Phóng to |
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (giữa) |
Nữ phó giáo sư tuổi 36
Khi nhìn lại cuộc đời đã qua, Phong Lan cho rằng mình chỉ toàn gặp may mắn. Thuở nhỏ, chị rất muốn làm cô giáo, nhưng khi thi ĐH lại chọn y-dược vì thời đó ai cũng nói “nhất y, nhì dược...”. Chị thú nhận: “Nội, ngoại ở nhà không ai theo ngành y cả, nhưng để “lấy oai” với bạn bè tôi chọn ngành này. Tuy nhiên, nếu học y thì căng quá, học dược phù hợp với phụ nữ hơn”.
Hoàn tất 5 năm ĐH, ra trường năm 1994 với danh hiệu thủ khoa, Phong Lan được trường giữ lại giảng dạy. Như thế cũng vẹn đôi đường, vừa thỏa mong ước làm cô giáo lại vừa được đi theo một ngành... rất “oách”.
Năm 1995, Phong Lan được học bổng sang Pháp học cao học. Chị cho rằng đó là may mắn vì thời đó số người biết tiếng Pháp còn ít mà học bổng của Pháp thì nhiều. Xong cao học, chị lại làm tiếp nghiên cứu sinh. Năm 1999, ngày về nước chị mang theo về tấm bằng tiến sĩ, kết quả của 5 năm dày công học tập, nghiên cứu.
Phong Lan kể: “Chỗ tôi học là Caen, cách Paris chỉ hơn 100 km thôi, nhưng cuộc sống không khác gì tỉnh lẻ. Người dân ở đây ít nói, thời tiết luôn mưa phùn, giá lạnh cứ thay nhau, khung cảnh buồn bã lắm. Chẳng có gì vui chơi, giải trí, nên tôi suốt ngày cứ đến trường hoặc ở nhà đọc sách, nghiên cứu”.
Về VN tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu, vừa qua Phong Lan được Nhà nước phong danh hiệu phó giáo sư. Với tuổi đời 36, đây là nữ phó giáo sư trẻ tuổi nhất VN từ trước đến nay. Lan cho rằng mình may mắn vì các thầy cô trong trường ủng hộ mới đưa vào danh sách xét chọn. Nhưng thạc sĩ Vương Văn Ảnh, Trưởng Phòng Tổ chức ĐH Y Dược TP.HCM, Bí thư Đảng ủy Khoa Dược, lại nhận xét: “Cô ấy có tài thật đấy, rất năng động, chịu khó phấn đấu. Ở trường ai cũng cho rằng đó là một tài năng, chất xám đáng quý và có nhiều tiềm năng phát triển”.
Sẽ có một loại thuốc mới của VN!
Sinh ngày 17-5-1970 tại Hà Nội, ngày thống nhất đất nước, Phong Lan theo gia đình vào TP.HCM sinh sống. Chị cho biết cái tên của mình là do cha đặt để kỷ niệm những ngày ông làm phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh, Khe Sanh... vì ở Trường Sơn, phong lan rất nhiều. Đến giờ, chị vẫn chưa có “một nửa” của mình. Chị nói vui: “Nam giới thường “sợ” phụ nữ học cao, huống gì giờ đây người ta còn gọi tôi là “sư” nữa. Đôi lúc tôi cũng tin vào số mệnh, nhưng thôi chuyện gì đến thì sẽ đến, đừng quá lo lắng”. |
Tại Trung tâm Nghiên cứu dược phẩm Normandie thuộc Viện Đại học Caen (Pháp), từ nhiều năm nay, các nhà khoa học rất quan tâm tới hệ dị vòng mới cyclopenta[c]thiophen. Qua quá trình nghiên cứu và sàng lọc cấu trúc, người ta đã tổng hợp được một số dẫn chất mới, đã và đang được thử nghiệm đặc tính kháng ung thư tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), cho kết quả ban đầu rất hứa hẹn, nhất là trên ung thư bạch huyết. Một số dẫn chất ấy đang được thử nghiệm giai đoạn độc tính và lâm sàng.
Hiện nay, với sự hợp tác chặt chẽ của Trung tâm Nghiên cứu dược phẩm Normandie, PGS-TS Phong Lan vẫn tiếp tục tổng hợp các dẫn chất cyclopenta[c]thiophen mới tạo tiền đề cho thử nghiệm kháng ung thư cũng như một số họ hợp chất khác (indan, pyrrolizin, thienopyridon...) để thử nghiệm sinh học.
“Không như những nước đã phát triển, tại nước ta hóa trị liệu còn mới mẻ, liệu có quá khó cho công việc hiện nay của chị không?”. Chị đáp: “Tôi tin vào tương lai của ngành công nghiệp dược nước nhà. Cách đây hơn 10 năm, không ai nghĩ VN sẽ có những nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP, GLP, GSP của ASEAN chứ đừng nói là chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vậy mà giờ đây nước mình có hàng chục nhà máy đạt chuẩn này”.
Có cơ sở để tin vào điều này. Theo nhiều nhà khoa học, với những nguyên liệu từ nguồn dầu khí sẵn có như hiện nay, ngành hóa tổng hợp VN sẽ có cơ hội phát triển, từ đây ngành hóa trị liệu cũng có cơ hội đi lên. Một loại thuốc chữa ung thư, kháng sinh, trị bệnh tim mạch... của VN, tại sao không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận