụt huyết áp...

Một số tai biến dị ứng thuốc thường gặp

Tình trạng dị ứng thuốc thường gây nên một số bệnh cảnh lâm sàng như nổi mề đay, phù Quincke, sốc phản vệ, chứng mất bạch cầu hạt, bệnh huyết thanh, viêm da dị ứng, đỏ da toàn thân, hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước, hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc.

- Nổi mề đay

Nổi mề đay thường là biểu hiện lâm sàng nhẹ và khởi đầu của phần lớn những trường hợp dị ứng thuốc. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây nên tình trạng nổi mề đay, hay gặp nhất khi dùng các loại kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt...

Sau khi dùng thuốc, nhanh nhất là từ 5 đến 10 phút, chậm nhất có thể vài ngày; người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng nốt sẩn phù. Nốt sẩn có màu hồng, chung quanh có viền đỏ, hình thể tròn, bầu dục, to bằng hạt đậu, đồng xu; có thể liên kết với nhau thành mảng. Nếu người bệnh càng gãi ngứa, tổn thương càng tiến triển nhanh và lan rộng. Trong các trường hợp nặng, cùng với dấu hiệu nổi mề đay có kèm theo khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao.

- Phù Quincke

Phù Quincke là một dạng nổi mề đay khổng lồ, nguyên nhân có thể do nhiều loại thuốc khác nhau gây nên như kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt...

Dấu hiệu phù Quincke thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc, xảy ra ở những vùng da mỏng, ở môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Kích thước nổi phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay; nếu ở gần mắt có thể làm cho mắt bị híp lại; nếu ở môi làm môi sưng to, biến dạng. Màu da ở vùng bị phù Quincke có thể bình thường hay hơi hồng nhạt, đôi khi có phối hợp với mề đay. Trường hợp bị phù Quincke ở họng, thanh quản; người bệnh có thể bị nghẹt thở. Nếu xảy ra ở dạ dày có thể gây đau bụng; xảy ra ở não có thể gây đau đầu.

- Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất dễ gây nên tử vong. Có khá nhiều loại thuốc có thể gây nên sốc phản vệ như kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc giảm đau, chống viêm không steroide, tinh chất gan, một số loại vitamin...

Bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ khá đa dạng, thông thường có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc khoảng vài giây cho đến từ 20-30 phút. Người bệnh có dấu hiệu khởi đầu bằng cảm giác lạ thường như bồn chồn, hoảng hốt, sợ hãi... Tiếp theo đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng khác ở một hay nhiều cơ quan bị ảnh hưởng như tim mạch, hô hấp, da, tiêu hóa... với những biểu hiện như mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, ngứa ran khắp người, đau quặng bụng, đại tiểu tiện không tự chủ. Trong trường hợp thể tối cấp tính, người bệnh bị hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong ngay sau ít phút.

- Chứng mất bạch cầu hạt

Chứng mất bạch cầu hạt có thể xuất hiện sau khi người bệnh dùng các loại thuốc như sulfamide, penicilline liều cao, streptomycine, chloramphenicol, pyramidon, analgine... với bệnh cảnh lâm sàng điển hình như sốt cao đột ngột, sức khỏe giảm sút nhanh, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi, họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết... dễ dẫn đến tử vong.

- Bệnh huyết thanh

Bệnh huyết thanh là một tai biến dị ứng hay gặp do ảnh hưởng của các loại kháng sinh như penicilline, ampicilline, streptomycine... và một số loại thuốc khác gây nên nhưng ít khi được chú ý.

Bệnh thường xuất hiện vào ngày tứ 2 đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc. Người bệnh có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao từ 38,5 đến 39 độ C; gan to hơn bình thường, nổi ban mề đay khắp người. Nếu được phát hiện kịp thời, việc ngừng dùng ngay thuốc có thể làm cho các triệu chứng nêu trên sẽ mất dần.

- Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thực chất là một phản ứng chàm (eczema), thương tổn cơ bản là các mụn nước kèm theo ngứa và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng thường xảy ra nhanh sau ít giờ tiếp xúc với thuốc. Người bệnh thấy ngứa dữ dội, nổi ban đỏ, nổi mụn nước, phù nề ở các vùng da hở, vùng tiếp xúc với thuốc.

- Đỏ da toàn thân

Đỏ da toàn thân là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi dùng các loại thuốc như penicilline, ampicilline, streptomycine, sulfamide, chloramphenicol, tetracycline; các thuốc an thần, giảm đau, hạ sốt...

Dấu hiệu dị ứng xuất hiện từ 2 đến 3 ngày, trung bình từ 6 đến 7 ngày; đôi khi từ 2 đến 3 tuần sau khi dùng thuốc. Bệnh nhân thấy ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban và tiến triển thành đỏ da toàn thân. Trên da có vảy trắng, kích thước không đều, có thể nhỏ bằng hạt phấn đến to bằng hạt dưa; các kẽ tay chân có thể bị nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm và có mủ.

- Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước

Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước còn được gọi là hội chứng Stevens-Johnson gây nên do dùng các loại thuốc như penicilline, streptomycine, tetracycline, sulfamide chậm; thuốc an thần, hạ sốt, giảm đau, chống viêm...

Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến khoảng 15-20 ngày, người bệnh thấy mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ; nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như miệng, mắt, mũi, tai, hậu môn, niệu đạo, âm đạo... Sau đó dần dần dẫn đến viêm loét, hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên này và có thể kèm theo tổn thương gan, thận; thể nặng dễ gây nên tử vong.

- Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc

Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc còn được gọi là hội chứng Lyell. Đây là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất do dùng các loại thuốc như sulfamide chậm, penicilline, ampicilline, streptomycine, tetracycline, analgine, phenacetine...

Tình trạng dị ứng xảy ra và diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh bị mệt mỏi, bàng hoàng, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện nhiều mảng đỏ, đôi khi có những chấm xuất huyết. Vài ngày sau đó hoặc có khi sớm hơn, lớp thượng bì tách khỏi da, khi động nhẹ tới có thể trợt ra từng mảng, gọi là dấu hiệu Nikolski dương tính. Tương tự hội chứng bỏng toàn thân, cùng với tổn thương da, người bệnh có thể bị viêm loét niêm mạc các hốc tự nhiên, viêm phổi, màng phổi; viêm gan, viêm thận; tình trạng người bệnh thường rất nặng và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng ngừa tai biến do dị ứng thuốc

Để phòng ngừa những tai biến xảy ra và gây nên do tình trạng dị ứng thuốc, cần chú ý đến 6 vấn đề cơ bản sau đây:

- Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng người dân về việc sử dụng thuốc hợp lý và an toàn, dùng thuốc đúng chỉ định, đúng liều; không kết hợp dùng nhiều loại thuốc cùng một lần.

- Trước khi dùng thuốc cho người bệnh, cần kiểm tra chất lượng thuốc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc. Những loại thuốc có quy định thử test, cần thử đúng kỹ thuật, kết quả âm tính mới được dùng.

- Trước khi tiêm thuốc cho người bệnh, cần chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ và thuốc cấp cứu tai biến dị ứng như bơm tiêm và kim tiêm vô trùng, dây garô, thuốc adrenaline 0,1%, suprastine dung dịch 2,5%, pipolphen 2,5%, diaphylline 4,8%, depersolone 30mg...

- Khi tiêm kháng sinh phải dùng dụng cụ riêng để phòng sốc phản vệ do vết kháng sinh.

- Khi đang tiêm thuốc, nếu phát hiện nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra, phải ngưng ngay việc tiêm thuốc để người bệnh không tiếp xúc nhiều hơn với thuốc và kịp thời xử trí tình trạng sốc xuất hiện.

- Để người bệnh ngồi chờ khoảng từ 15 đến 20 phút sau khi tiêm thuốc để đề phòng một số trường hợp sốc phản vệ có thể xảy ra chậm hơn.

Hiện nay tình trạng dị ứng do dùng thuốc xảy ra khá phổ biến nhiều nơi; trong đó đã có một số trường hợp bị tử vong do sốc phản vệ. Vì vậy các cơ sở y tế công lập kể cả y tế tư nhân và cộng đồng người dân cần quan tâm đến vấn đề này để bảo đảm an toàn khi sử dụng các loại thuốc dùng để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc làm thay đổi một chức năng sinh lý của cơ thể.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: dị ứng thuốc