Một chiếc ô tô đi qua đoạn đường đau khổ tại Gia Lâm, Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học GTVT):
Đường xấu, không thể duy tu cho tốt được
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận xét bản thân ông đi nhiều đường nhưng hầu như chưa thấy con đường nào hài lòng, kể cả một số đường mới làm. Điều bộ trưởng nói là đúng 100% và cũng chính là điều chúng ta lo lắng.
Chúng ta cứ nói đường làm đảm bảo chất lượng được nghiệm thu. Nhưng đó là đảm bảo chất lượng do tự chúng ta đề ra.
Khi nghiệm thu thì thấy đạt cường độ, đủ tiêu chuẩn nhưng chất lượng một sản phẩm nhiều khi không phải đo bằng những đặc tính của vật liệu hay kết cấu làm nên sản phẩm mà thể hiện ở cảm nhận của người sử dụng.
Ông bộ trưởng nói chưa có con đường nào hài lòng cả thì đấy là tiêu chuẩn cao nhất của chất lượng, đồng thời thừa nhận chất lượng đường của mình còn xấu.
Đường Phạm Hồng Thái, TP Vinh, Nghệ An hư hỏng nặng - Video: DOÃN HÒA
Nếu con đường làm ra đã chất lượng xấu thì chỉ có làm lại chứ không thể duy tu cho tốt lên được. Những con đường làm ra không đủ độ bền vững lại gặp tải trọng xe lớn, duy tu không đáp ứng đúng yêu cầu thì chất lượng đường sẽ giảm nhanh.
Đường sau khi duy tu, đại tu thì cùng lắm phục hồi được chất lượng ban đầu về độ bằng phẳng, độ nhám chứ không làm tăng được chất lượng con đường.
Vì vậy, muốn duy tu, sửa chữa đạt chất lượng tốt thì trước hết phải làm những con đường tốt ngay từ đầu.
Nhưng một điều đáng nói là thời gian qua, vì thành tích, vì phân bổ vốn, vì hiểu biết không đầy đủ nên chúng ta làm những con đường kết cấu yếu, mức độ tuân thủ kỹ thuật khi thi công không cao, công nghệ lạc hậu.
Đáng lẽ chỉ đủ tiền làm 500km đường chất lượng tốt nhưng vì muốn làm được nhiều hơn số tiền mình có nên chúng ta làm 700km. Chúng ta quan niệm nước ngoài giàu nên làm đường dày, đá, nhựa loại tốt, còn chúng ta nghèo không làm được như thế.
Nhưng về nguyên tắc, để có một con đường đảm bảo chất lượng cho xe chạy theo tiêu chuẩn chung thì giàu hay nghèo cũng phải chi như nhau.
Nếu chúng ta không làm một hệ thống đường tốt ngay từ đầu thì sẽ dẫn đến tình trạng đi vay tiền về làm đường, làm xong không có tiền để duy tu, sửa chữa, dăm bảy năm sau đường hỏng lại đi vay tiền về khôi phục.
Còn điều bộ trưởng đề nghị công bố rõ với các cấp là nhu cầu kinh phí duy tu, sửa chữa đường rất lớn nhưng nguồn tiền thực hiện ít là rất đúng.
Nếu không làm rõ được nhu cầu đó để có kế hoạch đảm bảo đủ cho nó mà cứ giật gấu vá vai thì hệ thống đường sẽ tê liệt rất nhanh. "Ổ gà thành ổ trâu" chỉ là một cách nói hình tượng, còn từ vỡ đến vỡ nát cả đường là chuyện xảy ra rất nhanh.
Với con đường, tiền dùng để bảo trì còn hiệu quả hơn tiền xây dựng mới hay nâng cấp đường. Bởi vì làm và giữ được đường mới là cái an toàn nhất của đầu tư công.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Cần có quy trình làm đường đầy đủ
Ở nhiều nước trên thế giới, khi cải tạo một đoạn đường, họ thường cạo bỏ phần cốt nền cũ rồi mới phủ lớp cốt nền mới, do vậy đường thường đẹp và chắc chắn.
Còn tại Việt Nam, nhiều đơn vị thi công sửa đường không cạo bỏ lớp cốt nền cũ mà lấp chồng lớp cốt mới lên.
Điều này khiến mặt đường dày cộm, xấu xí, mau xuống cấp. Do vậy, cần có quy trình làm đường đầy đủ các bước và cơ quan chức năng giám sát đơn vị thi công thực hiện thì chất lượng đường mới được cải thiện.
Ngoài ra, hiện nay vấn đề quy hoạch giữa các sở, ngành chưa thống nhất với nhau. Giữa các đơn vị này chưa có sự thống nhất về độ cao, chất lượng cốt nền.
Do đó, khi các công trình hoàn thành, độ cao mặt đường sẽ bị chênh lệch với độ cao các hạ tầng khác.
Các sở này cần ngồi lại với nhau, thống nhất một độ cao, chất lượng cốt nền để áp dụng vào thực tế.
Có như vậy chất lượng đường mới được cải thiện lâu bền, cũng không xảy ra tình trạng mặt đường ngày càng dày lên gây ảnh hưởng đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Thành (phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - Tổng cục Đường bộ VN):
Đang áp dụng công nghệ mới
Hiện nay, cục đang thực hiện đổi mới cơ chế ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới theo hướng chủ động đặt hàng triển khai ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới theo nhu cầu quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, chúng tôi sẽ triển khai đấu thầu công tác duy tu sửa chữa đường theo mục tiêu chất lượng thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, sử dụng máy móc, công nghệ mới vào sửa chữa bảo trì đường bộ.
Ông Nguyễn Thành Nam (giám đốc điều hành dự án xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII)
Công nghệ mới hiệu quả hơn
Hiện nay CII sử dụng công nghệ mới "cào bóc tái chế nguội" để thi công chống lún trên quốc lộ 1 đoạn tiếp giáp ngã ba Tân Vạn (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dài khoảng 1,6km thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2018.
Trước đó, Sở GTVT TP đã thực hiện thí điểm công nghệ này trên quốc lộ 1 và quốc lộ 22 (Q.12, TP.HCM).
Việc sử dụng công nghệ mới này đem lại nhiều hiệu quả như không cần nâng cao mặt đường, tăng cường kết cấu mặt đường cũ, thời gian thi công ngắn từ 4 - 6 giờ hoàn trả ngay làn đường rộng 3,5m và dài từ 200 - 400m.
Toàn bộ mặt đường cũ cào bóc lớp đá, nhựa cũ đã được tận dụng làm đường mới nên không tốn chi phí đổ bỏ.
Và điều chắc chắn rằng ở những đoạn đường được nâng cấp sẽ không cần nâng cao nền đường khiến nhà dân bị thấp xuống.
Một đoạn đường bị lún sâu trên quốc lộ 1 - Ảnh: HỮU KHOA
.Ngày mưa, tuyến đường Phạm Hồng Thái (Nghệ An) trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường - Ảnh: DOÃN HÒA
Tuyến đường Nguyễn Cảnh Dị ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, thường xuyên lầy lội - Ảnh: LÂM HOÀI
Người đi xe máy tại Nghệ An phải men theo bên lề đường để tránh "ổ voi" - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân Nghệ An vác đá ra đường để hạn chế xe trọng tải lớn chạy qua - Ảnh: DOÃN HÒA
Đoạn đường đi qua khu phố chùa Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Đường Phạm Hồng Thái, TP Vinh tan nát, xuất hiện nhiều ổ voi giống như những hố bom - Ảnh: DOÃN HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận