Xem toàn cảnh Đại án Dương Chí Dũng
Phóng to |
Trong khi xét xử các bị cáo trong vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) trốn đi nước ngoài, TAND TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” - Ảnh: Doãn Tấn |
“Tôi thấy đa số các vụ án viện kiểm sát đều điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa. Tuy nhiên, với những trường hợp viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm thì tòa phải chịu” - ông Ngô Tự Học, phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, nói.
Cùng ý với ông Học, ông Đàm Thuận Hồng, phó chánh án TAND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, nói thêm: “Sau khi yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm không bổ sung thì tòa vẫn xử. Nếu có quan điểm khác nhau nữa thì họp liên ngành ba bên gồm có tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Sau khi họp liên ngành mà không thống nhất được quan điểm nữa thì các cơ quan xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Có quyền... kiến nghị và trả hồ sơ
“Nếu kết quả điều tra và truy tố tội danh của viện kiểm sát không thay đổi sau khi tòa đã yêu cầu điều tra bổ sung, tòa sẽ đưa ra xét xử vụ án đó theo quan điểm truy tố của viện kiểm sát, nhưng sau đó tòa sẽ kiến nghị trong bản án sơ thẩm gửi đến cấp trên”- đây là ý kiến của hai thẩm phán Dương Thị Thu Hà - phó chánh án TAND TP Cần Thơ, và Nguyễn Thị Cẩm Hồng - phó chánh án TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đó cũng là lựa chọn phổ biến của nhiều hội đồng xét xử.
Ngoài ra, theo thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh (TAND quận 8, TP.HCM), tòa có thể yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần. Nếu kết quả điều tra bổ sung lần đầu vẫn chưa đầy đủ thì theo hướng dẫn liên ngành tại thông tư liên tịch giữa Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, thẩm phán có quyền hoàn trả hồ sơ lần thứ hai. Nếu kết quả lần hai vẫn chưa đầy đủ thì tòa án báo vụ việc lên tòa án cấp trên để xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, nếu qua hai lần trả hồ sơ vụ án mà kết quả điều tra, truy tố vẫn chưa đầy đủ, chính xác thì căn cứ diễn biến kết quả điều tra, xét hỏi tại phiên tòa, hội đồng xét xử vẫn có thể tiếp tục hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Một quyền có vẻ tích cực hơn là quyền khởi tố vụ án tại tòa nhưng rất ít khi được tòa sử dụng. Ngày 8-1-2014, là lần hiếm hoi khi TAND Hà Nội khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trong phiên tòa xét xử vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) trốn đi nước ngoài.
Gần 20 năm về trước, theo lời kể của thẩm phán Dương Thị Thu Hà, TAND tỉnh Hậu Giang có xét xử vụ án xảy ra tại một công ty nhưng Viện KSND bỏ lọt tội phạm. Vụ án xử sơ thẩm xong, bị hại kháng cáo, tòa phúc thẩm xét xử và tuyên bố khởi tố nữ kế toán của công ty tại phiên tòa.
Tuy nhiên, quyền khởi tố này của tòa cũng “không thật sự hiệu quả” - như lời của một chánh án TAND thành phố bởi vì khởi tố là chuyện của tòa, còn có điều tra, truy tố hay không lại là chuyện của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Có lẽ đó cũng là lý do mà tòa ít sử dụng quyền này.
“Đối với các vụ có dấu hiệu phạm tội thì tòa có thể ra quyết định khởi tố vụ án tại tòa, giống như vụ Dương Chí Dũng vừa rồi. Tòa có quyền khởi tố, việc tiến hành điều tra là trách nhiệm của cơ quan điều tra chứ tòa không thể biết được” - ông Ngô Tự Học nói.
Đừng để các kiến nghị “trôi vào quên lãng”
Kiến nghị của hội đồng xét xử chính là một kiểu “bó tay”, xử một đàng nhưng lại kiến nghị tòa cấp trên một nẻo. Về thực chất, đó là tòa đã vừa xử vừa mong chờ tòa cấp trên hủy bản án của mình. Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, Tòa hình sự TAND TP.HCM, kể năm 2013 ông xét xử vụ án bị cáo Luyện Danh Tâm dùng súng hoa cải bắn người vì tranh chấp tiền thua cá độ đá gà. “Khi nghiên cứu vụ án này, tôi thấy việc bị cáo Tâm dùng hai khẩu súng hoa cải chĩa thẳng vào người nạn nhân ở cự ly rất gần và bóp cò khiến nạn nhân bị hàng chục vết thương (tỉ lệ thương tật 39%) là có dấu hiệu của tội giết người chứ không phải chỉ là tội cố ý gây thương tích như truy tố của viện kiểm sát. Tuy nhiên, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, viện kiểm sát vẫn không đồng ý thay đổi, vẫn chỉ truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích nên hội đồng xét xử không thể xử bị cáo về tội giết người (tội nặng hơn). Khi xét xử, hội đồng xét xử đành tuyên bị cáo 14 năm tù về tội cố ý gây thương tích nhưng kiến nghị trong bản án đề nghị TAND tối cao xem xét vụ án vì hội đồng xét xử cho rằng bị cáo phạm tội giết người”.
Vụ án được tuyên ngày 16-8-2013, không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy việc kiến nghị trên, theo ông Nghĩa, đồng nghĩa với việc hội đồng xét xử đề nghị cấp giám đốc thẩm hủy bản án mà mình đã xét xử nhưng vẫn phải làm, để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội.
Với những vấn đề tội danh, tội phạm chưa được làm rõ đã kiến nghị trong bản án, TAND tối cao sẽ có trách nhiệm xem xét để ra kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là mỗi năm có hàng trăm ngàn bản án xét xử nên áp lực rất lớn cho bộ phận giám đốc kiểm tra của TAND tối cao. Thẩm phán Vương Văn Nghĩa nói thêm: “Nếu không được xem xét, rà soát kỹ thì cũng sợ những kiến nghị đó sẽ trôi vào quên lãng, bởi theo tố tụng hình sự thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng làm xấu đi tình trạng của bị cáo chỉ được thực hiện trong thời hạn một năm”.
Có thể xử theo khung hình phạt cao hơn Thật ra thì tòa án không phải “bó tay” hoàn toàn, mà vẫn có thể xử theo khung hình phạt cao hơn. Nói về một vụ án thu hút dư luận mới đây, trong đó hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nhưng viện kiểm sát chỉ truy tố các bị cáo ở khoản 1 điều 298 Bộ luật hình sự, thẩm phán Phạm Công Hùng, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, cho biết việc giới hạn xét xử của tòa chỉ là giới hạn về bị cáo và tội danh. Tòa không thể xét xử ai mà viện kiểm sát chưa truy tố, điều này đúng. Tuy nhiên, nếu cho rằng viện kiểm sát truy tố theo khoản 1 là quá nhẹ thì tòa vẫn có quyền xét xử theo khoản 3 của cùng điều luật (khung hình phạt cao hơn). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận