![]() |
1. Tư duy thần học dựa trên những xác tín tôn giáo về thế giới siêu nhiên.
2. Tư duy siêu hình dựa trên những mối quan hệ nhân quả, bản thể luận, nguyên lý nội tại và chất liệu.
3. Tư duy thực chứng dựa trên tri thức khoa học có tính chất kinh nghiệm.
Tiến trình này trong lịch sử phát triển chung của nhân loại cũng thấy có trong tiến trình trưởng thành của một cá nhân. Là những nhà giáo dục, chúng ta có thể lắp cái lược đồ phát triển này lên những quan sát về quá trình phát triển trí tuệ của trẻ em, từ đó có thể phân ra ba thời kỳ riêng biệt trong sự tiếp xúc của chúng với người khác và thế giới xung quanh:
1. Thời kỳ bắt chước, dựa trên tín điều và các mô hình quen thuộc.
2. Thời kỳ tự quyết, dựa trên việc hỏi han và trên giáo điều.
3. Thời kỳ duy lý, khoa học.
Trong thời kỳ đầu đứa trẻ tuyệt đối tin vào cha mẹ và thầy cô, vâng lời họ một cách vô điều kiện. Vai trò của nhà giáo dục là hướng dẫn nó vượt qua thời kỳ này để tiến qua thời kỳ 2 và 3. Nhưng qua nhiều khi tiến trình ấy không diễn ra được, thành thử có những người sống qua những quãng đời khá dài trong niềm tin mù quáng, chấp nhận bất cứ gì người ta dạy cho và uốn nắn mình theo đúng những lời bảo ban và những tấm gương của những người khác.
Mỉa mai thay, ngay cả những nhà giáo nhiều khi cũng không làm gì nhiều ngoài việc bắt chước từng cử chỉ của cấp trên và của những bậc có “uy danh” trong ngành giáo dục. Thỉnh thoảng ta nghe nói tới những cách giảng dạy tồi tệ do chuyển đạt sai, do hiểu lầm những lý thuyết mà người ta tin theo từng chữ một.
Niềm tin có thể rất nguy hại và nhiều khi khó nói rõ cái gì có hại hơn, tôn giáo hay khoa học. Tuy vậy, xét cho cùng, dù là khoa học hay là tôn giáo, chẳng cái nào ta nên đi theo một cách mù quáng. Mọi lời tuyên bố nói rằng mình nắm được chân lý về cái trật tự chi phối vũ trụ, mà tôn giáo khẳng định là do ý chí của Thượng đế điều khiển, đều phải trùng hợp với những qui luật tự nhiên mà khoa học đã tìm ra bằng cách đi theo hướng ngược lại, tức bằng con đường thực nghiệm qui nạp.
Chúng ta nên coi chừng các học giả nửa vời thường bác bỏ mọi thứ tín ngưỡng của người khác để tuyên bố rằng tín ngưỡng của chính mình mới là chân lý. Tuy vậy nếu không có kinh nghiệm bản thân, lòng tin có thể là một ông thầy tốt hơn cả. Cũng nhiều khi các học giả, các triết gia đầy các công trình nghiên cứu của họ khi đi đến cực đoan, đến nỗi những phát kiến cao siêu của họ không thấu tới được những trí óc chưa đủ trình độ để hiểu nó và không có một tác dụng gì đối với ai ngoài dăm ba người chia sẻ quan điểm của họ.
Còn đối với đa số, bất cứ cái gì nằm ngoài kinh nghiệm sống của bản thân đều không thể hiểu được. Không thể mong người ta đánh giá cao những khái niệm trừu tượng nếu những kết luận này không phải là đã rút ra được từ vốn kinh nghiệm của chính bản thân họ. Các nhà bác học có thể đắm mình vào những suy tư bác học, nhưng thật là uổng công nếu cứ cố tìm cách cắt nghĩa những suy tư ấy cho những ai chưa từng nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực ấy.
Một người lớn có thể bắt đứa nhỏ phải nghe, nhưng mà nghe không có nghĩa là hiểu, trừ khi đứa nhỏ có một chút kinh nghiệm để biết quí những điều đang được giảng. Nhưng người lớn vẫn cứ ra sức nói, và trẻ con bị ép phải tin, phải chấp nhận, dù không thực sự hiểu. Đó là sự thừa nhận quyền uy chứ không phải là nhận thức về điều được giảng giải.
Hệ quả của tình trạng quy phục những người nắm giữ chân lý lớn tuổi hơn và có học thức hơn là ngăn cản và làm thui chột cái ý chí của đứa trẻ muốn tự mình giải quyết vấn đề: đứa trẻ không dám làm cái việc ấy vì tin rằng nó quá khó đối với mình. Cho nên có nhiều người thậm chí cũng chẳng quan tâm tìm kiếm xa hơn cái điều được dạy.
Xu hướng chấp nhận mù quáng quan điểm của người có thẩm quyền, ngay cả trong vấn đề sinh tử của cuộc sống, lại là một chuyện phổ biến. Dù ta có thông minh đến đâu chăng nữa, thì khi ta gặp một vấn đề ta không hiểu hoặc khó cắt nghĩa quá, ta không cố tự mình tìm tòi, mà cứ nhằm chấp nhận quan điểm của các bậc huynh trưởng hay của những người có uy tín.
Tệ hơn nữa, một số người sống hoàn toàn lệ thuộc và bói toán, tử vi, kinh dịch, những khi cần quyết định vận mạng của mình. Ở thái cực kia chúng ta lại có xu hướng nghe theo cách suy nghĩ theo lẽ thường, theo phản ứng trực giác, chứ không phải căn cứ vào sự phân tích có lý lẽ. Thường thì chúng ta cũng xoay xở được, mặc dù rốt cuộc chúng ta lại rơi vào những lỗi lầm lặp đi lặp lại, giống như những lỗi về thủ thuật trong ma trận của một cuộc thí nghiệm.
Ngược với xu hướng ấu trĩ chỉ muốn tin mà thôi chứ không muốn tự suy nghĩ hay xem xét một cách có phê phán đối với những quan điểm, những tư tưởng được mọi người chấp nhận, khi có ít nhiều kinh nghiệm người ta sẽ bắt đầu nhận ra những mâu thuận và sai lệch trong các giáo điều, rồi từ đó đi đến chỗ ngờ vực và đến thái độ hoài nghi. Sự giác ngộ này làm cho người ta phải ngẫm nghĩ lại, nhận thức này lại nuôi dưỡng nhận thức kia. Và chỉ khi đó cách sống duy lý mới có thể bắt đầu.
Như vậy, mục đích của giáo dục hiện đại là hướng dẫn đứa trẻ từ giai đoạn ấu trĩ chúng đang sống tiến sang giai đoạn duy lý khoa học đó. Nói như vậy không có nghĩa là sống duy lý khoa học tức là đối nghịch với tôn giáo. Nhiều khi người ta nghĩ rằng khoa học với tôn giáo không thể cùng tồn tại. Thật ra không nhất thiết như vậy.
Những chân lý khoa học được rút ra từ những suy luận qui nạp và được thực nghiệm kiểm chứng, đều phải được thừa nhận là chân lý và qui luật nội bộ của vũ trụ. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều là những sự thể hiện của Thượng đế, như một số tôn giáo tuyên bố, các qui luật tự nhiên đều là ý chí của Ngài, thì những chân lý phổ quát mà các nhà khoa học đã khổ công bao nhiêu mới tìm được ắt phải phù hợp với những điều mà tôn giáo truyền giảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận