![]() |
Cả thành phố chỉ có duy nhất ba trường THCB, xóm tôi có 13 người cùng thi một trường và chỉ có tôi đạt điểm đậu, tôi đã mừng vui như thể làm được ước mơ to tát lắm. Giờ đây khi đọc báo thấy quá nhiều người phản đối về chương trình phân ban tôi buồn lắm, tại sao lại như thế?
Việc định hướng cho học sinh ngay từ những ngày còn đi học là rất đúng. Khoá học của tôi sau khi ra trường, tỉ lệ đậu đại học rất cao,có những lớp chỉ có 3 tới 4 người rớt. Vậy thì vấn đề tôi muốn nói ở đây không phải là do chương trình quá nặng mà là do sức tiếp thu của học sinh còn hạn chế.
Có những trường hợp khi chọn ban để học, học sinh chưa xác định được sở thích và thế mạnh của mình, lại nghe theo chỉ dẫn của cha mẹ. Khi bắt tay vào học, sự chán nản mới dần dần lộ ra. Bởi vậy việc chọn lựa phải được xác định ngay ở năm cuối cấp 2.
Vấn đề tiếp theo còn là phương pháp giảng dạy của giáo viên, vì chương trình phân ban học rất sâu và dàn trải, nếu giáo viên không có cách truyền tải thì dễ làm học sinh sợ hãi và không biết phải học như thế nào để hiểu. Tình trạng đọc bài cho học sinh chép tôi cực lực phản đối, đó không phải là cách dạy tốt, khác nào cái máy ngày nối ngày lặp đi lặp lại một trình tự cũ rích.
Tôi không dám khoe nhưng tôi thật tự hào khi được đào tạo từ một môi trường hết sức khắt khe mà hiệu quả. Các bài giảng trên lớp, thầy cô giáo chẳng bao giờ đọc. Việc đầu tiên chúng tôi cần làm là soạn bài trước khi tới lớp. Khi nghe giảng tự ghi bài theo ý mình, có gì không hiểu chúng tôi phát biểu ngay trong tiết học.
Những môn KHXH vì thế không làm chúng tôi sợ mà ngược lại, mỗi ý kiến đưa ra đều được thầy cô giải đáp. Với môn Văn vì được học theo cách học đó nên chúng tôi thoải mái cảm nhận theo sáng tạo riêng mình. Còn các môn Khoa học tự nhiên tuy chỉ được "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng nếu để học thêm nữa thì có lẽ chúng tôi không thể . Đó cũng là cách học "lệch" mà như nhiều ý kiến đã đưa ra?
Thế nhưng các bạn thử nghĩ xem, mục đích cuối cùng của việc học là để khi ra trường có một việc làm như mong muốn. Vậy thì học lệch cũng chẳng có lỗi gì, vì khi đi làm bạn có chuyên môn sở thích và tìm được việc làm phù hợp, những kiến thức của các môn học ngoài phân ban chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc làm của bạn mà thôi.
Khi chúng ta cứ ca thán học phân bạn sẽ bị nhiều lỗ hổng ở các môn phụ, Bộ GD đã thay đổi tăng nội dung cho các môn học phụ thì lại có người ca thán "Chương trình thì nói là học phân ban nhưng các môn phụ không giảm bớt mà khi thi lại không có giới hạn, môn nào cũng phải học từ đầu đến cuối một quyển sách dày cộp. Còn những môn chính thì lại càng nặng hơn." - ý kiến của bạn Phương (Valentinegirl142@).
Rõ ràng áp lực chúng ta đặt lên vai Bộ GDĐT là quá nặng, khác nào "làm dâu trăm họ" . Bạn bè tôi ra trường và đi làm tất cả đều thành đạt và thành công trên con đường mình đã chọn dù là bạn học ban KHTN hay KHXH... Chính những ý kiến từ phía phụ huynh đã làm con trẻ dao động mà ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Cuối cùng tôi mong rằng Bộ GDĐT đừng xoá bỏ hệ thống phân ban như hiện nay mà chỉ nên sửa đổi sao cho nội dung học không bị chồng chéo. Những kiến thức đã được học ở Phổ thông thì không nên học lại ở Đại học. Đề thi nên gắn liền với nội dung giảng dạy trên lớp. Chấm dứt và nghiêm khắc với kiểu dạy "chạy giáo án", thầy đọc trò chép.
NGUYEN LY, haiphong820443@
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận