16/01/2009 20:11 GMT+7

Phạm Thế Mỹ và chí hướng hòa bình cho quê hương

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Nếu Bông hồng cài áo làm cho Phạm Thế Mỹ “sống đời” trong lòng mỗi người thì các tác phẩm về quê hương, đất nước lại khẳng định chí hướng của ông: hòa bình cho dân tộc, cho đất nước...

rDbAADjF.jpgPhóng to
Đêm thơ nhạc Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan - Ảnh tư liệu

Nói đến Phạm Thế Mỹ không thể không nhắc đến ca khúc Bông hồng cài áo - bài hát đã trở thành “dân ca” của mọi tầng lớp, đặc biệt là trong mùa Vu lan báo hiếu.

Một bài báo trước năm 1975 nhận định “Tập tùy bút Bông hồng cài áo của thượng tọa Thích Nhất Hạnh sau khi được giới cải lương biến thành kịch, bây giờ lại được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ soạn thành ca khúc. Với tất cả cố gắng, nhạc sĩ đã tân nhạc hóa Bông hồng cài áo rất hay. Ngoài ra, họa sĩ Hiếu Đệ trình bày bìa rất chi là bay bướm và trang nhã khiến cho Bông hồng cài áo xuất hiện trong thị trường tân nhạc như một cô gái đẹp mặc áo dài xuất hiện giữa một rừng người mặc toàn mini jupe”.

Còn báo Tinh Hoa số 26 ghi nhận “…Hơn 500 thính giả chọn lọc, lúc lịm đi, lịm đi vào giấc mơ của tuổi thơ không mẹ, lúc dào dạt tin yêu, lúc âm thầm phẫn nộ như thác đổ trên ngàn, để rồi tất cả tan biến đi nhường chỗ cho sự bao dung, độ lượng… Đó là sự thành công đêm thơ nhạc của Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan” (Theo Trần Tuyết Hoa, Văn Hóa Phật giáo số 43 ngày 15-10-2007).

Cuộc đời Phạm Thế Mỹ không bằng phẳng. Ông sống ở Sài Gòn nhưng cháy lòng vì khói lửa chiến tranh. Có nhiều ca khúc đẹp nhưng Phạm Thế Mỹ luôn đau đáu hướng về đất nước, dân tộc và mong ngày hòa bình. Một loạt khá nhiều tác phẩm (ca khúc lẫn nhạc kịch) mang khuynh hướng ấy như Rạng đông trên quê hương, Thương quá Việt Nam, Lời nguyện pháp trường, Lời lên tiếng, Con đường trước mặt, Trái tim Việt Nam (tập nhạc)… ra đời và lên sàn diễn, cũng đồng thời đưa ông vào nhà giam. Là thầy giáo dạy nhạc ở nhiều trường trung học Nguyễn Công Trứ, Tây Hồ, Bồ Đề, Kỹ thuật Đà Nẵng, Mạc Đỉnh Chi và đến năm 1970-1975 ông là giáo sư âm nhạc, trưởng phòng văn nghệ kiêm trưởng đoàn văn nghệ Đại học Vạn Hạnh.

"Hỡi người anh phía trước. Hỡi người bạn sau lưng. Hỡi từng viên đạn nhỏ. Cho tôi ly rượu mừng. Mùa xuân nào lại đến. Lời ca nào lại bay. Tiếng ru nào của mẹ. Mắt lệ nào của em…Lạy trời! lạy trời tôi đừng biết. Xin cho tôi đừng biết. Tôi là người như anh. Tôi chết vì tay anh! Chết! Chết vì chiến tranh!" (trích lời ca cảnh Lời nguyện pháp trường).

Nếu Bông hồng cài áo làm cho Phạm Thế Mỹ “sống đời” trong lòng mỗi người thì các tác phẩm về quê hương, đất nước lại khẳng định chí hướng của ông: hòa bình cho dân tộc, cho đất nước.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên