16/02/2011 03:21 GMT+7

Phải biết nói "không" với trẻ

L.TH.H. ghi
L.TH.H. ghi

TT - Đồ chơi tác động đến tâm sinh lý của trẻ như thế nào? Có phải cứ mua cho trẻ đồ chơi mắc tiền là giúp trẻ phát triển tốt? Trẻ chơi quá nhiều thời gian với đồ chơi có nên không?

Đây là những băn khoăn của nhiều phụ huynh gửi đến Tuổi Trẻ sau các bài viết nói về nhiều trẻ em đang “phát sốt” với những trò chơi được quảng cáo trên truyền hình. Tuổi Trẻ đã trao đổi với bác sĩ Thái Thanh Thủy - trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - xung quanh vấn đề này. Bác sĩ Thanh Thủy cho biết:

Thường cha mẹ hay bị những phim quảng cáo tác động và cứ nghĩ chỉ những trò chơi ngoại nhập, hiện đại mới thích hợp với trẻ. Trên thực tế không phải như vậy. Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ cần những loại đồ chơi khác nhau.

Nguyên tắc là bố mẹ phải chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, thứ hai là chất lượng của đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ ở thời điểm chơi và về lâu dài.

Cụ thể, trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi chủ yếu phát triển thông qua giác quan. Vì vậy trẻ cần những trò chơi tác động đến cơ quan giác quan, thị giác và cảm giác xúc giác. Nếu giai đoạn này cha mẹ không cho bé tập sử dụng những giác quan thì bé dễ có nguy cơ rối nhiễu về tâm lý với biểu hiện khi ăn bé dễ bị ọc, nôn trớ, không chịu ăn, ngủ không ngon...

Dưới 1 tuổi bé rất cần những đồ chơi giúp bé tìm hiểu thế giới xung quanh. Với trẻ 1-3 tuổi rất năng động, thích tìm tòi, khám phá, muốn khẳng định cái tôi, cha mẹ nên cho trẻ chơi những loại đồ chơi, trò chơi có thể giúp bé tìm tòi, so sánh, kích thích sự phát triển tư duy, năng khiếu âm nhạc, khả năng toán học..., không nhất thiết phải mua những trò chơi đắt tiền.

Những trò chơi, đồ chơi phải giúp trẻ phát triển trí não, thị giác, thính giác, phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận thức, sáng tạo, khả năng ứng xử, giao tiếp.

Cần lưu ý trẻ học qua trò chơi, đồ chơi. Tuy nhiên, đồ chơi, sách vở, truyền hình, video không thể thay thế cha mẹ. Tình thương của cha mẹ là điều cần thiết nhất cho trẻ. Nếu chơi mà không có tình cảm thì trẻ sẽ không phát triển về mặt cảm xúc, trẻ sẽ bị phụ thuộc vào món đồ chơi và rập khuôn theo những đồ chơi đó.

Nếu để trẻ chơi thời gian quá dài cũng có thể khiến trẻ kém tập trung. Đặc biệt, ở giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành nhân cách, nếu cho trẻ chơi những trò chơi kích thích bạo lực nhiều quá sẽ làm tăng tính cục cằn, hung hãn ở trẻ hoặc làm trẻ sợ sệt, kém tự tin, thụ động, trầm nhược (trẻ ù lì, không có phản ứng với xung quanh). Sau này khi lớn hơn nữa trẻ có thể bị rối loạn cảm xúc, khó khăn trong học tập, thậm chí phát triển lệch lạc về nhân cách.

Nếu trẻ cứ nằng nặc đòi mua đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi, hoặc ham mê trò chơi đến mức chơi quá nhiều, cha mẹ nên nói “không”. Ngay từ 2 tuổi trẻ đã hình thành nhân cách, nên ở tuổi này phải tập cho trẻ tính kỷ luật, mặc dù biết rằng đồ chơi này tốt, phù hợp với tuổi nhưng chơi cũng phải trong một giới hạn nào đấy.

Nếu cha mẹ cứ chiều theo thì không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng “leo thang” của trẻ. Nếu trẻ cứ gào thét lên đòi cho bằng được thì cha mẹ cần hướng trẻ sang một sự tập trung, quan tâm khác, trẻ sẽ quên ngay cái đang đòi. Nếu trẻ làm những hành động không kiểm soát được thì tốt nhất cha mẹ làm lơ càng nhiều càng tốt, không nên chiều theo ý trẻ hoặc đánh trẻ.

L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên