![]() |
Ông Vương Bích Thắng - Ảnh: Nga Nguyễn |
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Thắng cho biết:
- Theo dõi loạt bài về thể thao mùa hè, những vấn đề Tuổi Trẻ đặt ra về việc thiếu thốn sân bãi tập luyện phản ánh đúng thực trạng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao (TDTT) trong nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.
* Nguyên nhân của việc thiếu sân chơi thể thao cho người dân xuất phát từ đâu, thưa ông?
- Bản thân tôi vào những năm 1994-1995 lúc tham gia đề án quy hoạch phát triển TDTT của thủ đô Hà Nội, khi khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất dành cho hoạt động TDTT đã nhận thấy đây là vấn đề hết sức bức xúc. Có những nơi như quận Hoàn Kiếm, diện tích đất dành cho TDTT chỉ đạt 0,18m2/người dân. Anh Hoàng Vĩnh Giang lúc đó là giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã phải thốt lên: “Với diện tích như vậy thì mỗi người dân chỉ đứng trên một chân để tập thể dục thôi”. Hiện nay, mặc dù được quan tâm nhiều nhưng so với nhu cầu tập luyện thì diện tích đất đai và cơ sở vật chất dành cho hoạt động TDTT vẫn còn rất thiếu.
Theo tôi, việc thiếu cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT xuất phát từ điều kiện kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tập luyện TDTT chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ngoài ra, đó còn do sự quan tâm của chính quyền đối với việc phát triển sự nghiệp TDTT, đặc biệt là việc dành đất cho hoạt động TDTT chưa đúng mức. Ngành TDTT còn chậm tham mưu cho chính quyền về quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển cơ sở vật chất về TDTT, các chính sách phát triển cơ sở vật chất phục vụ TDTT...
![]() |
Nhà nước cần có những ưu đãi nhiều hơn để tư nhân đầu tư các sân chơi thể thao phục vụ người dân - Ảnh: N.K. |
* Theo ông, vậy phải làm gì để giải quyết tình trạng này?
- Để giải quyết tình trạng này, trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác TDTT, coi TDTT là một bộ phận quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời là biện pháp quan trọng để nâng cao nguồn nhân lực. Từ đây trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm đúng mức tới quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT.
Kế đến, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành đất cho TDTT, chú ý tới đất đai để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện TDTT cho mọi người, đặc biệt chú ý tới dành đất và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Nếu thiếu vốn chưa thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì cũng không chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Thực tế những năm qua ở một số nơi, đất đai được quy hoạch cho TDTT nhưng sau đó lại bị thu hồi để phục vụ các mục đích khác.
Cuối cùng, Nhà nước cần có những ưu đãi nhiều hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT quần chúng để thu hút được nhiều hơn nguồn lực trong xã hội. Hiện nay ngành thể thao đang xây dựng chiến lược phát triển TDTT giai đoạn 2011-2020, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển TDTT quần chúng.
* Nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở TDTT nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn tư nhân?
- Tôi có thể khẳng định hầu hết các công trình TDTT công lập hiện nay đều hoạt động rất hiệu quả. Ngoài việc dạy và mở cửa cho nhân dân vào tập luyện, các nhà thi đấu quận, huyện còn là nơi đào tạo, hướng dẫn các cộng tác viên thể thao cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Nhiều nhà thi đấu quận huyện còn là nơi đào tạo VĐV đỉnh cao.
Với những công trình lớn như sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước... là những công trình quốc gia nên không thể cho thuê để đem lại hiệu quả kinh tế được. Các công trình này được sử dụng theo hướng khai thác hợp lý, phục vụ các nhiệm vụ quốc gia, là nơi tổ chức các giải đấu quốc tế đạt tiêu chuẩn. Nếu khai thác tối đa, tuy đem lại nguồn lợi về kinh tế nhưng cũng làm cơ sở vật chất xuống cấp.
Tình trạng thiếu sân tập sẽ còn kéo dài Đây là dự báo của tổng thư ký Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang khi nói về việc phát triển sân chơi thể thao trong thời gian tới. Ông Giang cho biết: “Năm 2005 Chính phủ đã có quyết định 100 về phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Theo đó, xã, phường nào cũng phải có nhà tập, khu vui chơi giải trí cho người dân. Tuy nhiên quyết định là thế nhưng việc thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, quận Hoàn Kiếm lấy đâu ra đất để xây bể bơi hay sân tập. Hay trường học muốn xây nhà tập nhưng chưa có tiền xây ký túc xá, phòng học thì làm gì có chỗ cho nhà tập thể chất. Do vậy, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và địa điểm tập luyện TDTT còn tiếp tục kéo dài”. Theo ông Giang, thực tế nói trên khiến người dân hiện nay phải tự tìm cách khắc phục những khó khăn về việc thiếu sân bãi bằng cách tự tìm cho mình chỗ tập, cách tập trong diện tích nhỏ hẹp. Nếu người dân chờ ngành thể thao thì chẳng biết đến bao giờ mới có chỗ tập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận